THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 December 2013

GIA ĐÌNH CÁC TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM VẬN ĐỘNG QUỐC TẾ HỖ TRỢ

photo-305.jpg
Ông Trần Văn Huỳnh (trái), bà Nguyễn Thị Kim Liên (giữa) cùng phóng viên Hòa Ái tại studio RFA trưa 12/12/2013
RFA photo
RFA- 12/12/2013 
Hôm nay đài Á châu Tự do rất là vinh dự đón tiếp hai vị khách đặc biệt đến từ Việt Nam. Đó là bà Nguyễn Thị Kim Liên, thân mẫu của anh Đinh Nguyên Kha và anh Đinh Nhật Uy cùng với ông Trần Văn Huỳnh là thân phụ của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.
Hòa Ái: Trước tiên xin thưa chuyện với ông Trần Văn Huỳnh. Thưa ông, được biết đây là chuyến đi đầu tiên của hai vị đến Hoa Kỳ thì xin ông chia sẻ cho biết mục đích của chuyến đi lần này là gì ạ?
Ông Trần Văn Huỳnh: Kính chào khán thính giả đài Á châu Tự do và chào Hòa Ái. Mục đích của tôi trong chuyến đi này đến nước Mỹ vận động tìm sự giúp đỡ của cộng đồng hải ngoại cũng như của nhà nước Hoa Kỳ nhằm giúp vận động tự do cho con tôi, hiện đang thụ án 16 năm tù và 5 năm quản chế.
Hòa Ái: Dạ mục đích trong chuyến đi lần này của bà cũng là để vận động cho con trai của bà được tự do thì xin bà chia sẻ về hy vọng nào mà bà đến Hoa Kỳ gặp gỡ những tổ chức ở đây ạ?
Mục đích của tôi trong chuyến đi này đến nước Mỹ vận động tìm sự giúp đỡ của cộng đồng hải ngoại cũng như của nhà nước Hoa Kỳ nhằm giúp vận động tự do cho con tôi, hiện đang thụ án 16 năm tù và 5 năm quản chế.
- Ông Trần Văn Huỳnh
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Chào cô Hòa Ái và chào quí khán thính giả của đài Á Châu Tự do. Mục đích chuyến của tôi là tôi tìm kiếm sự tự do cho bản án 4 năm tù của cháu Đinh Nguyên Kha và bản án 4 tháng rưỡi từ giam và 15 tháng tù treo của cháu Đinh Nhật Uy. Tôi rất hy vọng chuyến đi này, tôi được qua đây và cất lên tiếng nói của một người mẹ: Chỉ vì con mình thể hiện lòng yêu nước, quyền công dân của nó mà nó lại áp đặt những năm tù oan khốc như vậy.
Hòa Ái: Xin cũng xin phép bà chia sẻ nỗi lòng của bà, một người mẹ khi có những người con của mình mà họ chỉ cất lên tiếng nói chính kiến của mình cũng như họ thể hiện trách nhiệm của một công dân nhưng họ phải chịu cảnh tù đày.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Thưa cô, tôi nghĩ là những người mẹ như tôi rất nhiều ở nước Việt Nam. Tôi rất đau khổ khi con mình bị như vậy. Một gia đình mà có một người bị đi tù như vậy thì rất là khốn khổ mà gia đình tôi lại là hai đứa. Những hệ lụy đến rất nhiều, rất nhiều; Kể cả chị Hai của nó cũng bị chồng li dị vì bên chồng nói là có gia đình phản động. Cháu Uy bây giờ ra tù thì bên nhà vợ cháu cũng từ hôn. Tôi rất mong qua đây để lên tiếng nhờ chính phủ Mỹ, những tổ chức của Liên Hiệp Quốc, nhờ những Báo, Đài mà mấy ngày nay tôi có đi và cả Bộ Ngoại giao Mỹ  lên tiếng để giúp đỡ những gia đình như tôi bên Việt Nam .
Hòa Ái: Dạ thưa ông, trong những lần thăm nuôi đến gặp con của ông thì ông có nghe ông Trần Huỳnh Duy Thức chia sẻ về những khó khăn nào hay là cách cư xử của trại giam đối với ông ấy như thế nào ạ ?
