(Dân trí) - Khi bắt đầu họp dân để làm đập ngăn nước lũ nhiều người đã phản đối quyết liệt vì ngăn cản giao thương và ô nhiễm môi trường. Thế nhưng con đập vẫn được xây dựng, nơi đây đã trở thành con kênh… chết sau khi con đập chắn ngang.
Đường giao thương bị chặn do con đập chắn ngang kênh.
Mới đây báo Dân trí nhận được đơn thư phản ánh của người dân ấp Phú Trí B1 (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, mấy tháng qua họ khổ sở vì con đập chắn ngang kênh Đào làm nguồn nước bị ô nhiễm, mất luôn đường thủy vận chuyển nông sản.
Bà Trần Thúy Phượng, ở ấp Phú Trí B1 bức xúc nói “Mấy tháng qua tôi phải lội bộ mấy trăm mét để gánh nước về nhà xài vì nước ở con kênh trước nhà đã bị ô nhiễm nặng, lục bình mọc đầy cả sông nên không thể nào múc nước lên xài. Bây giờ nhà ngay sát bến sông mà vẫn bị khát nên phải lội ra tuốt mặt đập để gánh nước về xài. Ở đây có mấy đứa nhỏ bị bệnh mắt khi đi khám bác sĩ bảo do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm” – Bà Phượng nói.
Được biết, kênh Đào có từ thời xa xưa giúp tiêu thoát nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho bà con trong vùng. Kênh Đào nối giữa kênh Nhỏ và kênh Xáng để chảy ra sông Hậu. Thế nhưng năm 2000 chính quyền địa phương đã cho đắp đập ở đầu kênh Nhỏ và đến năm 2013 lại đấp luôn phía đầu kênh Xáng khiến nhiều người dân rất bức xúc không có đường vận chuyển nông sản, không có nước tưới phục vụ sản xuất.
Lâu ngày nước tù đọng, lục bình mọc đầy nên dòng kênh càng bị ô nhiễm.
Ông Trần Văn Đẳng nói: “Ban đầu dự án này là nạo vét để nâng cao đê ở 2 bờ kênh nhưng không hiểu sao đơn vị thi công làm chưa hoàn thành, một đoạn bị lở cả trăm mét vẫn không khắc phục mà tiến hành đắp đập để ngăn nước lũ tràn vào làm nhiều hộ dân ở đây khốn đốn, 13 ha đất trồng cam hầu như bị tê liệt vì không có nước để tưới, không có đường vận chuyển cam ra ngoài sau khi thu hoạch”.
Người dân bức xúc dựng biển dòng kênh bị ô nhiễm do đắp đập
Còn ông Diệp Phú Hưng cũng khổ sở vì không bán được cam. Ông Hưng cho biết: “Lâu nay người dân chỉ có đường thủy để vận chuyển cam, bưởi ra ngoài bán cho thương lái, khi con đập chắn ngang kênh coi như mất đường thủy còn đường bộ cũng lầy lội, đầy bùn sình trong mùa mưa nên người dân gặp rất nhiều khó khăn khi tới mùa thu hoạch trái cây. Mấy tháng nay 7.000 m2 cam, bưởi của tôi đã chín nhưng không bán được. Bây giờ rớt giá, tính ra tôi mất mấy chục triệu đồng vì thương lái cứ hẹn lần, hẹn lựa rồi ép giá chỉ do không có đường vận chuyển”.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Trọng, cán bộ phụ trách giao thông – thủy lợi xã Phú Hữu cho biết: “Trước khi làm đập đã tiến hành họp dân có đến 22 hộ đồng ý, chỉ 6 hộ không đồng ý do không có đường vận chuyển nông sản. Tuy nhiên, nếu không đắp đập thì hàng trăm ha đất sẽ bị nhấn chìm trong mùa lũ. Vì lợi ích chung nên địa phương mới thống nhất phương án đắp đập”.
Theo ông Trọng việc xử lý ô nhiễm môi trường sẽ tiến hành trong thời gian tới khi địa phương có kế hoạch họp dân, vận động trước nhà người dân nào sẽ làm vệ sinh, dọn lục bình để giảm ô nhiễm và có phương án xay dựng đường giao thông để người dân đi lại thuận tiện.
Còn ông Nguyễn Văn Trường, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Lúc đầu ở kênh Đào có dự án nạo vét để nâng cao bờ đê nhưng do một đoạn đê nền đất yếu nên bị sạt lở đơn vị thi công không thể khắc phục được. Vì vậy địa phương đã họp dân để đắp đập, bảo vệ hàng trăm ha vườn cây ăn trái. Nếu người dân phản ánh ô nhiễm môi trường sắp tới ngành nông nghiệp sẽ tiến hành xem xét và có phương án lắp thêm cống ở vị trí mới đắp đập giúp tiêu thoát nước phục vụ sản xuất”.
Minh Giang