"Lãnh đạo Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đã chỉ đạo vụ cưỡng chế đất nên phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và trả lời cơ quan chức năng liên quan", Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh cho biết. |
Cảnh sát trang bị vũ khí cưỡng chế ngôi nhà. Ảnh: NLĐ. |
Trả lời báo Người Lao động, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp Quốc hội khẳng định, do nhận thức không đầy đủ về luật pháp hoặc nghĩ dân không nắm được luật nên chính quyền đã làm ẩu, thu hồi đất sai luật. Trong vụ phá nhà ông Đoàn Văn Vươn, huyện Tiên Lãng phải bồi thường và làm rõ trách nhiệm người ra quyết định.
"Ngôi nhà của người phạm pháp là tài sản của bản thân họ và người thân thì càng không thể san bằng và chẳng pháp luật nào cho phép làm việc này. Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng đang gây xôn xao dư luận, nếu Hải Phòng không có hướng xử lý thỏa đáng có thể bị khiếu kiện", ông Thảo cho biết.
Theo ông Thảo, việc huyện Tiên Lãng sử dụng lực lượng vũ trang trong quá trình cưỡng chế cần được xem xét để làm rõ tại sao lại có quyết định này bởi pháp luật không cho phép dễ dãi trong việc sử dụng lực lượng vũ trang khi cưỡng chế.
Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.
Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tiến Dũng