(TNO) Ngày 2.12, tại Bình Dương, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã tổ chức phiên họp thứ 4, để đánh giá kết quả một năm thực hiện đề án "Bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020".
Dòng sông quá tải
Báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường sông Đồng Nai cho thấy dòng sông đang bị khai thác quá tải, khó kiểm soát, giá trị sử dụng suy thoái đáng kể.
Đặc biệt, lo ngại nhất là rừng đầu nguồn, đất, chất lượng nước, trữ lượng đa dạng sinh học và sự cố môi trường đang diễn biến xấu. Vấn đề ô nhiễm sông, ô nhiễm nước mặt tập trung chủ yếu dọc các đoạn sông chảy qua các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có hoạt động phát triển công nghiệp.
Theo kết quả quan trắc, nước sông đoạn qua Nhà máy nước Thiện Tân (Đồng Nai) đã bắt đầu ô nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng. Trên đoạn sông Sài Gòn, nước bắt đầu ô nhiễm hữu cơ và vi sinh từ khu vực cửa sông Thị Tính, tăng dần về hạ lưu.
Còn tại khu vực TP.HCM, do ô nhiễm hữu cơ nặng, hàm lượng BOD5, COD, vi sinh… đều không đạt quy chuẩn chất lượng nước mặt, dùng làm nguồn cấp nước cho mục đích sinh hoạt.
Theo Tổng cục Môi trường, giá trị đo các thông số đặc trưng ô nhiễm hữu cơ tại các cửa sông vượt QCVN 08, mức A1; tại khu vực cảng Gò Dầu, Phú Mỹ, Cái Mép vượt mức B1. Tại các điểm giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh khác (cầu Phú Long, An Hạ), chất lượng nước đã bị ô nhiễm các thông số BOD5, COD vượt QCVN 08 cho mục đích sinh hoạt.
Bỏ qua lợi ích cục bộ để "cứu" sông Đồng Nai
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai, cho biết năm qua 11 tỉnh, thành trong hệ thống lưu vực đã tăng cường xử lý các cơ sở có nguồn thải gây ô nhiễm và ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Tại TP.HCM đã xử phạt 364 đơn vị vi phạm hành chính về môi trường với số tiền 3,8 tỉ đồng.
Đồng thời, Ủy ban đã kiến nghị Chính phủ không phát triển thêm thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai, bởi hiện nay các công trình thủy lợi, thủy điện đang tác động tiêu cực đến môi trường và điều kiện tự nhiên.
Còn đại tá Phan Hữu Vinh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường bức xúc trước tình trạng khai thác cát, khai thác khoáng sản trên hệ thống sông một cách tràn lan, nhưng các địa phương có nơi kiên quyết dẹp bỏ, có nơi lại lơ là dẫn đến xói lở, ô nhiễm, thay đổi dòng chảy và tác động xấu đến hạ lưu.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng vấn đề ô nhiễm sông Đồng Nai chỉ giải quyết được khi các tỉnh thực hiện tốt kế hoạch điều phối liên vùng, và từng tỉnh bỏ qua lợi ích cục bộ, đồng loạt đẩy mạnh thanh, kiểm tra.
Kim Cương