THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 November 2013

Hụt hơi vì năng suất lao động



25/11/2013 06:11 (GMT + 7)
TT - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội hàng triệu việc làm cho người lao động VN khi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện... sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, cải thiện năng suất lao động VN đang là câu chuyện khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đau đầu.
Năng suất lao động thấp là một trong những lý do khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp VN bị thua kém so với doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: T.V.N.

Theo bà P.N. - giám đốc phụ trách sản xuất công ty giày 100% vốn trong nước (Bình Dương), phần lớn công nhân vào ca sản xuất từ 7g30, nhưng đến tầm 10g sáng thì các thao tác của công nhân bắt đầu chậm lại. Theo bà P.N., dù có nhiều công đoạn trong chuỗi sản xuất khép kín, đòi hỏi sự đồng bộ liên tục, nhưng nếu tách bạch năng suất lao động ở từng khâu, từng phần việc thì “chỗ nào cũng chậm đi một vài chút, dẫn đến tổng thể năng suất lao động chung cho một thành phẩm cụ thể vẫn không bằng nếu so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Nhận định này có phần hợp với thực tế khi phần lớn chuyên gia trong lĩnh vực da giày đều xác nhận năng suất lao động của khối doanh nghiệp trong nước đang thấp hơn khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 20%. “Nếu ở một doanh nghiệp làm giày trong nước có năng suất đạt 3,8-4 đôi giày/ngày/người thì ở các doanh nghiệp FDI tỉ lệ này phải gần hoặc trên 5 đôi/ngày/người” - bà P.N. thừa nhận.
Với ngành may, những doanh nghiệp có đầu tư căn cơ, quy mô sản xuất chỉn chu khoảng cách chênh lệch được thu hẹp hơn, còn 10-15% so với khối doanh nghiệp FDI. Trong khi với ngành dệt, tỉ lệ chênh lệch lại cao hơn hẳn. Phó tổng giám đốc công ty liên doanh dệt nhuộm V, người từng kinh qua vị trí đang đảm nhiệm ở doanh nghiệp trong nước, cho biết một công nhân ở doanh nghiệp dệt trong nước có thể đứng hai máy dệt, nhưng khi qua doanh nghiệp dệt C (100% vốn Hàn Quốc) thì có thể đứng được bốn máy! “Sở dĩ có chênh lệch lớn như vậy một phần là do quản lý của họ tốt, đặc biệt từ khâu phân loại đầu vào” - vị này chia sẻ.
Ông Colin Blackwell, phó chủ tịch Ủy ban đào tạo và nhân sự Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), cho biết lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có học thức, tỉ lệ biết chữ và biết đọc cao là một trong những ưu thế của VN trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Blackwell, lực lượng lao động ở VN hiện nay đang bị ràng buộc về thời gian làm việc so với các nước trong khu vực, thời gian lao động ngoài giờ VN ít hơn dẫn đến năng suất lao động chưa cao.
Ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn, doanh nghiệp có tăng năng suất lao động 100% so với cách đây ba năm, cho biết sở dĩ khối doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể cải thiện được năng suất lao động như mong muốn “đâu đó là còn do tư duy quản lý. Vì một khi đã quyết liệt cấu trúc lại quá trình kinh doanh, trên cơ sở đó mới định hình cơ cấu tổ chức phù hợp với điều kiện và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp được”.
Theo tiến sĩ Phạm Văn Thuyết - chuyên viên Ngân hàng Thế giới, VN đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng vấn đề năng suất lao động và chất lượng lao động lại chưa cao, nếu như không muốn nói là còn thấp. “Nghiên cứu của một công ty đa quốc gia gần đây cho thấy VN nếu muốn giữ mức tăng trưởng 5% hay 6% thì phải tăng năng suất lao động lên 50% so với hiện nay. Con số này có vẻ hơi quá nhưng nó cho ta thấy sự bi quan của các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Thuyết nói.
TRẦN VŨ NGHI - NHƯ BÌNH