ĐẤT VIỆT- 03/12/2013 --Quân đội Hàn Quốc vừa bắt giữ các thủy thủ người Việt định nhập cảnh trái phép vào nước này sau khi bỏ trốn khỏi một tàu cá của Đài Loan.
Theo cảnh sát biển Busan và Quân Sư đoàn 53 của Hàn Quốc, một lính gác cùng các đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ gần công viên Taejongdae thuộc khu vực bờ biển Yeongdo-gu thì bắt gặp 5 thủy thủ trên bơi vào bờ lúc 3h27 sáng 3/12 nên đã tiến hành bắt giữ.
"5 người sử dụng một chiếc bè làm từ các ván gỗ và phao để trốn khỏi một tàu cá mang biển đăng ký Đài Loan. Tàu có trọng tải 1.300 tấn, neo cách bờ khoảng hai km", một sĩ quan quân đội cho biết.
Tàu của Cảnh sát biển Hàn Quốc ở Yeongdo-gu, thành phố cảng Busan. |
Nhờ kính theo dõi được trong màn đêm, lính gác đã phát hiện tấm bè từ ngoài xa và sau đó đưa ra cảnh báo an ninh về cuộc xâm nhập trái phép. Sau khi xác định danh tính 5 thủy thủ là công dân Việt Nam, họ đã bàn giao 5 nghi phạm cho phía cảnh sát biển. Hiện 5 nghi phạm người Việt đang bị cơ quan chức năng Hàn Quốc thẩm vấn.
Hàn Quốc từ nhiều năm qua đã đặt lính gác tại các địa điểm du lịch nổi tiếng nhằm ngăn chặn gián điệp của Triều Tiên xâm nhập.
Các nhà chức trách đang thẩm vấn những người này để tìm hiểu động cơ khiến họ âm mưu nhập cảnh trái phép vào Hàn Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên thủy thủ Việt Nam bỏ trốn khỏi tàu cá Đài Loan. Trước đó, có bốn thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu cá Hsieh Ta, Đài Loan, bị ngược đãi, đánh đập, nợ lương phải nhảy tàu trốn thoát ở đảo Tahiti vào ngày 8/8 và về đến Việt Nam vào đêm 12/8.
Trả lời đài phát thanh Radio 1 của Polynésie (Pháp) ngày 11/8, ông Jean-Piere Lebrun, người phiên dịch cho bốn thuyền viên Việt Nam nói trên, cho hay bốn thuyền viên này đã bị đánh đập, hành hạ như nô lệ trên tàu Đài Loan.
Ông Lebrun cho biết thêm, suốt 2 năm trời, bốn thuyền viên Việt Nam chỉ được lên bờ đúng một lần. Họ phải làm việc 7 ngày/tuần, 18 giờ/ngày và thường xuyên bị đánh đập.
Một thuyền viên đã cho Lebrun xem vết sẹo trên má. Thủy thủ này nói rằng vết sẹo là do bị người ta dùng lưỡi câu móc vào má và kéo mạnh làm rách một mảng thịt. Một thuyền viên khác cũng cho hay chân anh này phải đi khập khiễng do bị chủ tàu dùng lưỡi câu móc vào gót chân và kéo mạnh.
Về tiền thù lao, ông Lebrun cho hay tất cả tiền lương của bốn thuyền viên bị giữ lại để trả tiền ăn ở và tiền vé máy bay khi về nước. Như vậy, họ đã làm việc không công và bị đánh đập như nô lệ.
Nguyễn Ngân (Tổng hợp)