Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành:
14 nhà vệ sinh tiền tỷ của Hà Nội lãng phí đến 40 – 50%
Theo ông Nguyễn Văn Đực, lãng phí trong xây dựng cơ bản từ 20 đến 30% là rất bình thường. Còn riêng với 14 nhà vệ sinh tiền tỷ của Hà Nội thì phải lãng phí 40 – 50%.
Xoay quanh dự án 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép không gỉ có tổng kinh phí 15 tỷ tại Hà Nội và câu chuyện lãng phí trong xây dựng cơ bản gắn với tham nhũng, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành.
UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt dự án xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép không gỉ với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng được lấy từ ngân sách. Suy nghĩ của ông về dự án này?
14 nhà vệ sinh ở Hà Nội cũng giống như nhà vệ sinh ở Quảng Ngãi hơn 500 triệu/nhà. Đây là một sự lãng phí ghê gớm, đi kèm với thất thoát trong xây dựng cơ bản.
Cứ thử tính đơn giản thế này, diện tích nhà vệ sinh đó là bao nhiêu? Lấy mức giá 1 tỷ mà chia cho diện tích đó thì tính ra ngay bao nhiêu tiền/mét vuông 1 nhà vệ sinh. Trong khi làm một khu chung cư, có thể bao gồm nhiều thứ như thang máy, phòng cháy chữa cháy, môi trường, trạm biến thế… cũng chỉ rơi vào khoảng 5 – 6 triệu đồng/m2. Còn bây giờ làm nhà vệ sinh mà hơn cả chục triệu/m2 là cực kỳ sai, cực kỳ lãng phí.
Trong dự án xây dựng 14 nhà vệ sinh này, tôi thấy Hà Nội rất ngang, ngay giữa thủ đô, bao nhiêu người nhìn vào mà dám làm nhà vệ sinh 1 tỷ thì gây bức xúc cho quá nhiều người.
Từ câu chuyện của Hà Nội, ông có đánh giá gì về các dự án xây dựng cơ bản hiện nay?
Tôi đã từng phản ánh, lãng phí trong xây dựng cơ bản 20 – 30% là rất bình thường.
Thông thường có 2 sự lãng phí. Lãng phí thứ nhất là do quy hoạch, kế hoạch đầu tư. Ví dụ như có cần xây dựng nhà máy này hay không? Có cần xây trường, xây cảng, xây nhà máy xi măng này hay không? Đó là lãng phí do kế hoạch.
Thứ hai là lãng phí do xây dựng. Tức là những nhà máy đó hoặc chung cư đó, thay vì xây hết 100 tỷ thì lại thành 130 – 140 tỷ. Thay vì một toà nhà, nếu làm khéo chỉ 500 tỷ, nhưng do làm lãng phí lại lên đến 700 – 800 tỷ. Đó là sự lãng phí xây dựng.
Trong dự án xây dựng 14 nhà vệ sinh này, tôi thấy Hà Nội rất ngang, ngay giữa thủ đô, bao nhiêu người nhìn vào mà dám làm nhà vệ sinh 1 tỷ thì gây bức xúc cho quá nhiều người.
Thường lãng phí trong xây dựng không nhiều bằng lãng phí trong quy hoạch. Chẳng hạn như khi xây dựng một cái trường, hay một cái cảng, nhưng sau đó không phù hợp, không được sử dụng, đó là lãng phí 100%. Còn lãng phí trong xây dựng tuy không nhiều bằng nhưng lại phổ biến. Ví dụ như nhà vệ sinh ở Hà Nội mà trên 1 tỷ là lãng phí 40 – 50% rồi.
Theo ông, nguyên nhân của sự lãng phí này là do đâu?
Theo tôi, nguyên nhân cơ bản nhất của sự lãng phí là do sự thiết kế dư thừa. Nguyên nhân thứ hai là do có sự tham nhũng trong đó. Còn nếu cả hai, vừa lãng phí, vừa tham nhũng thì sẽ càng đẩy lên cao hơn nữa.
Hậu quả là làm tăng bội chi ngân sách, tăng nợ công, dẫn đến lạm phát, kìm hãm sự phát triển đất nước và tạo điều kiện cho tham nhũng, tất cả mọi thành phần tham gia đều xem dự án như “con bò tùng xẻo” mà mọi người đều mong được hưởng lợi.
Trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu ngân sách Nhà nước không đạt dự toán vì tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương.
Đã vậy lãng phí và tham nhũng còn tràn lan thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về kinh tế, an ninh và an sinh xã hội.
