Tương quan lực lượng hiện nay giữa các bên tranh chấp, ưu thế đang nghiêng hẳn về phía các nước lớn, cùng với những toan tính chiến lược của họ khiến Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ “dậy sóng”...
Năng lượng Mới số 281
Biển Đông được dự báo là vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên, có trữ lượng dầu mỏ khoảng 7,7 tỉ thùng dầu (barrel) và khí đốt khoảng 266 nghìn tỉ feet khối; là tuyến đường thương mại giữa Đông Á với châu Âu, Trung Đông và châu Phi; hằng năm có hơn 80% lượng dầu mỏ thế giới vận chuyển qua đây; Biển Đông còn đóng vai trò then chốt trong cấu trúc an ninh khu vực Châu Á -Thái Bình Dương - khu vực phát triển năng động nhất của thế giới trong thế kỷ XXI.
Có thể nói trong khu vực, nhất là các nước lớn luôn tìm mọi cách khẳng định sự tồn tại và gia tăng sự hiện diện cả về quân sự, bán quân sự nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài tại vùng biển này. Tương quan lực lượng hiện nay giữa các bên tranh chấp, ưu thế đang nghiêng hẳn về phía các nước lớn, cùng với những toan tính chiến lược của họ khiến Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ “dậy sóng”, gây quan ngại sâu sắc trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của các nước tranh chấp, trong đó có các nước thành viên ASEAN.
Từ “tham vọng” của Trung Quốc…
Trung Quốc coi Biển Đông trong khuôn khổ “lợi ích cốt lõi” và “sống còn” đối với chiến lược mở rộng ảnh hưởng và trở thành “cường quốc toàn cầu” của mình. Là nước lớn đang trỗi dậy, Trung Quốc có nhu cầu mở rộng ảnh hưởng khu vực và quốc tế.
Biển Đông là “lối thoát chiến lược” duy nhất để Trung Quốc mở rộng “không gian sinh tồn” và là “bàn đạp” để mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài, phá vỡ thế bị bao vây chiến lược. Biển Đông còn có vai trò đặc biệt quan trọng, là tuyến hải vận huyết mạch về thương mại, an ninh năng lượng, không gian phòng thủ từ xa của Trung Quốc.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược, Trung Quốc đã và đang triển khai nhiều chủ trương và biện pháp cụ thể. Về sách lược ngoại giao, “cương, nhu” uyển chuyển, nhưng đều dựa trên phương châm “lấn dần từng bước” tiến tới “độc chiếm” Biển Đông, theo tuyên bố “đường lưỡi bò”.
Đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Mỹ
Đẩy mạnh “luật hóa”, “dân sự hóa” nhằm khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông. Mấy năm qua, Trung Quốc đã thông qua 6 luật, thành lập thành phố Tam Sa, 2 cơ quan quản lý; công bố 418 mảnh bản đồ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá, xây dựng 10 “bia chủ quyền” ở Biển Đông…
Sau vụ cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam cuối năm 2012, tháng 3/2013 Trung Quốc bắn cháy tàu cá của Việt Nam, ngăn cản cư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên hai quần đảo của mình; tháng 4/2013 xây dựng trái phép các công trình dịch vụ và đưa tàu du lịch đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; tháng 5/2013 Trung Quốc đã gây áp lực tối đa lên Philippines, tại bãi cạn Scarborough bằng tàu hải quân, hải giám và nhiều tàu cá...
Những ngày gần đây, Trung Quốc lại gây căng thẳng với Nhật Bản và Hàn Quốc ở biển Hoa Đông bằng việc tuyên bố “vùng nhận dạng phòng không”. Nhằm mục tiêu đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài, trong thời gian tới, theo giới phân tích, không loại trừ khả năng Trung Quốc cũng sẽ tạo áp lực ở Biển Đông bằng “vùng nhận dạng phòng không” theo cái mà Trung Quốc gọi là đường “lưỡi bò”.
Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển nhằm trở thành “cường quốc hải dương” trong tương lai, thông qua đó hỗ trợ cho tham vọng “chủ quyền” của mình trên các vùng biển tranh chấp. Đồng thời, tăng cường sức mạnh cho lực lượng Hải quân, Hải cảnh, Hải giám trên hướng biển.
Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc cũng không đạt được sự đồng thuận xã hội, các học giả Trung Quốc cho rằng, giải quyết tranh chấp Biển Đông khách quan đòi hỏi phải có lý trí, phải làm cho lý trí ở thế thượng phong, phải cảnh giác với chủ nghĩa dân tộc cuồng tín… có như vậy mới phù hợp với tính chất thời đại “chúng ta đang sống trong một thế giới dựa vào nhau để tồn tại, chúng ta muốn tiếp tục sống thì phải để người khác sống”…
Đa số các nhà lãnh đạo cấp cao và nhân dân Trung Quốc chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình, một số ít trong giới quân nhân lại chủ trương sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, Trung Quốc rất cần một môi trường ổn định để phát triển kinh tế. Do đó, Trung Quốc khó có thể sử dụng vũ lực để “độc chiếm” Biển Đông, bởi nếu sử dụng vũ lực sẽ phá hỏng hình tượng “trỗi dậy hòa bình” và “phục hưng Trung Hoa” của Trung Quốc, tác động tiêu cực đến chiến lược gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Mặt khác phải kể đến là, thực lực của Trung Quốc còn rất hạn chế, sức mạnh quân sự chưa đủ để chiếm giữ Trường Sa lâu dài; các nước Mỹ, Nhật, Nga, Ấn… khó có thể chấp nhận để Trung Quốc “độc chiếm” Biển Đông, khống chế tuyến đường huyết mạch của thế giới; nếu Trung Quốc cố tình sử dụng vũ lực sẽ rơi vào “bẫy” của các đối thủ cạnh tranh. Vì thế, Trung Quốc vẫn đưa ra chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”.
Giáo sư Lý Lệnh Hoa, thuộc Trung tâm Thông tin Hải Dương Trung Quốc cho rằng, Bộ Ngoại giao và giới quân sự Trung Quốc rất cứng và không suy xét chu toàn, ông đã nhiều lần viết thư cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhưng đều không có hồi âm. Ông Lý nói “đường 9 đoạn” là hư ảo, không có cơ sở pháp lý vì không có kinh độ và vĩ độ cụ thể và cũng chỉ là đơn phương tuyên bố năm 1947 và không có nước nào công nhận.
Ông Lý Lênh Hoa khẳng định, theo điều 74 và 83 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 thì “đường 9 đoạn” sẽ phải vẽ lại xem mỗi nước chiếm bao nhiêu, không thể như hiện nay. Ông Hoa còn đưa ra quan điểm, vạch biên giới nhất thiết phải theo luật biển quốc tế, những quần đảo như Trường Sa không thể nuôi sống người lâu dài dù ai chiếm hữu thì cũng chỉ có hải vực 12 hải lý theo luật quốc tế chứ không phải là 200 hải lý như Trung Quốc mô tả. Ông Hoa kêu gọi Trung Quốc “vấn đề chủ yếu nhất” là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển nên phải phân chia lại vùng biển, mỗi quốc gia ven biển đều có thềm lục địa 200 hải lý, đây là căn cứ để Trung Quốc giải quyết tranh chấp.
Ông Hoa kết luận, Trung Quốc cứ bám lấy “đường 9 đoạn” và đưa ra phương thức “gác tranh chấp, cùng khai thác” là rất “mơ hồ”. Không thể cùng khai thác khi mà chủ quyền chưa được xác định rõ ràng. Chỉ khi nào vạch ra chủ quyền mỗi nước vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, sau đó mới có thể khai thác. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao “chiến lược mềm” trước đây của Trung Quốc đang được kết hợp với “chiến lược chủ động” hơn trên biển, khiến sự quan ngại về an ninh Biển Đông và khu vực của dư luận quốc tế là có cơ sở.
…Đến chính sách “can dự” của Mỹ
Nước Mỹ từ chỗ chỉ là nước quan sát viên, không phải là quốc gia ven Biển Đông, cũng không phải là một bên tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng ngày nay, Mỹ đã chính thức “can dự” vào khu vực và trở thành một trong những nhân tố chi phối đến cục diện an ninh tại đây.
