THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 December 2011

Ai sẽ chịu trách nhiệm về Hổ, Sao la, Voi?


03/12/2011 11:06:10
 - "Khi một cá thể quý hiếm được bảo vệ đặc biệt (nó là một tài nguyên quý giá của đất nước) bị hủy hoại thì những người đứng đầu quản lý phải chịu trách nhiệm. Không thể quy trách nhiệm chung chung như hiện nay".

Giáo sư, TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Ban chấp hành TW Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam; Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam nhắc tới câu chuyện tê giác một cách chua xót. Ông lo lắng, rồi Hổ, Sao La, Voi sẽ là những loài chịu chung số phận.

Không có lý gì sừng tê giác giá hàng tỷ đồng/kg

Vừa rồi, tờ Guardian (Anh) đã nói thẳng, nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng tê giác Java tại việt Nam là do tin đồn về việc sừng cá thể này chữa bách bệnh, thậm chí chữa ung thư. Điều này chúng ta cũng đã nói đến khá lâu rồi. Nhưng chúng ta vẫn để điều đó xảy ra.

Thật đau xót khi nhận ra rằng, cùng với sự phát triển kinh tế, Việt Nam cũng là thị trường tiêu thụ lớn những sản phẩm từ động vật hoang dã. Phải nghĩ sao khi một số địa phương khi có khách, muốn thể hiện sự hiếu khách bằng việc tiếp đãi những món ngon vật lạ. Và họ dẫn nhau vào những nhà hàng đặc sản, ăn những thứ động vật hoang dã. Những người khách, lẽ ra có thể  từ chối nhưng thường thì không làm vậy. Để "hài hòa" với chủ nhà. Chính sự "hài hòa" đó phá hủy sự hài hòa thật sự của thiên nhiên, của cuộc sống các loài động vật quý hiếm, rồi sẽ gây nên sự hủy hoại chính cuộc sống của chúng ta.


Giáo sư Đặng Đình Huỳnh: Sử dụng những sản phẩm từ động vật hoang dã là hành động đáng phê phán.
Giáo sư Đặng Đình Huỳnh: Sử dụng những sản phẩm từ động vật hoang dã là hành động đáng phê phán.
 

Rồi từ những hành động như vậy, dẫn tới, chuyện mừng nhau những món đồ được coi là giá trị từ động vật hoang dã cũng dần trở thành... không quá đáng lạ. Người ta biếu nhau mật gấu, cao hổ, sừng tê giác..., thậm chí coi đó là những món quà quý. Không biết phải ngạc nhiên hay đau đớn khi biết,  mỗi kg sừng tê giác có giá cả tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN
Thường đắt người ta nghĩ là sang. Chính suy nghĩ sai lệch đó đã khiến cho những người có tiền bằng mọi giá kiếm được những sản phẩm đó. Cũng chính suy nghĩ sai lệch đó lại đẩy giá của các sản phẩm từ những loài quý hiếm tăng lên. Kết quả là, người giàu dùng nó... càng thấy sang. Còn kẻ săn trộm sẽ "đáp ứng nhu cầu" bằng mọi giá. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, tê giác mới chỉ là loài đầu tiên.

Tiếp theo sẽ là Hổ, Sao La hay Voi?

Hiện nay đáng lo nhất là Hổ, Sao la và Voi. Số cá thể của các loài này đang ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Theo nghiên cứu mới đây, loài Sao la đang đối diện với nguy cơ suy giảm nghiêm trọng về số cá thể. Loài này phát hiện năm 1992, tại một số khu vực của Hà Tĩnh.Khi phát hiện số lượng khoảng mấy trăm con nhưng đến hiện nay theo khảo sát chỉ còn khoảng 200 cá thể phân bố rải rác. 

Hổ Việt Nam trước đây nhiều, phân bố rộng rãi tại các tỉnh có rừng. Hiện theo các tổ chức về động vật hoang dã, ước tính còn lại chỉ còn 30-50 cá thể. Khả năng tuyệt chủng cao. Nếu không có biện pháp quyết liệt có thể loài hổ ở nước ta cũng sẽ biến mất trong thời gian không xa.

 Những mảnh xương còn sót lại của con tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam. Ảnh AP
Những mảnh xương còn sót lại của con tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam. Ảnh AP

Câu chuyên của Voi chúng ta đã được nghe  nói rất nhiều. Voi rừng rất hiếm, số lượng voi rừng dưới 100 cá thể. Voi nhà trước 500-600 con hiện nay ở Tây Nguyên, số lượng trên dưới 100 cá thể. Nhà sử học, Đại biểu Dương Trung Quốc đã phải đau xót phát biếu trước Quốc hôi, chẳng  lẽ, sau này muốn dựng lại hình tượng Hai Bà Trưng sẽ phải đi mượn voi từ nước khác. 

Chúng ta phải hành động ngay. Trước đây, chúng ta quá chú trọng đến công tác bảo vệ, ngăn chặn săn bắt trộm mà không quan tâm đầy đủ đến thói quen, đến những hành vi tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Muốn làm tốt việc bảo vệ các loài này, công tác tuyên truyền là quan trọng.

Giả sử, yêu cầu Đảng viên, cán bộ phải là người đi đầu, coi việc không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã như là một tiêu chí để đánh giá cán bộ đảng viên trong thi đua trong công tác.

Quan trọng hơn, cần quy rõ trách nhiệm, khi một cá thể quý hiếm được bảo vệ đặc biệt (nó là một tài nguyên quý giá của đất nước) bị hủy hoại thì những người đứng đầu quản lý phải chịu trách nhiệm. Không thể quy trách nhiệm chung chung như hiện nay.

Bên cạnh đó chúng ta cũng cần nghiên cứu thành lập các khu vực nuôi động vật hoang dã bán tự nhiên để tạo ra các sản phẩm cung ứng cho các nhu cầu cần thiết, từ đó giảm áp lực việc săn bắt trộm động vật hoang dã. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này.


Cần nghiên cứu và khảo sát kỹ trước khi công bố sự tuyệt chủng của tê giác Java tại Việt Nam

Cho dù Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tuyên bố tê giác một sừng đã bị tuyệt chủng tại Việt Nam, song GS Đặng Huy Huỳnh cho rằng, cần có một nghiên cứu, khảo sát toàn diện hơn trước khi khẳng định điều này.

Theo nguyên tắc, để công bố một loài tuyệt chủng phải kiểm tra trong vòng 10 năm mà không hề thấy một dấu vết nào liên quan đến các cá thể đó. Lúc đó mới tuyên bố đã tuyệt chủng. Tôi đề nghị nghiên cứu, tìm kiếm khi đảm bảo rằng không còn cá thể tê giác Java nào trên lãnh thổ Việt Nam nữa khi đó các cơ quan chức năng nước ta mới công bố tê giác Java đã tuyệt chủng.

Hiện trên sông Đồng Nai đang triển khai nhiều thủy điện quy mô lớn, cũng có thể việc xây dựng thủy điện ảnh hưởng đến sinh cảnh vùng này các cá thể tê giác có thể tìm chỗ ổn định hơn. Chúng ta cần mở rộng địa bàn nghiên cứu, khảo sát. Giáo sư Huỳnh chia sẻ thêm.
 
GS Đặng Huy  Huỳnh