(Dân trí) - Ngoài đề nghị “siết” người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nhiều đại biểu Quốc hội còn yêu cầu quy định rõ trách nhiệm các cơ quan trong việc bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta trong Luật Xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội trường Quốc hội, về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Lưu Thị Huyền (tỉnh Ninh Bình) đề nghị phải có những quy định chặt chẽ hơn nữa trong việc người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta với mục đích lao động. Theo đại biểu Huyền với người nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam thì không nên thay đổi mục đích của việc cấp thị thực.
Đại biểu Lưu Thị Huyền (tỉnh Ninh Bình) cho rằng, cần quy định rõ về điều kiện và thời gian cấp thị thực, thời hạn tạm trú
Để thống nhất với những điều đã ban hành trong Luật đầu tư, đại biểu Huyền cho rằng, trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cần quy định rõ về điều kiện và thời gian cấp thị thực, thời hạn tạm trú. Đặc biệt Luật này cũng phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và quy rõ quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài khi nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (tỉnh Nam Định) xuất nhập cảnh mỗi năm tăng 10 - 30%, bên cạnh mặt tích cực về kinh tế xã hội, đối ngoại thì điều này cũng phát sinh thêm nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được khắc phục. Hơn nữa, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh trong nước cũng còn thiếu chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng gia tăng lao động phổ thông người nước ngoài vào Việt Nam và người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động trái với mục đích nhập cảnh.
“Một số người nước ngoài lang thang vi phạm pháp luật như lừa đảo, tham gia các tệ nạn xã hội, những đối tượng phản động thù địch cũng dễ dàng nhập cảnh để tiến hành các hoạt động phát tán tài liệu phản động, truyền đạo trái phép. Thậm chí có trường hợp dễ dãi trong cấp thị thực du lịch, thị thực D, tìm kiếm cơ hội đầu tư để nhiều đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam tìm kiếm việc làm, số này có rất nhiều ở Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác rất khó quản lý”, đại biểu Sơn nói.
Theo đại biểu Sơn việc quản lý cư trú, quản lý lao động người nước ngoài bộc lộ nhiều hạn chế thiếu sót, việc cho phép người nước ngoài được chuyển đổi mục đích thị thực nhập cảnh, một số doanh nghiệp đã lợi dụng tư cách pháp nhân để làm dịch vụ gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú, thậm chí xuất hiện cả những doanh nghiệp ma chuyên làm dịch vụ xin thị thực dài hạn cho người nước ngoài để kiếm lời mà không phải chịu trách nhiệm gì về những vấn đề phức tạp phát sinh.
“Pháp luật về xuất, nhập cảnh cư trú hiện hành mới chỉ quy định việc điều chỉnh tạm trú của người nước ngoài ở khách sạn, nhà khách, nhà riêng, nhà cho thuê trong khi thực tế người nước ngoài đến Việt Nam cư trú, tạm trú với rất nhiều hình thức khác nhau nên các cơ quan chức năng và địa phương không có căn cứ pháp lý để quản lý và xử lý những sai phạm”, đại biểu Sơn đề cập những bất hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Minh Kha (tỉnh Cần Thơ) cho rằng, việc lấy ý kiến về dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý người nước ngoài. Tuy nhiên, theo đại biểu Kha cần phải bổ sung vào luật quy định các địa điểm khi có người nước ngoài cư trú thì bắt buộc phải thông tin với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo đại biểu Kha để đảm bảo tính khả thi của điều luật Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm. Người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ, ngành quản lý để thống nhất công tác quản lý, Ban soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quang Phong