Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2012-05-10
Sáng ngày 24 tháng 4 vừa qua sau khi vụ cưỡng chế Văn Giang kết thúc thì trên hệ thống mạng Internet xuất hiện một video clip cho thấy hai người đàn ông bị công an và lực lượng cưỡng chế đánh đập một cách thô bạo.
Hai tuần lễ sau đó báo Thanh Niên đưa tin hai người bị đánh là hai nhà báo của Đài Tiếng Nói Việt Nam là Nguyễn Ngọc Năm và Hàn Phi Long. Mặc Lâm tìm hiểu ý kiến của các nhà báo qua vụ việc này.
Nguy hiểm như nghề nhà báo
Trên thế giới có lẽ nghề nguy hiểm nhất phải dành cho nhà báo, đặc biệt đối với những nước đang có chiến tranh và bị cai trị bởi những thể chế độc tài.
Vấn nạn tham nhũng, bê bối chính trị hay vi phạm nhân quyền là những chủ đề khiến nhà báo dễ gặp nguy hiểm nhất tại các quốc gia mà quyền tự do báo chí chỉ được tôn trọng trên cửa miệng của chính quyền. Tuy nhiên khác với nhiều nước, Việt Nam không có một nền báo chí độc lập và vì vậy mọi bài viết có tính nhạy cảm với các vấn đề vừa nêu, ngay cả với ý định xây dựng cũng hoàn toàn không được phép. Nhà báo hơn ai hết hiểu đầy đủ thanh gươm kiểm duyệt đang treo trên đầu khi họ cầm viết miêu tả lại những vấn đề bức bách của xã hội mà bổn phận của một nhà báo phải làm.
Vụ hai nhà báo của Đài Tiếng Nói Việt Nam bị nhân viên an ninh và công an đánh tại Văn Giang đã làm chút tự do còn sót lại của nhà báo Việt Nam hoàn toàn mất trắng.
Vụ hai nhà báo của Đài Tiếng Nói Việt Nam bị nhân viên an ninh và công an đánh tại Văn Giang đã làm chút tự do còn sót lại của nhà báo Việt Nam hoàn toàn mất trắng.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm là trưởng phòng thời sự, chính trị, kinh tế thuộc trung tâm Tin của Đài Tiếng Nói Việt Nam còn được biết tên tắt là VOV, cùng với một đồng nghiệp là phóng viên Hán Phi Long đến khu vực biểu tình của người dân Văn Giang để đưa tin vào sáng ngày 24 tháng 4 vừa qua. Công tác của hai nhà báo này được VOV công khai cử đi với đầy đủ chứng từ. VOV là một trong bốn cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước, việc làm của họ được điều hành dưới một cơ quan ngang hàng cấp thứ trưởng và vì vậy khi tin tức họ bị đánh như kẻ thù thì ngay lập tức các nhà báo tự do các blogger nổi lên một loạt phản ứng dữ dội trước hành động được xem là hồ đồ của chính quyền Hưng Yên này.
Nhà báo cũng là một blogger nổi tiếng trong vụ Tiên Lãng là ông Nguyễn Quang Vinh cho biết nhận xét của mình về việc này:
Chẳng phải mình đâu mà nói chung bất cứ ai cho dù là người dân cũng không thể chấp nhận huống hồ là một nhà báo mà theo báo Tuổi Trẻ sáng nay nói hai đồng chí ấy được cử đi công tác hẳn hòi. Người ta đã nói là nhà báo rồi mà nó vẫn cứ đánh thì không ai chấp nhận được. Tôi rất phẫn nộ. Vấn đề bây giờ là phải xử lý như thế nào vì người ta đã báo cáo là cưỡng chế tốt bây giờ nó lòi ra tình huống này thì phải chờ xem.
Chẳng phải mình đâu mà nói chung bất cứ ai cho dù là người dân cũng không thể chấp nhận huống hồ là một nhà báo mà theo báo Tuổi Trẻ sáng nay nói hai đồng chí ấy được cử đi công tác hẳn hòi. Người ta đã nói là nhà báo rồi mà nó vẫn cứ đánh thì không ai chấp nhận được. Tôi rất phẫn nộ.ông Nguyễn Quang Vinh
Nhà báo Phạm Đình Trọng một người theo dõi chặt chẽ những vấn đề đất đai hồi gần đây cho biết nhận định của ông về hai thế lực chủ chốt của chính quyền là công an và nhà báo như sau:
Theo tôi thì hai anh đều là công cụ. Anh công an là công cụ bạo lực của nhà nước, còn anh nhà báo là công cụ tư tưởng của nhà nước. Anh công an, công cụ bạo lực sử dụng trong trường hợp này rất sai bởi vì dùng công cụ bạo lực nhà nước để chống lại nhân dân. Nhân dân người ta đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của người ta thì nhà nước dùng công cụ bạo lực này để chống lại nhân dân, đàn áp nhân dân. Rõ ràng là hung hăng quá. Anh coi tất cả mọi người là đối tượng là kẻ thù!
