Sếp EVN trăn trở về mức lương 7,3 triệu đồng của nhân viên; lương Bộ trưởng không mua nổi nhà thu nhập thấp; không chơi golf cả trong ngày nghỉ... là những tuyên bố đình đám của 2011. |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Ảnh: Hoàng Lan |
Sự việc trở nên đình đám hơn khi chính Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tại một hội thảo tổ chức hồi tháng 8 đã đăng đàn khẳng định, với giá cả nhà và mức lương như hiện nay, người nghèo không thể mua được nhà thu nhập thấp. Lãnh đạo Bộ chia sẻ câu chuyện một bác sĩ trưởng khoa từng tâm sự với ông, lương nuôi thân không đủ, chưa dám nghĩ đến chuyện mua ôtô, lại càng không dám mơ đến việc mua nhà.
Clip Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói về nhà thu nhập thấp |
"Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương, đừng nghĩ đến chuyện mua nhà. Cỡ như Bộ trưởng, chúng tôi tính còn 40 năm mới mua được", ông Nam thẳng thắn.
"Lương EVN 7,3 triệu đồng không đủ sống ở thành thị"
Tuyên bố bất ngờ của Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Phạm Lê Thanh, lương bình quân năm 2009 của ngành điện là 7,3 triệu đồng một tháng vào cuối tháng 11 khiến dư luận xôn xao. Lãnh đạo nhà đèn chia sẻ, bản thân ông rất đau lòng khi lương cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó vì "đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn thì có thể được, còn ở thành thị thì không thể", ông Thanh nói.
Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Phạm Lê Thanh. Ảnh: Hoàng Lan |
Chỉ số ít người cho rằng, không nên quá khắt khe bởi phát ngôn của ông Thanh đứng trên góc độ một người lãnh đạo của ngành. Phần đông bạn đọc thuộc các ngành nghề khác nhau như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... "choáng" vì mức lương trung bình của ngành điện vào năm 2009 đã lên tới 7,3 triệu đồng, gấp 3-4 lần nhiều lĩnh vực khác. Thậm chí nhiều bạn đọc còn nộp đơn "xin vô ngành điện" và sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt, chỉ xin lương 6 triệu một tháng, thấp hơn 1,3 triệu đồng mức lương của nhà đèn cách đây 2 năm. Không ít độc giả tủi thân phải thốt lên: "Sau khi nghe phát biểu của sếp EVN, các quan chức cấp cao ngành khác có thấy thương cho đơn vị mình không"?
Đây không phải lần đầu tiên, lãnh đạo nhà đèn phát ngôn sốc. Tháng 7/2010, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ông Đào Văn Hưng cũng gây xôn xao dư luận với tuyên bố "có cắt điện hay không chỉ Ngọc Hoàng mới trả lời được". Vài tháng sau phát ngôn của ông Hưng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đăng đàn nhắc nhở ngành điện cần có cách ứng xử, lời nói phù hợp.
"Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước"
Tại hội thảo về điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường hồi tháng 9, sau khi đại diện của Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp lên tiếng phê phán Bộ Tài chính về quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu 500 đồng hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Vương Định Huệ thẳng thắn: "Tôi ra quyết định giảm giá và tôi chịu trách nhiệm cá nhân".
Clip phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ về xăng dầu |
Doanh nghiệp xăng dầu cho rằng quyết định giảm quá bất ngờ và nó không phản ánh đúng thực tế của thị trường, bởi thực tế doanh nghiệp đang lỗ. Bác bỏ lại quan điểm này, người đứng đầu ngành tài chính tuyên bố, với kinh nghiệm 10 năm kiểm toán ông thuộc các số liệu lỗ lãi của doanh nghiệp như lòng bàn tay. Tại thời điểm giảm giá xăng dầu, số liệu cập nhật từ hải quan cho thấy, Petrolimex đã lãi tới 780 đồng mỗi lít xăng, sau khi đã tính đủ các chi phí và cả 300 đồng lợi nhuận định mức mà Chính phủ cho phép.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo ông, sở dĩ giá xăng dầu chưa thể "thả" theo thị trường ngay được vì vẫn còn tồn tại độc quyền, bởi vậy nếu các doanh nghiệp lớn "đi đêm" với nhau thì doanh nghiệp khác chết, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt. "Bộ Tài chính không bỏ qua doanh nghiệp nào cả. Nếu cách điều hành của chúng tôi gây thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chịu trách nhiệm và bồi thường. Nếu doanh nghiệp nào không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước", ông Huệ thẳng thắn.
Sau lời tuyên bố thẳng thắn, Bộ Tài chính đã có "trát" yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo lỗ lãi, các hoạt động kinh doanh. Hành động của lãnh đạo Bộ Tài chính được coi là cá tính thẳng thắn, quyết đoán và được dư luận đồng tình.
