ĐĂNG BỞI  - 
Sau cơn lũ lịch sử hồi đầu tháng 11.2013 khiến hàng chục người thiệt mạng, vấn đề làm thế nào để giảm thiểu thương vong do lũ và đảm bảo tài sản cho người dân miền Trung lại được đưa ra bàn bạc. Một trong những giải pháp được đưa ra là xây dựng mô hình chòi tránh lũ cho người dân, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà mô hình này đứng trước nguy cơ “phá sản”.
    
Thiết kế không phù hợp thực tế
Trong đợt thí điểm Chương trình hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, tỉnh Quảng Nam được lựa chọn để triển khai 100 căn chòi chống lũ. Tỉnh đã chọn 2 vùng “rốn lũ” là huyện Điện Bàn và huyện Đại Lộc để triển khai, mỗi huyện 50 căn.
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cũng đã thông qua và gửi 5 kiểu mẫu chòi tránh lũ cho các địa phương, 2 kiểu cho vùng núi, 3 kiểu cho vùng đồng bằng. Tuy nhiên, cả 5 kiểu mẫu trên đều không thể áp dụng được vào thực tế vì nhiều lý do khác nhau
Xã Điện Phước, huyện Điện Bàn đã triển khai cho 9 hộ dân xây dựng chòi tránh lũ. Tuy nhiên, tất cả 9 hộ dân này đều không xây mới bất kỳ một căn chòi chống lũ nào, thay vào đó họ tiến hành cải tạo lại căn nhà của mình là chủ yếu.
Để biến căn nhà của mình có thêm công năng chống lũ, các hộ dân đã phải xẻ tường, đổ trụ bê-tông cốt thép nhằm gia cố thêm bộ khung, sau đó làm gác lửng.
Ngoài ra, một số hộ còn chủ động nâng độ cao mái nhà để có thể làm gác lửng cao thêm khoảng 2,5m, một độ cao đủ để đối phó với mức lũ trung bình hàng năm. Các công đoạn cải tạo, gia cố này tốn rất nhiều công sức tuy nhiên chất lượng cải tạo thì chưa thể kiểm định được.
Đau đầu chuyện vốn đầu tư
Lý giải cho việc không tiến hành xây dựng theo các mô hình chòi tránh lũ đã được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam thông qua, ông Trần Công Phúc – một trong 9 hộ dân được hỗ trợ tiền xây dựng cho biết: “Bà con được hỗ trợ xây chòi tránh lũ đa phần là hộ nghèo. Nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi 10 triệu, chúng tôi phải vay thêm 10 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ngoài ra chúng tôi còn phải vay mượn thêm từ bà con họ hàng, làng xóm để làm. Ban đầu, tôi cũng không dám làm, vì mặc dù khoản vay 10 triệu từ ngân hàng sau 5 năm mới tính lãi, nhưng những hộ nghèo như gia đình tôi đến bao giờ mới trả được. Sau đó được chính quyền động viên và cũng muốn có nơi tránh lũ an toàn cho tụi nhỏ, tôi mới quyết định làm”
Căn gác lửng mới được cải tạo để tránh lũ của gia đình ông Trần Công Phúc.
 
Cũng cùng nỗi lo lắng về kinh tế sau khi vay tiền cải tạo nhà tránh lũ như ông Phúc, bà Nguyễn Thị Hoa (xã Điện Phước, huyện Điện Bàn) tâm sự: “Vài năm gần đây, lũ lụt bất thường, nước lên nhanh không tưởng. Ngày trước, lũ về chúng tôi còn kịp thu dọn đồ đạc rồi sơ tán qua nhà bà con kiên cố hơn tránh lũ nhưng cơn lũ vừa qua, chỉ một tiếng đã lên cả mét, chạy sau kịp, may mà kịp làm cái gác lửng. Thật sự thì chỗ tránh lũ chúng tôi cần lắm. Nhưng làm rồi cũng lo đến bao giờ mới có thể trả được tiền”.
Qua tiếp xúc với bà con, chúng tôi nhận thấy tác dụng chống lũ của các căn chòi là vô cùng cần thiết, nhưng nếu muốn áp dụng rộng rãi mô hình này thì phải nghiên thêm.
Nhà tránh lũ đa năng, tại sao không?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phước, cho biết: “5 kiểu mẫu chòi tránh lũ do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam gửi xuống đều không phù hợp với địa phương. Xã đã phải linh động triển khai chương trình theo hướng đồng ý cho bà con cải tạo lại nhà đang ở thêm công năng tránh lũ. Các bản thiết kế chỉ có tác dụng làm một số quy chuẩn để giám sát việc cải tạo lại nhà thêm công năng tránh lũ của bà con, còn khả năng áp dụng vào thực tế không khả thi.”
Trường mầm non Hòa Phước (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), được xây dựng thêm công năng tránh lũ 
Thực tế tại các xã Điện Hồng (huyện Điện Bàn) và Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) cho thấy, hầu hết người dân đều triển khai theo hướng cải tạo lại nhà ở chứ không tuân thủ theo thiết kế. Việc áp dụng theo mẫu thiết kế xây dựng chòi tránh lũ rất khó thành công trong thực tế.
Đầu tiên là về vấn đề tài chính, các hộ dân được tham gia chương trình này đều là các hộ nghèo. Ngoài tiền hỗ trợ họ còn phải vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội… nên các hộ dân cũng ngại xây dựng. Trong khi đó, việc cải tạo thêm gác lửng hết ít tiền hơn so với xây mới một (giá một căn chòi  khoảng 40 triệu đồng).
Vấn đề thứ 2 là ngoài lũ lụt, hàng năm miền Trung phải oằn mình chịu đựng rất nhiều cơn bão lớn, nhỏ. Nếu như làm chòi chống lũ, còn phải tính đến chuyện phải chống chịu được bão gió. Vật liệu xây dựng phải phù hợp, nếu mái nhà bằng tôn, fibro sẽ bị tốc mái khi có bão lớn. Còn nếu đổ bê-tông phần mái kinh phí xây dựng sẽ là rất lớn.
Vấn đề thứ 3 là chòi tránh lũ chỉ có tác dụng…trong mùa lũ, những tháng còn lại trong năm sẽ để không, rất lãng phí. Thay vì xây dựng theo hướng chòi tránh lũ hộ gia đình, có thể triển khai theo hướng xây dựng các nhà cộng đồng tránh lũ đa năng.
Một mô hình nên tham khảo 
Nhà đa năng này có thể được xây dựng thêm các bể chứa nước sạch, xây dựng tại nơi cao ráo trong khu vực. Khoảng thời gian không phải mùa lũ, có thể làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trường mẫu giáo như một số nhà tránh lũ đa năng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam… do Quỹ phòng chống thiên tai miền Trung triển khai. Điều đó sẽ giảm thiểu được sự lãng phí cơ sở vật chất.
Làm nhà để tránh lũ cho nhân dân là một việc làm hết sức cần thiết, nhận được sự đồng thuận từ rất nhiều phía. Nhưng làm như thế nào, triển khai theo mô hình nào, làm nhà tránh lũ theo hướng hộ gia đình hay theo hướng cộng đồng… lại là một câu chuyện dài, cần nghiên cứu kỹ.
Hà Anh