Một điểm thu mua cua của thương lái Trung Quốc - Ảnh: Gia Bách
|
Tiếp xúc với PV Thanh Niên hôm qua, 10.5, ông Nguyễn Hoàng Vũ, một chủ vựa thu mua cua ở H.Đầm Dơi (Cà Mau), kể: “Sáng nay tôi gọi điện thoại cho thương lái Trung Quốc (TQ) tên Vương Ngôn Thư để đòi nợ, nhưng ông ta nói không thể trả gần 500 triệu đồng tiền mua cua của tôi, rồi… cúp máy”.
Tương tự, ông Đáng (ngụ cùng địa phương) cũng là nạn nhân của Vương Ngôn Thư. Theo lời ông Đáng, lúc đầu Vương Ngôn Thư trả tiền cua rất sòng phẳng, nhưng về sau thì giở bài… quỵt nợ. Một nạn nhân khác của “lái cua” TQ tại H.Đầm Dơi, ông Hải Âu, cũng than thở: “Nghe chuyện thương lái TQ quỵt tiền mua cua, tôi đã cố gắng thu hồi nợ nhưng cuối cùng cũng bị tên A Tiêu giật mất 90 triệu”.
Quỵt tiền cua, quỵt cả tiền nhà
Theo trình bày của các nạn nhân, thời gian đầu các thương lái TQ đến mua cua với giá cao, trả tiền sòng phẳng để tạo uy tín. Sau khi được mọi người tin tưởng, họ bắt đầu giở trò. Họ trả tiền nhỏ giọt, lấy cua đợt này mới chịu trả dứt điểm tiền cua đợt trước. Khi thấy số nợ lớn dần, bị đòi tiền thì họ chuyển sang mua cua của người khác để tiếp tục khất nợ. Khi tổng số nợ lên đến bạc tỉ thì họ đánh bài chuồn. “Hai năm nay, năm nào ở đây cũng có chủ vựa cua bị thương lái TQ quỵt nợ”, ông Vũ cho biết.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện các thương lái TQ không chỉ có mặt ở 2 huyện Năm Căn và Đầm Dơi, mà đã “vươn” tay ra đến các huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển… của Cà Mau để thu gom cua, cá. Ông Dương Minh Thới, Phó công an thị trấn Đầm Dơi (H.Đầm Dơi), cho rằng hiện chỉ có 4 người quốc tịch TQ khai báo tạm trú ở thị trấn. Trong đó có 3 người là thương lái nhờ dân địa phương đứng tên đăng ký mở điểm thu mua. Nhưng theo lời những người dân địa phương, thì hiện có trên 10 thương lái TQ đang mua cua tại đây, bao gồm A Trấu, A Lâm, A Hỷ, A Tài, Cửu Tràn, A Ba, A Nam, A Sơn, A Phúc, A Sang, A Sử…
“Do tin lời các thương lái TQ, các chủ vựa cua người địa phương đã đóng cua bán cho họ, thậm chí nghe lời xây phòng trong nhà cho họ thuê. Cuối cùng vừa bị quỵt tiền cua, quỵt cả tiền nhà”, ông Vũ nói.
Cua phải được trói dây của TQ sản xuất - Ảnh: Gia Bách
|
Không trả tiền vì “thông tin cho báo chí” ?
Ông Đỗ Chí Hùng, chủ vựa cua ở H.Năm Căn, bức xúc: “Hôm trước, tôi có thông tin cho nhà báo về việc thương lái TQ tên Mao thiếu tôi gần 1 tỉ, A Dùn thiếu trên 1 tỉ tiền mua cua. Mấy ngày qua, A Mao liên tục gọi điện thoại nói rằng sẽ không trả nợ cho tôi vì tôi thông tin cho báo chí”.
Trước đó, tại H.Năm Căn, nhiều thương lái địa phương cũng đã đến cơ quan chức năng trình báo việc bà Wang Juanmei (tự A Kiều, 38 tuổi), một thương lái quốc tịch TQ đến địa phương thu mua cua và biến mất cùng món nợ hơn 10 tỉ đồng. Trong đó, bà Võ Thị Loan (khóm 1, thị trấn Năm Căn) bị A Kiều nợ 900 triệu đồng và 7 chỉ vàng; bà Trần Kim Tươi (ngụ cùng địa phương) cũng bị A Kiều nợ trên 500 triệu đồng. Hầu như các điểm thu mua cua ở đây đều bị A Kiều nợ tiền, có người bị nợ vài chục triệu đồng, cũng có người lên đến vài tỉ đồng. Như ông Trần Ngọc Đạt, bị A Kiều nợ 1,8 tỉ đồng tiền mua cua.
Trong khi đó, một số nạn nhân ở 2 huyện Đầm Dơi và Năm Căn tỏ ra lo lắng vì bị quỵt nợ nhưng không biết tố cáo đến nơi đâu. Bởi việc giao dịch chỉ diễn ra bằng điện thoại, không có biên nhận, thậm chí không biết bạn hàng mặt mũi hay tên thật là gì.
