(NLĐO) – Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 24-11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã lên tiếng giải đáp bức xúc của phụ huynh về việc con em họ hằng ngày phải tiếp xúc với những bài toán phi giáo dục.
Câu hỏi của phụ huynh được nêu
trong chương trình đều là những bài toán gây xôn xao cộng đồng mạng
trong thời gian gần đây như: “Nam năm nay nam 4 tuổi, bố Nam gấp 3 lần
tuổi Nam. Hỏi bố Nam bao nhiêu tuổi?” hay “Em có 5 ngón tay. Em chặt bớt
2 ngón. Hỏi còn mấy ngón?”.
Bài toán với đáp án bố Nam 12 tuổi
Vị phụ huynh cho biết mình vô cùng lo sợ, bức xúc khi đứng trước những đề toán phi giáo dục, phi nhân tính này và đặt câu hỏi: “Bộ trưởng sẽ làm thế nào để tôi yên tâm?”
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói rằng ông chia sẻ với những bức xúc của các phụ huynh liên quan đến những sai sót phi lý trong việc biên soạn, ra đề, mà các trích dẫn trên là các ví dụ. Ông cho rằng đây là biểu hiện của các tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường vào nền giáo dục. Bộ trưởng khẳng định những tài liệu được lưu hành chính thống trong nhà trường không bao giờ có những sai sót trên. Những tài liệu này từ những người viết không đủ kiến thức khoa học, giáo dục, thực tiễn và vô trách nhiệm, được các nhà xuất bản, nhà in “chạy theo đồng tiền đơn thuần” đưa ra thị trường.
Trước vấn nạn này, Bộ GD-ĐT đã chủ động triển khai việc biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm dựng nên hàng rào kỹ thuật chặt chẽ, một mặt đưa được những tài liệu tham khảo tốt trong và ngoài nước với liều lượng thích hợp vào nhà trường, một mặt chặn đứng những tài liệu phản giáo dục, không khoa học. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng phối hợp với Bộ Thông tin- Truyền thông nhằm xác định trách nhiệm các nhà xuất bản trong việc phát hành tài liệu liên quan giáo dục.
Qua đây, bộ trưởng cũng khuyên phụ huynh lựa chọn
kỹ trong việc mua sách tham khảo cho con. “Chúng tôi mong muốn các bậc
phụ huynh, học sinh có sự lựa chọn, thẩm định kỹ những tài liệu liên
quan đến giáo dục trước khi mua, để những loại sách này không lọt được
vào gia đình”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, chương trình cũng đặt ra câu hỏi về những thay đổi toàn diện nền giáo dục trong “Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” vừa được Trung ương thông qua.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời"
Nói về vấn đề này, bộ trưởng cho biết: “Chúng ta sẽ có sự thay đổi cả trong quan điểm, mục tiêu, phương pháp, nguyên tắc chỉ đạo điều hành hoạt động giáo dục ở nhà trường”. Người đứng đầu Bộ GD-ĐT cho biết các thầy cô sẽ chuyển từ cách dạy nặng về việc truyền thụ kiến thức sang phương pháp chú trọng việc hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh.
Cụ thể, thầy cô sẽ dạy các em cách tự học, tích hợp nhiều ở những lớp học và cấp học dưới, đồng thời phân hóa mạnh ở những lớp học và bậc học cao. Ví dụ: Chuyển từ việc đánh giá học sinh tính toán nhanh, đúng, nhiều sang phương thức hướng dẫn để các cháu sáng tạo. Thay vì dạy các em thành nhà văn, nhạc sĩ… thì nên dạy học sinh biết cách cảm thụ cái hay, cái đẹp của bài văn, xúc động trong sáng trước bài thơ, văn, đồng thời giúp các em biết từ chối văn hóa không lành mạnh; biết trình bày, bảo vệ quan điểm, đồng thời tiếp thu những ý kiến đóng góp bạn bè, thầy cô….
Qua chương trình, bộ trưởng cũng giải thích rằng
đổi mới không có nghĩa cóp nhặt, tích hợp tùy tiện các kiến thức của
từng môn mà phải biết lựa chọn có chủ đích có kiến thức khoa học của
cuộc sống góp phần hình thành nhân cách của các em từ nhỏ đến lớn. Ví
dụ: Thay vì chia các môn thành văn, địa, sử, tới đây chương trình đổi
mới sẽ tích hợp các địa điểm, địa lý trên đất nước với các anh hùng lịch
sử, các nhà văn hóa, nhà quản lý, có công gây dựng. Chương trình đổi
mới sẽ kết hợp tư liệu lịch sử với văn chương cùng thời kỳ, giúp học
sinh biết động não, có được kiến thức tổng hợp ở tất cả các môn.
L. Thoa (Tổng hợp)