Coi thường cơ quan truyền thông nhà nước
Nhà báo Trương Duy Nhất với kinh nghiệm làm việc với hơn 8 tờ báo trong đó có Đại Đoàn Kết, Công An Quảng Đà cho biết nhận định của ông về vai trò của một cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước vẫn không giữ được sự an nguy cho đảng viên làm việc tại cơ quan mình, ông nói:
Đài Tiếng Nói Việt Nam là một cơ quan truyền thông hàng bộ tứ của Đảng. Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân, Đài Tiếng Nói Việt Nam, và Đài Truyền Hình Việt Nam….cuối cùng đến giờ phút này mà trên tất cả trang mạng của Đài Tiếng Nói Việt Nam cũng không có một mẩu tin gì để phản ứng công khai về hai phóng viên của mình bị đánh như thế. Mình bảo vệ cho hai phóng viên mình không được thì đòi bảo vệ cái gì nữa? Đó là một nỗi đau của báo chí.
Câu chuyện hai nhà báo bị công an đánh tập thể, bị tước thẻ đảng dẫn về Viện Kiểm Sát như dẫn một tội phạm dưới mắt hàng ngàn người dân Hưng Yên cho thấy tình trạng cát cứ của chính quyền cấp tỉnh đã trở nên trầm trọng để có thể nói rằng Trung ương không còn khả năng kiểm soát.
Đài Tiếng Nói Việt Nam là một cơ quan truyền thông hàng bộ tứ của Đảng. Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân, Đài Tiếng Nói Việt Nam, và Đài Truyền Hình Việt Nam….cuối cùng đến giờ phút này mà trên tất cả trang mạng của Đài Tiếng Nói Việt Nam cũng không có một mẩu tin gì để phản ứng
Tình trạng coi dân như kẻ thù, coi báo chí như thuộc hạ và toàn quyền cho phép hay không tại địa phương của mình đang trở thành một dịch bệnh đang hoành hành trên khắp nước. Tình trạng này khiến các cơ quan truyền thông trên thế giới lo ngại và đưa tin, trong khi đó báo chí trong nước làm như không hay biết việc đồng nghiệp của mình bị đánh đập tàn nhẫn ngay cả VOV là cơ quan của hai nhà báo nạn nhân.
Nhà báo Trương Duy Nhất cho biết tâm trạng của ông khi biết được báo chí trong nước thụ động trước đồng nghiệp của mình như thế, ông nói:
Nói gì thì nói, tôi có trả thẻ nhà báo và có nghĩ làm báo đi nữa thì đến bây giờ tôi vẫn là một nhà báo. Tôi có cảm giác hết sức nhục. Tôi viết một bài vào lúc 0 giờ ngày hôm qua và trước đó tất cả các hãng thông tấn báo chí của nước ngoài cũng như các trang mạng lề trái đã nói thì cho đến sáng nay hình như mới có một số bản tin trong nước mới đưa tin. Hai nhà báo bị đánh thì bản thân hai anh ta lại không dám có ý kiến gì cả. Anh bị đánh lại không dám bảo vệ chính anh nữa thì anh chả nhân danh bảo vệ được ai.
Nhà báo Phạm Đình Trọng cho biết hoàn cảnh trước và hiện nay của nhà báo Việt Nam, ông nói:
Trước đây chúng tôi làm báo thì chỉ là công cụ của nhà nước. Chủ yếu là đi tuyên truyền những điển hình những người tốt việc tốt hay là tuyên truyền để tô hồng cuộc sống. Hơn nữa lúc ấy xã hội tương đối bình yên thành ra không có cảnh nhà nước và người dân đối lập như bây giờ. Trước đây không bao giờ có cảnh như thế cả. Làm báo ở chế độ xã hội chủ nghĩa nó nghiệt ngã như thế có nghĩa tất cả phải theo định hướng của Ban Tuyên giáo thành ra nó chỉ được một cái hành lang để đi. Anh không thể lạc vào những sự thật, lạc vào hiện thực ngoài ý định của Ban Tuyên giáo cả. Đây chính là lúc mà nó bộc lộ sự nghiệt ngã ấy rõ nhất.