Mỹ cho rằng, họ có lợi ích sống còn về kinh tế và chiến lược ở Biển Đông. Mỹ hiện đang là đối tác thương mại số 1 của Nhật Bản, số 2 của Trung Quốc và thứ 3 của ASEAN. Lợi ích kinh tế của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương đã lớn hơn ở Tây Âu, vì khu vực này đang thu hút một lượng đầu tư khổng lồ của các công ty Mỹ.
Hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang khu vực Đông Á và ngược lại, vận chuyển chủ yếu qua các hải lộ quốc tế trên Biển Đông. Do những lợi ích to lớn về thương mại và kinh tế trong khu vực, nên việc bảo đảm tự do cho tàu thuyền của Mỹ và các nước trên các tuyến đường Biển Đông được Mỹ rất coi trọng.
COC là nhu cầu bức thiết để bảo đảm hòa bình, ổn định Biển Đông
Vai trò của Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng hơn trong chiến lược toàn cầu của Mỹ thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Mỹ xem việc quan hệ các nước lớn trong khu vực là một trong những ưu tiên trong chính sách toàn cầu mới của mình. Mặt khác, thông qua Biển Đông các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản có thể liên kết với các căn cứ lớn của Mỹ ở đảo Guam, sẵn sàng hành động khi Hiệp ước An ninh Mỹ với các nước đồng minh khu vực bị vi phạm.
Việc Mỹ can dự vào Biển Đông, nói là để góp phần giúp ASEAN tăng cường khả năng trong cuộc chiến chống khủng bố, tuần tra chống cướp biển ở eo biển Malacca và đối phó với những vấn đề an ninh phi truyền thống khác, đồng thời giảm sức ép đối với các nước có chủ quyền, lợi ích ở Biển Đông. Đồng thời tạo lợi thế cho ASEAN giữ vững vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực và tăng thêm nguồn lực mới cho ASEAN trong tiến trình xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 như: mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ.
Dư luận khu vực cũng có xu hướng cho rằng, Mỹ không nên dính líu vào những cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, giới chức ngoại giao Mỹ lại cho rằng: “Nhân dân châu Á muốn Mỹ can dự… Bổn phận của Mỹ là phải đáp ứng niềm lạc quan mà người dân châu Á tin tưởng”. Vì thế, Mỹ không ngừng thể hiện lập trường của mình đối với các nước trong tại khu vực; ủng hộ ASEAN, Trung Quốc thực hiện đầy đủ DOC và đẩy mạnh việc đàm phán để sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC)…
Về lợi ích kinh tế - năng lượng, với việc thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng ngày càng cao, khiến cho nhu cầu về năng lượng của các nước, nhất là các lớn trong khu vực cũng gia tăng, mỗi ngày có hàng chục tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca và Mỹ đang muốn có lợi thế tại khu vực.
Lợi ích chiến lược đã chi phối quan điểm về chủ quyền của Mỹ tại khu vực, nên họ xác định: 1- Mỹ thúc đẩy giải pháp hòa bình cho các bên tranh chấp; 2- Mỹ không đồng tình với việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để đòi chủ quyền ở Biển Đông; 3- Mỹ không thừa nhận giá trị pháp lý của các yêu sách chủ quyền có tính cạnh tranh tại đây; 4- Nhưng Mỹ phản đối bất kỳ yêu sách nào vượt ra ngoài Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.
Nhằm chứng tỏ lập trường của mình, Mỹ đã điều chỉnh lực lượng toàn cầu theo hướng “xoay trục” về Châu Á - Thái Bình Dương, đưa hải quân lục chiến đến Australia, tăng cường sự hiện diện ở Philippines, Singapore, công khai tổ chức các cuộc diễn tập quân sự tại Biển Đông. Tổng thống Obama loan báo, “chiến lược mới của Mỹ sẽ được triển khai trên thực tế ở Châu Á - Thái Bình Dương” từ hồi tháng 11/2011 khi ông thăm Australia.
Ông Obama còn tuyên bố: “Trong khi hoạch định và soạn thảo ngân sách tương lai, chúng tôi sẽ phân bổ nguồn lực cần thiết để duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của chúng tôi trong vùng này”. Một điểm then chốt trong chiến lược mới là nhằm bảo đảm “an ninh hàng hải” trong vùng Biển Đông.