Việc xử lý công trình lãng phí cũng còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện được quyết tâm phòng chống lãng phí của Nhà nước. Cá biệt có những trường hợp lãng phí được phát hiện nhưng việc xử lý của cơ quan nhà nước thì qua loa có lệ, tất cả đều không có trách nhiệm thì làm sao chống lãng phí và tham nhũng.
Lãng phí được đưa lên bàn họp của Quốc hội nhưng đó chỉ mới là báo cáo phát hiện, còn việc xử lý lãng phí và hậu quả lãng phí vẫn chưa được nhắc đến. Chúng ta vẫn chưa có cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi lãng phí, đối với người ban hành quyết định gây lãng phí tài sản của Nhà nước và xã hội.
Để phòng chống lãng phí và tham nhũng, theo ông chúng ta phải làm gì?
Để phòng chống tham nhũng, Chính phủ đã chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các nhà trường từ năm học 2013 – 2014. Tuy nhiên theo tôi, việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục là thiếu thực tế và khả thi.
Bởi vì học sinh ngồi trên ghế nhà trường chưa thể nhận thức rõ về bản chất của tham nhũng, chưa tham gia vào hoạt động của cơ quan nhà nước nên việc giảng dạy phòng chống tham nhũng xem chừng còn sớm và phi thực tế.
Về mặt tài sản thì lãng phí tai hại hơn tham nhũng, vì tham nhũng chỉ làm chuyển, còn lãng phí là chôn vùi tài sản xã hội.
Về mặt đối tượng, lãng phí xảy ra ở khắp mọi người, ai cũng có thể gây ra. Có thể lấy ví dụ đơn giản như việc học sinh quên tắt nước, quên tắt điện lớp học, không sử dụng giấy 1 mặt để làm nháp cũng gây lãng phí. Hay như sinh hoạt hàng ngày tại gia đình như khi sử dụng máy lạnh, quạt, tivi …. cũng lãng phí rất nhiều.
Về mặt hành vi, lãng phí là hành vi vô thức hoặc có chủ đích được thực hiện theo thói quen, lãng phí không thể chế tài vì đó là hoạt động tự do của mỗi cá nhân.
Vì vậy cần phải đưa nội dung phòng chống lãng phí vào chương trình giảng dạy thay vì phòng chống tham nhũng, để khuyến khích, vận động các em có nhận thức tiết kiệm, tránh lãng phí trong mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày, từ đó nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng sau này.
Còn tham nhũng, đó là hành vi có chủ đích, pháp luật nghiêm cấm và trừng trị, có người tố cáo tham nhũng nhưng lãng phí thì chỉ có thể phòng hoặc chống bằng chính nhận thức của người thực hiện nên tiềm ẩn tác hại rất lớn. Lãng phí khó trị và tai hại hơn tham nhũng rất nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên
Ảnh bìa: TL (minh họa)
Chiều 19/11, tại cuộc họp Thành ủy Hà Nội, Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội (BQLCTDTHN) cho biết, thực hiện quyết định ngày 17/4 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt danh mục chỉnh trang đô thị giai đoạn 3 năm 2013-2015, việc xây 15 nhà vệ sinh tiền tỷ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng bổ sung nhà vệ sinh công cộng đạt mục tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, văn minh, sạch đẹp, có hình thức kiến trúc phù hợp với cảnh quan khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, phục vụ cộng đồng dân cư và khách vãng lai.
Ban QLCTĐT đã thống nhất vị trí 17/20 vị trí với UBND các xã, lựa chọn 3 vị trí để thực hiện trước trong năm 2014 và 14 vị trí còn lại sẽ thực hiện trong giai đoạn sau. Trong đó, có 3 vị trí không khả thi vì nằm trong khu vực các di tích lịch sử.
Ngày 31/10, UBND đã có quyết định cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án, đầu tư một số nhà vệ sinh công cộng bằng thép trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, dự án được phê duyệt lắp đặt 14 nhà vệ sinh công cộng với mức đầu tư gần 15 tỷ đồng.
Ông Hoàng Nam Sơn – Phó giám đốc ban quản lý dự án cho biết, sở dĩ mức đầu tư cao như vậy vì bên trong nhà vệ sinh có thiết bị khử mùi tự động, các hệ thống xử lý thông gió, điện, nước đều là những thiết bị hiện đại, tuy nhiên cũng không khác biệt nhiều so với nhà vệ sinh thông thường. Các thiết bị được lắp đặt đều đồng bộ do nhà sản xuất cung cấp theo đơn đặt hàng, phải đợi đấu thầu được rồi mới sản xuất chứ không sản xuất hàng loạt.
Theo Tri Thức