29/11/2013 13:55 (GMT + 7)
TTO - GS.TS Nguyễn Trần Hiển - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trưởng ban điều hành dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia - khẳng định không có văcxin an toàn 100% bởi phản ứng sau tiêm luôn có.
Sáng 29-11 tại Đà Nẵng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo với cơ quan báo chí về truyền thông trong công tác tiêm chủng.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển nói các phản ứng sau tiêm văcxin có thể nhẹ là đau, sốt rồi tự khỏi, còn thể nặng thì trẻ có thể tàn tật, thậm chí tử vong.
GS Hiển cho rằng cho tới nay chưa có bằng chứng nào thể hiện các trường hợp tử vong sau khi tiêm văcxin (trong đó có văcxin Quinvaxem) là do chất lượng của văcxin gây ra. Vì thế, nguyên nhân do văcxin được loại trừ. Nguyên nhân có thể do cơ địa con người, thành phần văcxin chưa hòa tan, sai sót do tiêm chủng, kỹ thuật tiêm chủng, vận chuyển… Nhưng cũng có nhiều trường hợp không tìm ra nguyên nhân dẫn tới không đủ bằng chứng kết luận.
Trao đổi với báo chí về những trường hợp tử vong sau khi tiêm văcxin Quinvaxem vừa qua tại các địa phương, GS Hiển cho biết: “Số ca tử vong sau tiêm chủng trung bình 10-15 ca mỗi năm. Chúng tôi lập biểu đồ theo dõi số ca tử vong văcxin Quinvaxem thì không có đột biến. Tất cả trường hợp tử vong không có bằng chứng nào liên quan đến chất lượng văcxin nên vẫn triển khai”.
Theo Cục Y tế dự phòng, hồi tháng 5-2013, sau khi có nhiều trường hợp phản ứng với Quinvaxem, Chính phủ đã cho dừng tiêm loại này, đến tháng 7 tiếp tục sử dụng. Việt Nam đã tham gia các cuộc họp toàn cầu về tình hình trẻ tử vong sau tiêm văcxin này và các tổ chức y tế thế giới đều nhận định không có bằng chứng nào liên quan đến chất lượng văcxin. Theo thống kê, từ tháng 7-2010 đến tháng 4-2013 có 43 trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm Quinvaxem, trong đó có 27 trường hợp tử vong. Có 9 trường hợp phản ứng do văcxin nhưng đều qua khỏi. Ba năm đã tiêm 12 triệu lượt văcxin so với tỉ lệ 9 trường hợp do văcxin là chấp nhận được.
Liên quan đến trường hợp trẻ tử vong sau tiêm tại Bạc Liêu, GS Hiển cho rằng bé được chẩn đoán là do sốc phản vệ dù lô này đã tiêm cho 250.000 trẻ nhưng không có vấn đề gì. Theo GS Hiển, văcxin này sản xuất tháng 3-2013 và có thời hạn đến tháng 3-2016, lô văcxin này nhập về Việt Nam hồi tháng 8-2013 và được cấp phép của Bộ Y tế. Đối với 3 trường hợp tử vong tại Quảng Trị, hiện Bộ Y tế đang nóng lòng chờ kết quả điều tra từ cơ quan công an.
Trả lời câu hỏi về việc có cần tìm một loại văcxin thay thế Quinvaxem hay không vì có nhiều ca phản ứng nặng sau tiêm, GS Hiển cho biết đã trình Bộ Y tế phương án và có lẽ cũng bàn việc thay thế Quinvaxem để giảm phản ứng phụ sau tiêm và giảm sự lo lắng trong dân. GS Hiển cũng lo ngại các trường hợp phản ứng sau tiêm văcxin đã gây ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Vì thế, tỉ lệ tiêm chủng năm nay giảm đáng kể và rất đáng lo bệnh sẽ xuất hiện nhiều trong vài năm tới.
ĐOÀN CƯỜNG