Dãy nhà được thương lái Trung Quốc thuê làm điểm thu mua - Ảnh: Gia Bách
|
Giở đủ mánh khóe
Ngoài việc sử dụng các chiêu thức để quỵt nợ, thương lái TQ còn yêu cầu các chủ vựa ở H.Đầm Dơi phải trói cua bằng dây do TQ sản xuất và chính họ là người cung cấp. Ông Vũ nói: “Họ buộc các lái địa phương phải trói bằng dây do họ bán, họ mới mua cua. Mà muốn được cung cấp dây thì các thương lái địa phương phải ứng tiền trước cho họ. Nếu sử dụng dây vải thì thương lái TQ kiếm chuyện trừ cấn, cho rằng cua kém chất lượng, cua chết… dẫn đến lỗ lã. Do vậy, hầu hết các lái địa phương đành phải chấp nhận trói bằng dây do họ bán”.
Vì sao họ dễ dàng quỵt nợ? Trả lời câu hỏi này, nhiều nạn nhân cho biết, thông thường thì buổi sáng thương lái TQ cho giá để lái cua địa phương đi mua gom cua trong dân. Nhưng đến chiều, khi có cua, họ bảo “chưa giao dịch được với ngân hàng” nên không có tiền mua. Vì đã lấy giá cua do các thương lái TQ cho, nên các lái địa phương không thể bán cho người khác, bởi giá họ ra cao hơn thị trường từ 30.000-40.000 đồng/kg, nên các lái địa phương đành phải cho họ nợ.
Thậm chí, những ngày cuối tuần, họ nói ngân hàng nghỉ nên không giao dịch được và mua cua nợ tiền trong 2 ngày đó rồi … biến mất. Thậm chí, vào những ngày thị trường cua ở TQ bị dội hàng, thì họ kiếm chuyện bằng cách chê cua không ngon, cua xấu và từ chối mua hàng.
Có một điều lạ là mặc dù các thương lái TQ có mặt ở các địa phương hơn năm nay, thậm chí thuê nhà dân làm điểm thu mua và phân phối dây trói cua, nhưng lãnh đạo nhiều địa phương ở tỉnh Cà Mau lại nói “không biết, sẽ cho kiểm tra lại”. Ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND H.Đầm Dơi cũng bảo: “Tôi cũng nghe đến chuyện thương lái TQ đến thu mua cua, nhưng đã lâu rồi không nghe nhắc đến nữa. Tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin này”.
Lừa tắc kè, ép giá tôm
Trong năm 2010 đến đầu 2011, ở nhiều tỉnh miền Tây rộ lên hiện tượng thu gom tắc kè. Tắc kè mà thương lái TQ thu mua phải có trọng lượng lớn, càng lớn giá càng cao, từ 5 - 20 triệu đồng/con. Nhiều người dân ở Cà Mau đã bỏ công ăn việc làm vào rừng để săn tắc kè bán. Một nhà trọ ở Cần Thơ kể: người TQ tới thuê phòng ở dài ngày rồi lân la làm quen với những người khá giả ở địa phương, đặt họ làm đại lý thu mua tắc kè để mang về TQ làm thuốc. Khi có hàng, các thương lái này trả tiền sòng phẳng. Thấy có lợi, những người làm đại lý tích cực thu gom tắc kè với số lượng lớn hơn. Nhưng từ đó, đầu mối gom hàng phía TQ “lặn mất tăm”, các đại lý ôm hàng chịu chết. Sau này, các đại lý mới vỡ lẽ ra là cả thương nhân thu gom và người bán tắc kè cho họ cùng một đường dây.
Trong khi đó tại Bạc Liêu, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, các thương lái TQ cũng đang lùng mua tôm nguyên liệu cỡ nhỏ. Do phần lớn diện tích tôm công nghiệp trong giai đoạn đang thả nuôi, chủ yếu nuôi theo mô hình quảng canh, sản lượng ít nên việc thương lái TQ gom tôm khiến nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở Bạc Liêu và một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL lâm vào cảnh thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng.
Theo ông Thạch Kim Bình, cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản tỉnh Bạc Liêu, khi hút hàng, thương lái TQ đẩy giá thu mua lên cao hơn giá thị trường, đến khi chi phối được nguồn hàng, họ bất ngờ ép giá, không mua hàng hoặc dùng nhiều thủ đoạn để quỵt nợ. Đơn cử năm 2010, một DN ở xã Tắc Vân, TP.Cà Mau (Cà Mau) gom rất nhiều tôm bán cho thương lái TQ, lãi trên 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2011, DN này đã nhiều lần bị thương lái TQ “bẻ kèo”, quỵt nợ hàng chục tỉ đồng.
Chí Nhân - Thanh Dũng - T.T.Phong
|
Gia Bách