20/11/2013
TP - “Phải xử lý nghiêm, bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra, cần thiết có thể đóng hẳn thủy điện đó lại” - ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực UBTP trả lời Tiền Phong bên hành lang Quốc hội (sáng 19/11).
ĐB Đỗ Văn Đương. |
Ông Đương nói:
Trước khi mưa bão, lũ lụt, áp thấp nhiệt đới, người điều hành hồ thủy điện thừa hiểu là nguy hiểm mức độ thế nào, mà vẫn cố tình tích trữ nước để chạy thủy điện (tức là anh sợ mất tiền, mỗi ngày mất bao nhiêu tiền), đến khi lũ cao rồi mới xả ra thì hết sức nguy hiểm cho dân.
“Trước hết là phải giải quyết nỗi cơ cực của người dân, phải chấm dứt lợi ích nhỏ bảo vệ lợi ích toàn cục”.
ĐB Đỗ Văn Đương
|
Hành vi xả lũ gây nguy hại, tổn thất lớn đến tài sản, tính mạng người dân như vậy, cần phải bị xử lý như thế nào?
Theo tôi xả lũ gây thiệt hại như vừa qua là hành vi làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, hoặc là hành vi thiếu trách nhiệm coi thường tính mạng, tài sản của người dân. Cần phải điều tra kỹ, nếu có sai phạm như thế phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong Bộ luật Hình sự không thiếu gì tội. Phải xử lý nghiêm, bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra, cần thiết có thể đóng hẳn thủy điện đó lại hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Nếu chúng ta cứ nói mà không làm thì người dân mất niềm tin.
Thưa ông, hậu quả xả lũ thủy điện xảy ra rất nghiêm trọng và quá rõ ràng, vì sao chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm?
Bây giờ hậu quả xảy ra rồi, người mất rồi, hoa màu cây cối mất rồi, vấn đề bây giờ là chứng minh lỗi, xác định cụ thể là ai, hồ thủy điện nào, tỉnh nào, ai chịu trách nhiệm.
Phải điều tra kỹ xem hành vi khách quan đến đâu, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái vì vụ lợi thế nào, đã có quy trình trước khi bão lũ đến phải xả lũ thế nào, nếu vi phạm gây thiệt hại thì đương nhiên cấu thành hình sự, không cần phải bàn nhiều.
Bộ Công an phải vào cuộc
Vậy cơ quan nào sẽ đứng ra điều tra những vụ xả lũ gây hại vừa qua mới đảm bảo tính khách quan, thưa ông?
Theo tôi vụ việc này Bộ Công an và các cơ quan tư pháp, các cơ quan hữu quan, phải vào cuộc, làm rõ ngay theo trình tự tố tụng để xác định trách nhiệm. Chính vì thế cần phải điều tra nhưng cái có thể nhìn thấy là hậu quả đã xảy ra, thời điểm xả lũ vào đúng lúc mưa lớn, quy trình vận hành đã có thông báo rồi, ai chỉ đạo điều hành sẽ được làm rõ.
Vậy về trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc Bộ ngành nào, thưa ông?
Liên quan đến việc cấp các dự án, trong lĩnh vực thủy điện, đương nhiên là trách nhiệm của Bộ Công thương. Còn Bộ NN&PTNT chỉ gián tiếp có liên quan. Phải có sự phối hợp, Bộ nào chủ trì, Bộ nào là chủ quản, trách nhiệm chính là ai đều rõ, chứ không phải nhập nhằng đùn đẩy trách nhiệm. Trước hết là phải giải quyết nỗi cơ cực của người dân, phải chấm dứt lợi ích nhỏ bảo vệ lợi ích toàn cục.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Tuấn
Thực hiện
Thực hiện