Khác xa với mơ ước đổi đời, sau khi lấy chồng xứ Đài, rất nhiều cô dâu Việt bị gia đình chồng và cả gia đình mình trút lên vai gánh nặng.
>> Cô dâu Việt ở Đài Loan
Nhọc lòng nuôi con chồng
|
Mỗi lần chị Thúy Hằng và con cái về nước đều có chồng đi theo để lo giữ vợ |
Ở đường Đại Đồng, Tam Hiệp, vùng đô thị mới Đài Bắc có tới gần 20 cô dâu Việt. Trong đó không ít cô sau khi sang Đài Loan mới biết chồng lấy mình chủ yếu để có người chăm sóc cho các con riêng với vợ trước. Chồng và gia đình chồng không muốn cô dâu Việt sinh thêm con vì sợ thêm gánh nặng. Mọi việc nội trợ trong nhà đều do các cô dâu Việt đảm nhận. Những cô dâu Việt như Hồng, Lan, Trân, Bích, Tuyền... ở cùng xóm đều lấy phải những người chồng đã có con riêng nên không được chồng cho sinh con. Thậm chí, tiền lương mà họ tự kiếm được cũng đều bị mẹ chồng giữ hết. Chăm sóc con chồng không tốt sẽ luôn bị mẹ chồng la mắng. Một số người chán nản đã ly dị sau một thời gian sống trong cảnh con ở và mất quyền làm mẹ.
Chị Bích (đã nêu trong bài trước) cho biết dù mẹ chồng dọn sang nhà mới hơn 1 năm nay, nhưng bà luôn sang kiểm tra xem chị cho 2 con riêng của chồng ăn uống ra sao, và luôn la mắng vì cho rằng chị không chăm sóc chúng đầy đủ, không yêu thương con chồng như con mình, dù chị phải nặng gánh kinh tế cả gia đình hơn 1 năm qua. Điều khiến chị đau lòng hơn là dẫu hết lòng chăm sóc 2 cậu con chồng gần 9 năm, khi chị bị ức hiếp thì hai cậu bé chỉ im lặng làm ngơ.
Lệ thuộc về kinh tế
|
Giỏi nhẫn nhịn Theo Đào Duyên Hải - một cô dâu Việt ở Đài Loan, đồng thời là đội trưởng một đội tình nguyện cư dân mới của vùng đô thị mới Đài Bắc, trong những câu trắc nghiệm về cách xử lý khi bị chồng và nhà chồng ngược đãi của các cô dâu Việt do tổ chức này điều tra, phần lớn câu trả lời đều chọn đáp án là: nhẫn nhịn. Một số cô dâu do không chịu đựng nổi thì bỏ nhà, ra ngoài sinh sống, nhưng sau khi được chồng tới năn nỉ và bày tỏ sự hối cải thì lại mềm lòng và quay về gia đình vì con cái. Tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian rồi đâu lại hoàn đấy. |
|
Phần lớn các ông chồng của các cô dâu Việt đều xuất thân từ tầng lớp lao động, như: công nhân cầu đường, lái xe tải, thợ cơ khí, thợ sơn sửa nhà cửa, nông dân... và hầu hết không có trình độ học vấn cao, có người chưa học hết tiểu học. Đa phần họ lấy vợ Việt qua các công ty môi giới hôn nhân. Sau khi họ tốn khoảng 10.000 USD cho công ty môi giới, người vợ Việt của họ chỉ được công ty trả vỏn vẹn 2 triệu đồng tiền Việt sau khi đã trừ hết tiền cưới, giấy tờ thủ tục đăng ký kết hôn... Vì vậy, phần lớn cô dâu Việt lên đường sang xứ Đài với hai bàn tay trắng và phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng. Tuy nhiên, rất nhiều cô dâu Việt không được chồng và nhà chồng cho phép ra ngoài đi làm với nhiều lý do: chủ yếu lấy vợ về để chăm sóc cho con cái riêng của chồng, cần người nội trợ; hoặc sợ vợ đi ra ngoài quen người khác mà bỏ mình...
Chị Nhã Tú, 32 tuổi (quê Đồng Nai), đã có 2 mặt con, nhưng ở nhà nội trợ 13 năm nay, phụ thuộc kinh tế hoàn toàn vào chồng. Chị muốn chi tiêu gì, dù nhỏ nhất cũng đều phải xin chồng. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, 28 tuổi (quê Tây Ninh), cho biết tuy đã sinh 2 con và sống ở Đài Loan hơn 7 năm, chồng chị - một công nhân điện nước hơn chị 19 tuổi - vẫn không cho vợ đi làm vì quá ghen. Hằng ngày, chồng cho chị tiền ăn sáng, còn lại mọi chi tiêu trong gia đình đều do mẹ chồng mua. Chị không được cầm tiền, cần mua gì thì xin chồng. Tương tự, chị Phan Ngọc Huyền, 36 tuổi, giáo viên mẫu giáo người Vĩnh Long, cũng không được ông chồng vốn làm nghề trang trí ngoại thất cho đi làm dù hai người đã chung sống 11 năm và có 3 mặt con. Chị đành yên phận ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái, tuyệt nhiên không biết thu nhập của chồng mình, bởi mọi chi tiêu gia đình đều do chồng đích thân quản lý.
Bị ngược đãi
Do phần lớn cô dâu Việt lấy chồng xứ Đài qua đường môi giới hôn nhân hoặc mai mối từ những người quen biết nên rất nhiều người bị rơi vào cảnh bị người nhà chồng hoặc chính chồng mỉa mai là người "được mua về" và "lấy chồng vì tiền". Do hôn nhân xuất phát không từ tình yêu đích thực nên cuộc sống giữa họ luôn gặp trục trặc và đầy mâu thuẫn. Từ những bất đồng ngôn ngữ ban đầu, đặc biệt khi sinh hoạt chung trong gia đình nhà chồng, các cô dâu Việt thường bị các bà mẹ chồng ghét bỏ, la mắng và bị chồng đánh đập mỗi khi không hài lòng. Tuy nhiên, do đã có con chung và xuất phát từ tính nhẫn nhịn của phụ nữ Việt, rất nhiều cô im lặng chịu đựng, không tố cáo với cảnh sát về chuyện bị ngược đãi. Khi về nước thăm gia đình, họ cũng không dám nói sự thật hoặc chỉ kể một phần, phần vì để gia đình không lo lắng, phần vì sĩ diện.
Nhiều cô dâu Việt muốn bỏ về nước để thoát khỏi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nhưng phần lớn họ đều không nỡ rời bỏ con mình, do ly dị xong, họ sẽ bị mất quyền nuôi con bởi không có công ăn việc làm và kinh tế ổn định. Tuy vậy, cũng có một số trường hợp do không thể chịu đựng nổi, sau nhiều lần hòa giải không được, cũng quyết tâm dứt áo ly dị, bỏ về Việt Nam, để lại con cho chồng. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, 32 tuổi (quê Cần Thơ), sang Đài Loan sinh sống được 7 năm, thì mấy năm phải chăm sóc phục dịch người chồng bị bệnh gan rất vất vả. Nhưng cuối cùng mẹ chồng vẫn đuổi chị đi, không cho ở chung vì không thích chị. Chồng chị bất lực không dám bênh vực do cuộc sống hiện tại hoàn toàn phải nương tựa vào mẹ. Vậy là sau 7 năm làm dâu xứ người, chị Hằng lại quay về xuất phát điểm ban đầu: không tiền bạc, không con cái, không chồng và giờ tự kiếm việc nuôi thân.
Nguyễn Lệ Chi