THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 December 2013

NỢ XẤU NGÀY CÀNG XẤU

SỐNG MỚI- 03/12/2013

Kể từ khi công cuộc “trảm nợ” được triển khai rầm rộ, thì nợ xấu thực chất đến nay vẫn không hề mất đi, mà chỉ chuyển từ “két sắt” của ngân hàng sang “chiếc túi” của VAMC, ít nhất là trên phương diện sổ sách. Tiêu hóa chưa xong, thì một số ngân hàng lại cho biết “bong bóng nợ” đang phình thêm ra.


Việc mua nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang được thực hiện khá xuôi lọt sau 2 tháng hoạt động, khiến nhiều ngân hàng mừng ra mặt vì đẩy được cục nợ to đùng đi và thu được khoản tiền hời về nhờ bán nợ theo giá trị sổ sách (60 - 70% giá trị nợ xấu). Tuy nhiên, trong khi một số chuyên gia đánh giá cao vai trò của VAMC trong việc nỗ lực làm thanh sạch nợ xấu ngân hàng, thì TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng VAMC lại chỉ là một công cụ không có động cơ để xử lý nợ một cách triệt để. Việc VAMC mua nợ không theo giá trị thị trường mà theo giá trị sổ sách và trả NHTM bằng loại trái phiếu không lãi suất, không thời gian đáo hạn cấp từ NHNN chính là lý giải cho nhận định trên. Nợ xấu trong nền kinh tế chẳng chạy đi đâu hết, nó chỉ quẩn quanh “du hí” từ túi NHTM sang hầu bao của VAMC và NHNN mà thôi. Thành ra, nền kinh tế vẫn cứ ì ạch mãi do không có dòng tiền thực được tạo ra từ con nợ, mà là dòng tiền ảo từ một bên thứ cấp khác.
 
Thoạt nhìn, NHTM bán được nợ xấu là bên hưởng lợi lớn nhất. Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, việc bán nợ xấu chưa hẳn đã giúp các ngân hàng trút được gánh nặng nợ xấu, mà trước mắt chỉ có thể đưa được nợ xấu ra ngoài bảng cân đối kế toán. Cái lợi của 20 NHTM đã và sẽ bán được nợ xấu cho VAMC là trong ngắn hạn, do cất nhờ được quả bom nổ chậm vào kho ký gửi của VAMC. Về lâu dài, sau khi Thông tư 02 quy định về lộ trình phân loại nợ theo chuẩn quốc tế và trích lập dự phòng được ban hành vào khoảng tháng 6/2014, thì những ngân hàng này lại yếu thế và gặp bất lợi, do tâm lý ỷ lại và thiếu chuẩn bị đón đầu Thông tư.
 
Việc Thông tư 02 rục rịch ban hành cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng nợ xấu ngày càng xấu hơn đối với nhiều ngân hàng. Trong khi báo cáo tài chính quý III/2013 của một số ngân hàng “lành mạnh” và “đẹp mã” hơn nhờ chuyển nợ cho VAMC, thì báo cáo của một số ngân hàng khác lại ghi nhận một mức nợ xấu và dự phòng cao hơn hẳn. Theo số liệu mới nhất thì tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng đã tăng vọt sau 9 tháng đầu năm, trong đó có những ngân hàng có nợ xấu hơn 9% như PGBank, SCB hay trên dưới 8% như SHB. Đây có thể chưa phải là con số thực trong bối cảnh hệ thống ngân hàng có quá nhiều thống kê ảo, song việc tăng nợ xấu lên vài % và đồng thời tăng dự phòng sẽ giúp bảng cân đối kế toán trước và sau Thông tư 02 bớt “sốc”, lợi nhuận hiện tại giảm nhưng vẫn hơn là xuống dốc đột ngột. Hơn thế nữa, động thái này cũng kéo những con số báo cáo trên về gần số liệu thực hơn và đẩy ít nhiều ảo ảnh ra khỏi hệ thống ngân hàng.
 
Nợ xấu 34 NHTM sau 9 tháng đầu năm 2013
 
Theo số liệu mới nhất, tính đến hết tháng 11, tín dụng của toàn hệ thống đã tăng trưởng 9%. Tuy nhiên, báo cáo tài chính cập nhật đến hết quý 3 năm nay (tức tháng 9/2013) thì cho thấy vẫn còn nhiều ngân hàng còn tăng trưởng tín dụng âm, điển hình như MaritimeBank, OCB, VietABank, Navibank... Đối chiếu sang tình hình của các doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng nhận thấy sự phản chiếu tương xứng. Theo báo cáo của Chính phủ, 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn. Trong đó, những con nợ lớn nhất vẫn là những cái tên quen thuộc: Tập đoàn Dầu khí (PVN) 124.499 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực (EVN) 103.194 tỷ, Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) 31.681 tỷ… Còn các công ty TNHH một thành viên độc lập trực thuộc bộ quản lý ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng không khá gì hơn khi so với năm 2011, nợ phải trả tăng 7,9%, còn lãi giảm 7%.