Mới đây, Mỹ đã thể hiện khả năng triển khai nhanh lực lượng hải quân của họ tại Biển Đông thông qua việc tàu sân bay USS George Washington, cùng các máy bay vận tải KC-130s, trực thăng cánh xoay MV-22 Osprey từ căn cứ ở Okinawa (Nhật Bản) với hàng ngàn lính thủy đánh bộ, Hải quân và Không quân trong chiến dịch cứu hộ cứu nạn ở Philippines.
Và chiến lược của ASEAN
Với chủ trương “độc chiếm” Biển Đông và chính sách “can dự” của các nước lớn là những nguyên nhân chính tác động đến tình trạng bất ổn trong khu vực Biển Đông và nảy sinh những vấn đề trong nội bộ ASEAN.
Chính sách “can dự” vào Biển Đông khiến ASEAN xuất hiện tình trạng các “nhóm” nước. Trước đó, các thành viên ASEAN, kể cả đồng minh của Mỹ thấy rằng chung sống hòa bình và hợp tác kinh tế với Trung Quốc là sự lựa chọn hợp lý hơn cả. Nhưng khi Mỹ “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương, các nước ASEAN lại có thêm sự lựa chọn. Theo đó, 3 khuynh hướng đã hình thành: một số nước “thiên” về Trung Quốc; một số nước khác “gần gũi” hơn với Mỹ; số còn lại thực thi chính sách cân bằng với 2 nước lớn, điều đó phần nào ảnh hưởng đến sự thống nhất trong nội bộ ASEAN về chính sách Biển Đông. Việc không ra được tuyên bố chung ASEAN năm 2012 đã nói lên điều đó.
Mặt khác, sự cạnh tranh Trung - Mỹ tại khu vực còn tác động đến vai trò trung tâm của ASEAN, tới sự ổn định khu vực. Giới nghiên cứu còn quan ngại khả năng hình thành G2 (Trung - Mỹ) với những toan tính lợi ích, nhằm cùng khống chế khu vực Biển Đông và Châu Á - Thái Bình Dương.
Vì thế, với chủ trương gắn kết “xây dựng lòng tin” với “ngoại giao phòng ngừa”, tích cực đẩy mạnh quá trình xây dựng Bộ quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC), tăng cường sự đoàn kết thống nhất nội khối, mở rộng hợp tác quốc tế, sớm định hình cấu trúc an ninh khu vực với ASEAN là trung tâm và cân bằng lợi ích các nước lớn, từng bước quốc tế hóa vấn đề an ninh Biển Đông. Đó có thể là những bước đi thiết thực và hiệu quả nhằm hạn chế những tác động bất lợi của vấn đề Biển Đông đối với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Hướng tới COC là nhu cầu bức thiết để bảo đảm hòa bình, ổn định cho Biển Đông. DOC ra đời ngày 4/11/2002, tại Phnom Penh (Campuchia), cùng Bản quy tắc hướng dẫn thực hiện ngày 21/7/2011, tại Bali (Indonesia) có ý nghĩa tích cực là làm dịu tình hình khu vực, nhưng hiệu quả thực hiện lại bị hạn chế.
Còn COC sẽ là văn bản có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, theo đó các tranh chấp phát sinh sẽ được một cơ quan trọng tài phân xử, chẳng hạn như Tòa án Quốc tế. Đây là một điều khoản sẽ khó được phía Trung Quốc chấp nhận, vì cho đến nay, Trung Quốc chỉ thừa nhận đàm phán song phương.
Các chuyên gia cho rằng, COC cần được bàn thảo ở cấp độ rộng hơn, bao gồm các nước có quyền lợi thiết thân liên quan đến hòa bình và an ninh trên Biển Đông, có thể bao gồm 18 nước: 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Cho đến nay ASEAN và Trung Quốc đã đạt được sự nhất trí, cần sớm hoàn thành đàm phán để đi tới ký kết COC. Tuy nhiên, Trung Quốc lại nhấn mạnh sẽ đàm phán COC vào thời gian thích hợp. Vì thế, các nhà phân tích cho rằng, thời gian đạt được thỏa thuận và tiến tới ký kết COC vẫn còn đang ở phía trước.
Nguyễn Nhâm