THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 January 2012

Hàng chục chủ đầm nơm nớp lo bị cưỡng chế đất


Không riêng gia đình ông Đoàn Văn Vươn, kế hoạch thu hồi hàng trăm ha đất nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã được vạch ra. Tuy nhiên, sau vụ nổ súng 5/1 tiến trình này tạm ngừng trong nỗi thấp thỏm của chủ đầm.
Góc nhìn đối lập về chủ đầm tôm bị cưỡng chế'Quyết định thu hồi đất ở Hải Phòng là trái luật'

Khác với không khí nhộn nhịp thường thấy dịp giáp Tết, vùng bãi bồi ven cửa sông Văn Úc (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) năm nay nhuốm màu ảm đạm. Sau vụ cưỡng chế dẫn tới nổ súng ngày 5/1 tại đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, hàng chục chủ hộ nuôi trồng thủy sản cũng đứng ngồi không yên, tất cả đều đã nhận quyết định thu hồi đất của UBND huyện.

Ông Vũ Văn Luân, người cùng khởi kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cho biết, nếu không có việc "tày đình" xảy ra ở đầm ông Vươn, ngay chiều cùng ngày, đầm tôm của ông cũng bị cưỡng chế. Cả hai hộ này đều đã nhận quyết định cưỡng chế thu hồi đất và thời điểm thực hiện là ngày 5/1.

Khác với không khí nhộn nhịp giáp Tết thường thấy ở các vùng quê, những đầm tôm ở Vinh Quang (Tiên Lãng) vắng vẻ, ảm đạm. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Ngoài ra, trong danh sách thu hồi đất (chưa có quyết định cưỡng chế), có khoảng 20 chủ đầm, trong đó tập trung ở các xã Vinh Quang, Đông Hưng, Tây Hưng, như chủ đầm Lương Văn Trong, Hoàng Văn Tin, Vũ Văn Tụy, Lương Văn Ná, Vũ Tiến Dũng... Tổng diện tích thu hồi hàng trăm ha.

"Huyện định bắt đầu từ nhà anh Vươn và tôi. Nếu thuận lợi, họ sẽ tiếp tục thu hồi toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản của các hộ dân", ông Luân nói và cho biết thêm, từ sau vụ cưỡng chế dẫn tới nổ súng, huyện chưa có thông báo tiếp theo về việc cưỡng chế đầm tôm của ông.

Theo ông Lương Văn Trong, Phó chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thuỷ sản nước lợ huyện Tiên Lãng, trước đây khi làm ăn ổn định, một năm hộ của ông cũng thu được ít nhất vài trăm triệu đồng từ việc nuôi trồng thuỷ sản trên diện tích 30 ha đầm. "Lúc chưa nhận quyết định thu hồi, dịp gần Tết thế này có hàng chục người làm thuê, đánh bắt từ sáng đến tối. Còn bây gần như chả làm gì, hàng đêm tôi chỉ ra chòi trông coi đầm bãi", ông Trong nói, giọng rầu rĩ.

Theo ông, những cái "trát" đòi lại đất của UBND huyện bắt đầu đến vào năm 2004, lúc phong trào nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng vừa khấm khá được vài năm. Ở thời điểm này, các chủ đầm đã đầu tư ít thì vài trăm triệu, nhiều lên tới hàng tỷ để quai đê lấn biển, mở rộng đầm, trồng rừng chắn sóng mà chưa thu hồi được vốn. Kèm theo quyết định thu hồi đất của huyện là thông báo yêu cầu các chủ đầm dừng đầu tư vào đầm bãi.

"Từ khi nhận được thông báo dừng đầu tư, chúng tôi không dám tiếp tục đổ tiền vào đầm bãi vì huyện bảo thu hồi mà không đền bù. Những năm gần đây, các chủ đầm không dám nuôi trồng thủy sản mà chuyển qua chăn nuôi vịt, đánh bắt, khai thác theo kiểu được gì hay nấy...", ông Trong thở dài.

Ông Lương Văn Trong: "Chủ tịch huyện đình chỉ khiếu nại thì chúng tôi còn biết kêu ai". Ảnh: Nguyễn Hưng.

Thay mặt Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, ông Trong khẳng định, các quyết định thu hồi đất của huyện là "quá vô lý", bởi diện tích đầm bãi sau khi thu hồi vẫn được tiếp tục giữ nguyên mục đích chứ không chuyển đổi sang mục đích khác. Vốn liếng, công sức của người khai phá chưa thu lại được thì đã bị huyện định "lấy không".

Ông Phó chủ tịch Liên chi hội cho hay, ông cùng các hộ nằm trong diện bị thu hồi đã viết đơn nhưng nhiều năm liền huyện không xem xét giải quyết. Không những thế, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền còn ký các quyết định "đình chỉ giải quyết khiếu nại". "Chủ tịch huyện làm thế thì chúng tôi còn biết kêu ai", ông Trong than.

Trước nghi vấn việc cưỡng chế khu đầm của ông Vươn để giao cho một số người đã được "nhắm" trước, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh cho biết, hiện tại các hộ dân cứ bàn giao đất cho xã quản lý. Sau đó, các hộ làm đơn xin giao tiếp, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định có giao nữa hay không.

Theo các chủ đầm tôm ở xã Vinh Quang, phong trào nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tiên Lãng manh nha từ những năm 1970 nhưng chỉ thực sự phát triển khoảng cuối 1990. Đây là thời điểm những hộ tiên phong như Đoàn Văn Vươn, Lương Văn Trong, Vũ Văn Luân sau nhiều năm mò mẫm, thi gan với trời đất đã đứng trụ được trước thử thách khắc nghiệt của bão gió và bắt đầu gặt hái thành quả.

Nhiều gia đình tìm đến các hộ tiên phong học hỏi kinh nghiệm rồi xin huyện cho thuê đất. Vũng bãi bồi bỗng chốc trở nên nhộn nhịp với những đầm thủy sản trù phú rộng lớn. Không chỉ mang lại nguồn thu, rừng chắn sóng cùng những cánh đồng nuôi trồng thủy sản ngoài đê đã trở thành tấm lá chắn vững chắc, giúp người dân nơi đây không còn phải chạy đôn đáo mỗi khi bão về.

Phong trào làm kinh tế này đã làm thay đổi diện mạo cả vùng quê nghèo. Các chủ đầm đã thành lập Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng. Ông Đoàn Văn Vươn được bầu làm Chủ tịch Liên chi hội; ông Lương Văn Trong, phó chủ tịch; ông Vũ Văn Luân, thư ký. Trong tổ chức nghề này, ông Vươn, ông Trong, ông Luân là ba hội viên được đánh giá là xuất sắc về quy mô diện tích, mô hình sản xuất và luôn được các hộ đi sau tìm tới học hỏi.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường kiêm Tổng Cục trưởng Quản lý đất đai, cho biết Bộ và Tổng cục đã chủ động nắm thông tin về vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng. "Hải Phòng chưa có báo cáo lên Bộ nhưng quan điểm của Bộ là sai thì phải sửa, vi phạm thì phải xử lý", ông Hiển nói.

Nguyễn Hưng