THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 May 2012

Sao chưa phát gạo cho dân?



Thứ Năm, 10/05/2012 23:14

Gần hai tuần qua, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa cấp gạo trắng hỗ trợ người dân vùng “bệnh lạ” ở huyện Ba Tơ theo yêu cầu của Bộ Y tế


Người dân ở thôn Làng Rêu ăn gạo ủ từ hàng trăm năm qua, nay bị nghi là căn nguyên gây ra “bệnh lạ”
Trước tình hình dịch bệnh, số người tử vong do mắc “bệnh lạ” tăng cao, người dân vùng bệnh ở huyện Ba Tơ lại phải gánh thêm nỗi lo mới là thiếu gạo trắng để thay thế gạo ủ mốc bị nghi chứa độc tố gây bệnh -  theo kết luận ban đầu của Bộ Y tế. Quyết định cấp gạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi đến nay chưa được thực hiện
Dài cổ chờ gạo
Theo khảo sát của Bộ Y tế,  số người mắc “bệnh lạ” tập trung ở 5 xã của huyện Ba Tơ, chủ yếu ở xã Ba Điền (94%), đặc biệt là ở thôn Làng Rêu (88 người). Toàn xã Ba Điền có 98% dân số là người H’re, có tập quán ăn gạo ủ và 100% người mắc bệnh là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khảo sát này, Bộ Y tế đưa ra nhận định có thể các bệnh nhân mắc bệnh do ăn gạo ủ mốc. Tại buổi họp với UBND tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 28-4, Bộ Y tế  đề nghị tỉnh Quảng Ngãi phải nhanh chóng hỗ trợ gạo trắng cho các hộ gia đình, đồng thời thu đổi gạo ủ, gạo mốc.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định hỗ trợ 60 tấn gạo trắng cấp cho người dân vùng dịch bệnh. Thế nhưng, ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết đến hôm qua, 10-5, vẫn chưa thấy gạo trắng đưa về. Theo ông Phong, việc chậm cung ứng gạo trắng chỉ  khiến người dân thêm hoang mang, lo lắng.
Cũng theo ông Phong, về việc tìm nguyên nhân gây bệnh, ngành y tế cho biết sẽ phải mất ít nhất là 6 tháng. Tương ứng với thời gian chờ này, cả xã Ba Điền có 1.576 khẩu sẽ cần ít nhất 150 tấn gạo trắng để cấp theo chỉ đạo của UBND tỉnh với định mức 15kg/người/tháng.
Huyện tự “cứu” dân
Theo thống kê của ngành y tế,  đến chiều tối 10-5, toàn huyện Ba Tơ đã có 200 trường hợp mắc bệnh. Trong đó, “rốn” dịch là xã Ba Điền với 190 ca. Toàn huyện đã có 21 người tử vong. Tình hình “bệnh lạ” đang còn diễn biến rất phức tạp và hơn lúc nào hết người dân đang rất cần gạo trắng để ăn như theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Câu hỏi đặt ra là vì sao trong tình hình cấp bách như thế, gạo trắng vẫn chưa được đưa về cho người dân vùng bệnh? Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần hai tuần kể từ khi ra quyết định cấp gạo đến nay, tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ có công văn cũng như kêu gọi đóng góp từ cá nhân, doanh nghiệp và hỗ trợ từ Trung ương. Nghĩa là, phải đợi đến khi… tìm được nguồn gạo, việc hỗ trợ mới triển khai.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương huyện Ba Tơ đã chủ động… tự cứu cho dân trước. Hiện huyện đã vận động,  kêu gọi đóng góp, hỗ trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện được hơn 1 tấn gạo. Với số gạo ít ỏi này, ông Lê Hàn Phong cho biết sẽ tổ chức phát cho người dân vào sáng nay, 11-5. Trước mắt, những hộ có người mắc bệnh sẽ được cấp 10 kg gạo.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận  đến thời điểm này, ủy ban cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ để mua gạo trắng. Để giải quyết tình hình, ủy ban đã ứng trước 600 triệu đồng, dự kiến sáng nay sẽ cấp cho huyện Ba Tơ để mua gạo phát cho dân.
Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng
Ông Lê Hàn Phong cho rằng việc Bộ Y tế công bố căn nguyên gây “bệnh lạ” là do gạo mốc là không có cơ sở thuyết phục bởi gạo này bà con đồng bào H’re đã sử dụng hàng trăm năm qua. Theo ông Phong, Bộ Y tế chưa hiểu đúng về loại gạo mà người dân H’re đang ăn. Gạo mốc là gạo để lâu bị mốc và khi bóp bị nát vụn, còn gạo của đồng bào H’re là dò hơi (lúa tươi gặt về đổ vào kho và khi nào cần xay ăn thì mới mang đi phơi - PV). Trong khi đó, thực tiễn từ các bệnh nhân cho thấy hầu hết họ bị bệnh từ nội tạng phát ra da chứ không phải chỉ bùng phát ngoài da với các biểu hiện dày sừng lòng bàn tay, bàn chân và men gan tăng cao. Do đó, ông Phong cho rằng cần phải tìm hiểu và xét nghiệm nguồn đất, không khí, nước… thật kỹ để tìm ra nguyên nhân. Việc vội vã đưa ra kết luận là do gạo mốc chỉ càng khiến việc tìm mầm bệnh, điều trị thêm phức tạp, người dân hoang mang.
Bài và ảnh: Niêm Hà