25/11/2013 04:57 (GMT + 7)
TT - Hôm nay 25-11, Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) năm 2013 khai mạc tại tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, lãnh đạo các tỉnh sẽ tập trung bàn các giải pháp nhằm nâng cao giá trị hạt gạo, con cá... vùng ĐBSCL.
Ông Dương Quốc Xuân - Ảnh: V.TR. |
- Trọng tâm của MDEC năm nay là nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế xanh và bền vững trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời thực hiện công tác an sinh xã hội. Hiện đã vận động được 645 tỉ đồng từ các ngân hàng và doanh nghiệp để đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Tại sự kiện này chúng tôi sẽ công bố danh mục 138 dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư vào vùng ĐBSCL với tổng vốn hơn 400.000 tỉ đồng và gần 2 tỉ USD. Các tỉnh sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trọng điểm mang tính đột phá của vùng.
Các hội thảo, diễn đàn tại MDEC chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cường liên kết, phát huy thế mạnh của cả vùng ĐBSCL, nhất là các lợi thế chung như: hạ tầng giao thông, thủy lợi, sân bay, bến cảng và các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu chung gồm lúa gạo, trái cây, thủy sản và du lịch.
* Vấn đề mà người dân ĐBSCL lo lắng nhất hiện nay là chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bị thả nổi, trong khi giá luôn tăng khiến lợi nhuận ngày càng ít?
- Các hội thảo tại MDEC sẽ bàn sâu vấn đề này vì chúng tôi xác định đây là chuyện lớn của ĐBSCL hiện nay. Các cơ quan chức năng trung ương và địa phương sẽ bàn phương pháp quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhất là làm sao để nông dân được cung ứng trực tiếp từ nhà sản xuất, không qua các tầng nấc trung gian để đảm bảo chất lượng và giá hợp lý.
Chúng tôi tiếp tục ghi nhận các ý kiến góp ý đề xuất trung ương khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý để “vá” những kẽ hở vốn đang bị doanh nghiệp làm ăn gian dối lợi dụng gây thiệt hại cho nông dân. Ngoài ra sẽ đề nghị các địa phương chú trọng thành lập hợp tác xã nông nghiệp và vận động nông dân tham gia tổ chức này. Thực tế ở nhiều địa phương, rõ nhất là tại Đồng Tháp, cho thấy chỉ có ở hợp tác xã mới liên kết doanh nghiệp và nông dân với nhau chặt chẽ, cùng thực hiện quy trình khép kín “cung ứng - tổ chức sản xuất - bao tiêu sản phẩm” có lợi cho các bên.
Các hoạt động chính tại MDEC - Vĩnh Long 2013
- Ngày 25-11: Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng ĐBSCL; Hội thảo liên kết phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng kinh tế xanh.
- Ngày 26-11: Diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL, TP.HCM và TP Hà Nội; Hội thảo phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh vùng ĐBSCL; Hội nghị trao đổi giữa UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP.HCM. Riêng triển lãm hội chợ kéo dài từ ngày 25 đến 28-11.
|
* Cá tra vốn là sản phẩm độc đáo và gần như độc quyền của VN, nhưng hiện nay ngành sản xuất và chế biến cá tra đang có xu hướng tụt lại cả về sản lượng lẫn chất lượng. Diễn đàn lần này có đề cập vấn đề trên?
- Chúng tôi rất hiểu điều này và đã có nhiều việc làm cụ thể để vực dậy ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã cùng các tỉnh thành lập Hiệp hội Cá tra VN đang xây dựng dự thảo nghị định sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra trình Chính phủ. Nghị định sẽ được ban hành trong thời gian tới và sẽ làm thay đổi diện mạo của ngành này.
Tới đây không thể tỉnh nào, vùng nào muốn nuôi thì nuôi, doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu thì xuất khẩu lộn xộn như hiện nay. Tất cả đều có quy định chặt chẽ. Những doanh nghiệp không có nhà máy chế biến, không ký hợp đồng tiêu thụ cá tra của nông dân sẽ không được tham gia xuất khẩu. Tình trạng tranh mua, tranh bán phá giá làm sụt giảm uy tín cá tra VN cũng sẽ chấm dứt. MDEC lần này sẽ bàn bạc, định hướng cho các tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất những phụ phẩm của cá tra như da cá, dầu cá... thành những sản phẩm có giá trị gia tăng chứ không chỉ chăm chăm vào sản phẩm cá philê.
* Tại MDEC 2013 này sẽ công bố danh mục kêu gọi đầu tư 138 dự án với nhu cầu vốn hơn 400.000 tỉ đồng và gần 2 tỉ USD. Cụ thể sẽ tập trung thu hút vào nhóm lĩnh vực nào, thưa ông?
- Các dự án cần thu hút đầu tư bao trùm trên tất cả các lĩnh vực mà ĐBSCL cần. Có cả dự án đầu tư hạ tầng khu - cụm công nghiệp, có dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối các tỉnh, các vùng nguyên liệu nông thủy sản với nhà máy. Trong số này có rất nhiều dự án đầu tư nhà máy chế biến lúa gạo chất lượng cao, kho trữ lúa gạo, nhà máy chế biến thủy sản, nhà máy chế biến các phụ phẩm từ cá tra, nhà máy chế biến, sơ chế và đóng gói trái cây xuất khẩu...
V.TR. - THÚY HẰNG thực hiện