Ông Trần Văn Huỳnh: Khi bắt đầu bị đưa về trại giam Xuân Lộc vào năm 2010 cho đến 30 tháng sáu vừa rồi, 2013 thì bên trại giam Xuân Lộc sinh hoạt có vẻ thoáng hơn cho nên sức khỏe tương đối ổn định; Nhưng từ khi chuyển qua trại Xuyên Mộc đêm 30 tháng sáu sau sự kiện xảy ra tại đó. Khi sang Xuyên Mộc cái quản lý khắt khe hơn, chẳng hạn những tiếp phẩm của gia đình mang đến hàng tháng theo qui định mỗi tháng được thăm một lần. Chúng tôi luôn mang đến những tiếp phẩm theo nhu cầu mà Thức cần dùng mỗi ngày.
Tuy nhiên ở Xuyên Mộc thì đồ tiếp tế của gia đình mặc dầu họ cho nhận nhưng lục soát rất kỹ cho nên thay vì xài được 4 tuần thì một tuần nó đã hư hỏng rồi. Đó là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của Thức. Cũng như 4 tù nhân lương tâm khác khi bị chuyển qua Xuyên Mộc, Thức không được nầu nướng như bên trại Xuân Lộc. Họ bị biệt giam mỗi người một chỗ. Do vậy phải mua thức ăn của căn-tin của trại giam. Điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn nên làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con tôi.
Hòa Ái: Trong chuyến đi vận động lần này, cả hai vị có lo ngại là khi trở về Việt Nam có gặp những trở ngại nào đối với chính quyền Việt Nam hay không?
Tôi đi tìm tự do cho các đứa con tôi vì tụi nó còn rất là trẻ. Nếu chính phủ và các tổ chức Quốc tế bên này mà họ cứu được hai đứa con tôi thì tuổi trẻ bên Việt Nam chúng tôi họ sẽ biết đường đi mà thay đổi theo dân chủ, tự do.
- Bà Nguyễn Thị Kim Liên
Ông Trần Văn Huỳnh: Tôi nghĩ điều đó là điều chúng tôi đã dự đoán trước khi ra đi trong chuyến đi này . Qua truyền thông thì họ  biết chúng tôi có chuyến đi này thì khi trở về chắc chắn có những khó khăn thì chúng tôi cũng chấp nhận. Tuy nhiên, chúng tôi đi với tấm lòng của người cha, người mẹ vì con cho nên chúng tôi chấp nhận hết mọi tình huống xảy ra. Chúng tôi cũng chỉ nói với nhà cầm quyền Việt Nam rằng chúng tôi đi vì tình cha con. Tôi với con tôi. Nó bị oan sai. Tôi đi tìm tự do cho nó bằng sự giúp đỡ của bên trong và bên ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Tôi rất là mong đợi chuyến đi này. Từ lâu rồi rất mơ ước nhưng không ngờ là có những tổ chức phi chính phủ giúp đỡ như chúng tôi qua được đến đất Mỹ này. Đất Mỹ mà lúc nào tôi cũng nghĩ đến sự tự do, dân chủ và công bằng. Bởi vậy tôi chấp nhận sự hiểm nguy. Có thể khi về tôi sẽ bị tù đày, bị câu lưu hoặc là gia đình tôi sẽ bị sách nhiễu. Bằng chứng là từ ngày hai tháng 12 tôi đi qua đây  thì ngày 3 tháng 12, an ninh Long An đã lên đứng đối diện nhà tôi, mỗi ngày hai người. Họ theo dõi, khủng bố tinh thần ông xã tôi đang còn bên nhà nhưng tôi chấp nhận. Tôi đi tìm tự do cho các đứa con tôi vì tụi nó còn rất là trẻ. Nếu chính phủ và các tổ chức Quốc tế bên này mà họ cứu được hai đứa con tôi thì tuổi trẻ bên Việt Nam chúng tôi họ sẽ biết đường đi mà thay đổi theo dân chủ, tự do.
Vừa rồi là chia sẻ của ông Trần Văn Huỳnh và bà Nguyễn Thị Kim Liên, là cha, mẹ của những tù nhân lương tâm ở Việt Nam và tiếng nói của họ cũng là đại diện cho rất nhiều tiếng nói của những gia đình hiện giở có con cái cũng như là người thân của mình đang là những tù nhân lương tâm phải chịu cảnh ở tù rất là hà khắc ở Việt Nam hiện nay.