(Xã hội) - Trong phiên xét xử ngày hôm qua (12/12), bị cáo Dương Chí Dũng rơi nước mắt rất lâu khi ngồi trước vành móng ngựa nhưng phủ nhận hầu hết nội dung cáo trạng và lời khai của các bị cáo khác.
Ngày 12/12, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Mua ụ nổi đơn giản như mua rau
10 bị cáo trong vụ án này gồm Dương Chí Dũng (SN 1957, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải Bộ Giao thông Vận tải) cùng 9 đồng phạm: Mai Văn Phúc (tổng giám đốc), Trần Hữu Chiều (phó tổng giám đốc), Bùi Thị Bích Loan (kế toán trưởng), Mai Văn Khang (thành viên Ban Quản lý dự án Vinalines), Trần Hải Sơn (tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam), Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng (cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa), bị VKSND Tối cao truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng 4 bị cáo: Dũng, Phúc, Sơn, Chiều còn bị truy tố thêm tội “Tham ô tài sản”.
Bị cáo Dương Chí Dũng đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: TTXVN
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP-Singapore , Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 367 tỉ đồng.
Trong vụ mua bán này, sau khi thanh toán 9 triệu USD cho Công ty AP, Dũng, Phúc, Sơn và Chiều đã tham ô hơn 28 tỉ đồng là số tiền thanh toán mua ụ nổi 83M được Công ty AP chuyển lại Việt Nam. Điều nghiêm trọng là tuy biết được giá chào bán ụ nổi 83M của Công ty Nakhodka dưới 5 triệu USD nhưng ngày 15-2-2008, Dương Chí Dũng vẫn ký phê duyệt điều chỉnh phương thức đầu tư dự án mua ụ nổi 83M của Công ty AP-Singapore với giá 9 triệu USD. Trước khi Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi 83M với Công ty AP thì ngày 28-2-2008, Công ty Nakhodka và Công ty AP ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M với giá 2,3 triệu USD.
Theo đánh giá của VKSND, trong vụ án này, Dương Chí Dũng đóng vai trò chủ mưu, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời tham ô 10 tỉ đồng của nhà nước.
Tại tòa, lời khai của các bị cáo cho thấy sự thiếu trách nhiệm qua việc chi ra nhiều tỉ đồng của nhà nước song không quan tâm xem chiếc ụ nổi thế nào. Dương Chí Dũng thú nhận trước khi bị bắt, năm 2012, Dũng có một lần đến thăm ụ nổi khi nó nằm ở Vũng Tàu. Còn Mai Văn Phúc, khi chủ tọa truy vấn tại sao hồ sơ của ụ nổi thể hiện rõ việc đã cũ kỹ, hỏng hóc, không hoạt động được mà vẫn ký, bị cáo này thừa nhận: “Đến giờ này, tôi cũng chưa được nhìn qua hồ sơ về ụ nổi vì giấy tờ vẫn nằm ở ngân hàng”!
Là thành viên của đoàn khảo sát, Lê Văn Dương khai do khối lượng công việc nhiều nên chỉ kiểm tra xác suất các phao, khung sắt thép của ụ nổi. Dương không thấy nhà máy - nơi chứa ụ nổi - có công nhân nào song thấy một chiếc tàu đang có giàn giáo, lại mới được sơn nên nghĩ “chứng tỏ ụ nổi hoạt động được”.
Quanh co chối tội
Trong phần xét hỏi, trả lời câu hỏi của chủ tọa, Dương Chí Dũng khẳng định không chỉ đạo, định hướng gì trong vụ mua ụ nổi 83M. “Tất cả đều do tổng giám đốc Vinalines điều hành, tôi không được báo cáo gì. Tôi và anh Phúc có mối quan hệ cá nhân không tốt nên không can thiệp vào việc của anh em. Tất cả thông qua tờ trình của tổng giám đốc” - bị cáo Dũng nói.
Còn Mai Văn Phúc trần tình mới ngồi vào ghế tổng giám đốc được 2 tháng. Phúc khai có ký các tờ trình liên quan đến việc khảo sát, mua ụ nổi lên chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, “khi trình lên đến tôi đã có hàng chục chữ ký, trong đó có chữ ký anh Chiều, người trực tiếp chịu trách nhiệm về dự án” - bị cáo này nói. Ông Phúc cũng thừa nhận do mâu thuẫn cá nhân với ông Dũng rất sâu sắc nên chưa bao giờ gặp, trao đổi, bàn bạc riêng với nhau.
Trần Hải Sơn đã khai rành rọt quy trình luân chuyển đồng tiền tham ô từ việc mua bán ụ nổi 83M tới các đồng phạm. Theo lý giải của Sơn, sở dĩ mình được Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc giao nhận tiền “lại quả” vì ngoài việc được lãnh đạo tin tưởng, đơn vị của Sơn sử dụng ụ nổi sau khi đưa về Việt Nam. Số tiền đó được chia theo chỉ đạo của Dương Chí Dũng. Nhận được tiền, Sơn đã đưa 10 tỉ đồng cho Dương Chí Dũng làm 2 đợt; đưa cho Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng làm 3 đợt và “bồi dưỡng” Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng. Phản bác lại, Dương Chí Dũng phủ nhận toàn bộ lời khai của Sơn.
Ngoài ra, tại tòa, Dương Chí Dũng khai nguyên nhân không lai dắt ụ nổi trực tiếp là do thời tiết xấu và mặt biển bị đóng băng ở nhiều điểm. Thêm nữa, việc 2 ụ nổi của Vinashin được lai dắt về Việt Nam trước đó đã bị chìm khiến HĐQT Vinalines quyết định chọn phương án an toàn hơn nhưng cũng tốn kém hơn. Trước câu hỏi của chủ tọa về việc Vinalines chọn phương án chở về bằng một phương tiện khác chứ không phải lai dắt có phải là do ụ nổi không còn khả năng hoạt động hay không, Dương Chí Dũng trả lời “không biết”.
Đáng chú ý, dù thừa nhận mối quan hệ thân thiết với ông Goh Hoon Seow, Giám đốc AP-Singapore nhưng ông Dũng cho rằng chọn mua ụ nổi 83M từ công ty này là nghị quyết của HĐQT. Ông Dũng cũng khẳng định không hề trao đổi, liên lạc điện thoại để hứa hẹn cụ thể với ông Seow trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M.
Hối hận vì bỏ trốn
“Chiều tối 17/5/2012, nghe được thông tin bị khởi tố, bị cáo hoảng quá nên bỏ trốn, chỉ nghĩ cố đi càng xa càng tốt. Tất cả rối bời, bị cáo không tự chủ được, cứ thế là đi thôi. Giờ bình tĩnh lại, bị cáo hiểu cái sai nọ nối cái sai kia” - Dương Chí Dũng phân trần tại tòa về việc bỏ trốn.
|
Theo Người Lao Động