Thật ra theo nhiều trang blog thì không có một mệnh lệnh chính thức nào trong các tờ báo trên khắp nước cấm đưa tin, viết bài về Văn Giang mà chỉ phát sinh từ lời của ông Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên đưa ra trước khi tiến hành lệnh cưỡng chế yêu cầu các nhà báo không được có mặt tại hiện trường để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Cơ quan không bảo vệ nhân viên?
Có lẽ hai nhà báo của VOV do cưỡng lại lời cảnh báo của Hưng Yên nên đã nhận hậu quả hết sức nặng nề trong suốt cuộc đời làm báo của mình. Hay là họ vẫn còn tin vào sự bảo vệ của cơ quan VOV và ngay cả Hội Nhà Báo Việt Nam, nơi có chức năng chính là bảo vệ và tranh đấu cho quyền lợi của nhà báo hội viên?
Trên báo Tuổi Trẻ lúc gần đây trong một bài phỏng vấn, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân cho biết là việc bảo vệ nhà báo của Hội Nhà Báo còn là vấn đề bảo vệ thông tin, mà khi đã bảo vệ thông tin thì sẽ bảo vệ nhiều thứ khác nữa.
Tuy nhiên không hiếm nhà báo Việt Nam không hề tin vào khả năng và chức trách của Hội Nhà Báo Việt Nam trong đó có nhà báo Trương Duy Nhất ông nói:
Tôi làm báo mấy chục năm mà tôi chưa bao giờ vào hội nhà báo bởi vì lâu nay nó có bảo vệ được gì cho nhà báo đâu! Đáng lý anh phải có tiếng nói đàng này ông phó chủ tịch thường trực hội nhà báo, trong khi trên mạng người ta đưa đầy hình ảnh có cả clip quay hai người bị đánh thì ông ấy ngồi ngữa mình bảo là đến nay cơ quan hội cũng chưa có thông tin gì về việc nhà báo bị đánh cả!
Chính quyền Hưng Yên tỏ ra rất bài bản trong việc bao che cho thuộc hạ của mình, ở đây là công an và nhân viên an ninh có tham gia vào việc đánh đập bôi nhọ hai nhà báo VOV. Ông Nguyễn Khắc Hòa, phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên đã ngang nhiên cho là video clip mang hình ảnh công an đánh người là do thế lực ngoại bang dàn dựng và cố tình bôi xấu hình ảnh của chế độ. Phản ứng với lời tuyên bố này nhà báo Phạm Đình Trọng cho biết:
Ông Nguyễn Khắc Hòa, phó chủ tịch nói rằng cái cảnh video clip nó đánh đập dân là do các thế lực thù địch, bọn phản động nước ngoài dựng lên để bôi nhọ nhà nước. Thì đây chính là cơ hội vạch ra sự dối trá của chính quyền Hưng Yên.
Tin mới nhất vào lúc 10 giờ sáng ngày 10 tháng 5 Đài Tiếng Nói Việt Nam đã chính thức đòi hỏi UBND tỉnh Hưng Yên phải có câu trả lời chính thức về vấn đề hai nhà báo của VOV bị đánh. Trong khi đó ông phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Khắc Hòa vẫn chưa một lời lên tiếng về những tuyên bố phản chính trị của ông. Hai nhà báo vẫn không nhận được bất cứ lời xin lỗi nào từ tỉnh Hưng Yên và người dân tin rằng chính sách im lặng của nhà nước cấp cao nhất lại sẽ được áp dụng như từ trước tới nay vốn vẫn thế.
Nhà báo Việt Nam trước nay vốn mang tiếng là công chức của nhà nước vậy mà họ vẫn không hề an toàn khi nhận lệnh công tác do thủ trưởng đưa ra. Hơn ai hết họ biết rằng không một lệnh nào có đủ uy lực chặn đứng sự lộng quyền của công an nhất là vào thời điểm này, khi mà người dân các tỉnh phía Bắc liên tiếp nổi lên chống lại các vụ cưỡng chế đất đai mà công an là thế lực chính bảo vệ cho các nhóm lợi ích đang đứng phía sau các vụ cưỡng chế đầy những dấu hỏi này.