Thứ Ba, 19/11/2013 23:59
Trong khi đời sống nông dân ngày càng khó khăn thì Bộ trưởng Bộ NN-PTNT không đưa ra giải pháp gì cụ thể ngoài việc thừa nhận: “Bộ đã nỗ lực nhưng chưa như mong đợi”
Các vấn đề chính được đại biểu (ĐB) Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ngày 19-11 là việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; giúp nông dân tăng thu nhập; chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo; quản lý vật tư nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng.
Không thể đòi hỏi thị trường ổn định
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) về việc có 70% người làm nông nghiệp đang chịu mất mát bởi thiên tai, vật tư nông nghiệp giả tràn lan, được mùa thì mất giá, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết nguyên nhân có cả khách quan là thiên tai và chủ quan là do công tác quản lý. “Tôi là tư lệnh ngành và lo cho dân việc này, dù đã cố gắng và có chuyển biến nhưng còn chậm, thấy rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn” - bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát trao đổi với đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) ngoài hành lang Quốc hội ngày 19-11. Ảnh: THẾ DŨNG
Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng câu hỏi khi nào hết điệp khúc được mùa nhưng mất giá là điều mà ai cũng mong đợi. Tuy nhiên, theo bộ trưởng, giá cả là theo quy luật cung - cầu. Trong nông nghiệp, phần cung còn phụ thuộc vào thiên nhiên, còn nhu cầu thì ngoài phục vụ 90 triệu dân trong nước còn bán ra thế giới mà thị trường thế giới thì luôn bất ổn. “Chúng ta không thể đòi hỏi lúc nào cũng ổn định thị trường mãi mãi. Chúng ta luôn phải bám sát để điều chỉnh, chỉ đạo sát sao làm sao cho người dân có lợi nhất” - bộ trưởng khẳng định.
Tạm trữ lúa gạo: Giải pháp tình thế
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) về những yếu kém của ngành nông nghiệp và chính sách mua tạm trữ lúa gạo chưa đem lại lợi ích nhiều cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận nguyên nhân chính là do công tác chỉ đạo điều hành của bộ còn kém. Theo bộ trưởng, chính sách tạm trữ lúa gạo là 1 giải pháp tình thế, chỉ được dùng khi nông dân không có lãi 30%. Ông khẳng định giải pháp này đã khá thành công trong vụ hè thu vừa qua.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT cũng thừa nhận cần phải có những giải pháp bền vững hơn. “Chúng ta có lợi thế trồng lúa nhưng không có nghĩa mọi nơi, mọi chỗ đều trồng lúa. Ở những nơi trồng lúa không hiệu quả thì phải hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khác” - bộ trưởng yêu cầu.
Có chuyển biến nhưng chưa như mong đợi
ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho biết người dân rất quan ngại về thực trạng quản lý vật tư nông nghiệp của nhà nước còn chưa sâu sát làm làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng Bộ NN-PTNT được phân công quản lý toàn diện về thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ; còn quản lý phân bón vô cơ do Bộ Công thương thực hiện.
“Đích thân tôi hoặc ủy quyền cho 1 thứ trưởng hằng tháng đều có họp giao ban để giải quyết vấn đề này, dù đã nỗ lực tuy nhiên phải thừa nhận là có chuyển biến nhưng chưa được như mong đợi” - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói.
Gần 1.200 hồ, đập có vấn đề
Trả lời câu hỏi của ĐBQH về vấn đề an toàn hồ thủy lợi trong cả nước, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết hiện nước ta có hơn 6.800 hồ, trong đó có khoảng 1.200 hồ có vấn đề cần phải nâng cấp. Riêng năm 2013 xác định tu bổ 317 hồ, Chính phủ đã chi hơn 500 tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương sửa chữa hơn 90 hồ, đập.
Một trong những khó khăn trong việc nâng cấp, sửa chữa các hồ đập xuống cấp là thiếu kinh phí. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết cần 3.000 tỉ đồng để thực hiện việc này. Theo bộ trưởng, hiện nay, trước mỗi trận bão, Bộ NN-PTNT đều có cảnh báo về các hồ nguy hiểm để địa phương cử người canh gác và cảnh báo cho người dân.
Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Vậy 1.200 hồ đập đó có vỡ không? Nếu vỡ thì gay. Nếu chưa có tiền phải tìm cách báo cáo Chính phủ, Quốc hội để thực hiện”.
|
Văn Duẩn