Cán bộ hóa học của Quân khu 5 kiểm tra những ký hiệu trên bình chứa khí độc - Ảnh: H.C |
Qua kiểm tra tại hiện trường, bình chứa khí có màu xám tro. Trên thân bình có 3 chữ Trung Quốc in màu đen và các thông số kỹ thuật như: trọng lượng nặng 660 kg, thể tích 800 lít, đường kính 0,85 m, chiều cao 2,2 m và có ký hiệu là HF. Ngoài các thông số kỹ thuật được ghi trên phía đầu bình khí còn có những dòng chữ Trung Quốc nhưng đã bị mờ, rất khó nhận diện. Lượng khí độc trong bình còn lại khoảng một nửa. 3 chữ màu đen in trên thân bình, đó là Hydrogemium hóa fluorua (khí HF).
Theo thượng tá Phạm Trường Dũng, Trợ lý hóa học cơ quan chủ nhiệm hóa học Quân khu 5, bình chứa khí này được nhập khẩu từ nước ngoài và lần đầu tiên mới nhìn thấy. “Đây không phải là vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh mà là bình chứa khí dùng cho mục đích công nghiệp”, thượng tá Dũng khẳng định.
Cũng theo thượng tá Dũng, do không phải là vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh nên việc xử lý, lấy mẫu để xác định loại khí chứa trong bình không thuộc chức năng của quân đội mà là trách nhiệm của các cơ quan chức năng Quảng Ngãi. “Về phần mình, chúng tôi sẽ báo cáo vụ việc với chỉ huy đơn vị, chậm nhất trong tuần sau sẽ có kết luận”, thượng tá Dũng cho biết.
Sau khi khai quật lên để kiểm tra, sáng cùng ngày lực lượng chức năng ở H.Nghĩa Hành lại huy động phương tiện cơ giới tiếp tục chôn lấp tạm bình chứa khí đồng thời cắt cử người canh giữ để chờ xử lý, lấy mẫu phân tích xác định loại khí trong bình.
Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Dũng nói rằng, khí dùng trong công nghiệp có rất nhiều loại khí độc, nếu xả ra môi trường đậm đặc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Hiện tại, cơ quan chức năng ở H.Nghĩa Hành đang tiến hành điều tra làm rõ ai là người đã bán bình chứa khí cho Bùi Thống (28 tuổi) ở thôn Long Bàn Nam, xã Hành Minh, để xác định nguồn gốc.
Liên quan đến vụ việc mà Bùi Thống đã xả khí độc trong bình ra cánh đồng mía tại xứ đồng Gò Ớt (thôn Long Bàn Nam) vào tối 2.5, ngoài việc chết rụi hơn 8.800 m2 mía khoảng 2 tháng tuổi thì chính bản thân Thống cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe như tay, phần bụng bị bỏng do khí độc xả ra.
Hít thở nhiều HF có thể tử vong
Một cán bộ Phòng Kiểm soát ô nhiễm thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ngãi cho biết, HF tan vô hạn trong nước tạo ra a xít HF có nhiều tác hại đến cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là đối với sức khỏe con người. Khí HF gây kích thích da, mắt, niêm mạc, xung huyết mũi và xoang, phù phổi, tổn thương thần kinh… Vì thế, Tổng cục Môi trường đã đưa khí HF vào quy chuẩn kỹ thuật về một số chất độc hại trong không khí xung quanh với quy định nồng độ tối đa cho phép là 20 microgam trên mét khối (μg/m3).
Theo một số tài liệu khác mà PV Thanh Niên đã tìm hiểu thì nếu hít thở một lượng nhỏ khí HF, họng và phế quản bị kích thích, gây khó nuốt, ho, tức ngực, nghẹt thở. Hít thở nhiều HF gây khó thở dữ dội, suy tim và liệt cơ hô hấp, mặt tím tái, có thể tử vong, nếu không cũng dẫn đến tình trạng viêm phế quản, phế nang, phù phổi, hoại thư phổi.
Đối với thực vật, HF kết hợp nước gây tổn thương màng tế bào, ánh sáng mặt trời có tác dụng kích thích mở rộng các khoang trao đổi khí nằm ở mặt dưới của lá. Khi xâm nhập vào lá cây, florua tích tụ lại ở đó và nồng độ tăng dần. Dấu hiệu tác hại đầu tiên do florua gây ra là đầu và mép lá bị úa vàng ở mép lá. Súc vật ăn lá cây sẽ bị bệnh rỗng xương.
|
Hiển Cừ