"Không chơi golf, kể cả trong ngày nghỉ"
Sau hai tháng được ngồi vào ghế nóng Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng đã đề xuất hàng loạt giải pháp chống ùn tắc giao thông kèm với đó là những "quân lệnh thép" nhằm sốc lại tinh thần ngành. Trong đó, đình đám nhất phải kể đến việc người đứng đầu ngành giao thông ra văn bản yêu cầu lãnh đạo thuộc Bộ khuyến cao không chơi golf, kể cả vào ngày nghỉ để tập trung làm việc.
Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà |
Quy định của Bộ trưởng giao thông nhận được nhiều lời khen chê lẫn lộn. Nhiều người cho rằng, đây là môn thể thao thuộc hàng đại gia tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Thậm chí, một số ý kiến cực đoan hơn còn khẳng định, golf là môn cá cược trá hình, sau mỗi cú vung gậy là hàng chục nghìn đôla, nên việc cấm chơi golf là quyết định sáng suốt. Ngược lại, cũng không ít người phản đối golf là môn thể thao hữu ích, nên việc cấm chơi golf là vi phạm quyền tự do cá nhân
Là người trực tiếp đưa ra quân lệnh thép, trước phản ứng dư luận, Bộ trưởng Thăng khẳng định, đây là quy định trong ngành giao thông, nó cũng giống quy định cán bộ đảng viên không được uống rượu, hát karaoke. Còn tự cán bộ phải tự giác thực hiện và giám sát lẫn nhau. "Chơi thể thao nói chung, chơi golf nói riêng là tốt, song trong bối cảnh đất nước khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp còn khó khăn thì cần phải tập trung trí tuệ, thời gian cho công việc", ông Thăng nói.
'Lãi suất không thể thực dương'
Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Nhật Minh |
Lần đầu tiên trả lời phỏng vấn sau lễ nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình gây sốc khi nói: "Định hướng lâu dài lãi suất tiền gửi không thể thực dương". Cũng trong bài phỏng vấn này, ông đề cập tới xu hướng thế giới ngân hàng chỉ là nơi giữ hộ tiền cho dân chứ không phải kênh đầu tư, nếu người dân muốn kinh doanh vốn, phải đầu tư ở thị trường chứng khoán. "Trong điều kiện bình thường, không nhất thiết lãi suất tiền gửi phải cao hơn lạm phát", ông nhấn mạnh.
Người Việt Nam quá ngấm sau những đợt lạm phát phi mã, và với họ mặc nhiên lãi tiết kiệm ngân hàng phải đủ bù cho độ trượt giá của đồng tiền. Dù không công bố chính thức, lâu nay lãi suất thực dương gần như là một chủ trương của các ngân hàng khi xây dựng chính sách lãi suất của mình. Các nhà làm chính sách cũng đề cập điều này mỗi khi nói đến chuyện bù đắp cho người gửi tiền.
Clip phát biểu của Thống đốc về lãi suất |
Vì thế mà tuyên bố của Thống đốc Bình ngay lập tức tạo thành chủ đề bàn tán sôi động trên nhiều diễn đàn online cũng như tranh luận của các chuyên gia. Nhiều người cho rằng, lãi suất không thực dương sẽ khiến hàng triệu người hưu trí có tiền gửi ngân hàng chịu thiệt thòi, bản thân ngân hàng là trung gian tài chính, huy động tiền của dân để đi kinh doanh và hưởng lợi nhuận chứ không phải chỉ để giữ hộ tiền cho dân.
Tại cuộc gặp các lãnh đạo báo chí gần một tuần sau đó, Thống đốc Bình phải dành nhiều thời gian giải thích. Ông nhận lỗi về mình khi diễn đạt chưa chuẩn để nhiều người hiểu lầm, song cũng nói rõ hơn quan điểm lãi suất thực dương của mình. Theo ông, lãi suất là phần lợi tức ngân hàng trả cho khách trong một năm tới, trong khi lạm phát lại là câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ, vì thế sẽ khập khiếng nếu đem so sánh với nhau.
"Lạm phát 18% mà nhiều người nói hiện nay là lạm phát so với một năm trước, còn lãi suất 14% ngân hàng trả khách là cho 12 tháng tới. Nếu lấy lạm phát đó mà trừ cho lãi suất 14% rồi các quý vị bảo thực âm thì chết tôi rồi. Cần phải so sánh với dự báo lạm phát của năm tới, Chính phủ dự kiến dưới 10%, thì mới thấy lãi suất ngân hàng trả hiện nay là thực dương", ông Bình nói.
Với cách đặt vấn đề này, theo thống đốc Bình, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là phải phân tích thật tốt kinh tế vĩ mô, dự báo tương đối sát lạm phát để ấn định chính sách lãi suất hợp lý, góp phần làm cho người dân không bị thiệt hại mà vẫn góp phần chống lạm phát.
Hoàng Lan