THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 November 2013

“Chôn sống” thủy điện


Thứ Hai, 18/11/2013 22:34

Dù đóng tại tỉnh Bình Định nhưng thủy điện An Khê đã xả lũ với lưu lượng lớn xuống sông Ba, tiếp tay cho cơn lũ dữ gây thiệt hại nặng nề ở Gia Lai

Ngày 18-11, tại Nhà máy Thủy điện An Khê (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), hơn 200 công nhân cùng hàng chục xe tải, xe múc dọn cát từ bên trong nhà máy đến mương dẫn nước. Trong khi đó, một nhóm công nhân khác tháo dỡ các thiết bị máy móc bị bùn vùi lấp.
Thủy điện cũng trả giá
Theo ghi nhận của chúng tôi, kênh dẫn nước sau chạy máy để đưa nước ra suối Cát (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) giờ đã bị cát lấp đầy. Nhiều nhóm công nhân cùng thiết bị máy móc cố nạo vét để khơi thông kênh. Cũng trên đoạn kênh này, nhiều chỗ bị lũ xé toạc, nước từ trên núi chảy thành suối xuống. Bên ngoài và trong nhà máy, bùn cát ngập đến đầu gối. Trên sườn núi cao, nước lũ xé thành những con suối nhỏ dọc 2 bên ống dẫn nước chạy máy phát điện, lổn ngổn đất đá.
Bùn cát sau khi ngập tràn Nhà máy Thủy điện An Khê đã đổ xuống đầy kênh dẫn nước
Ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng Phòng Tổ chức Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak, cho biết sự cố xảy ra từ 14-16 giờ ngày 15-11. “Mưa to, nước từ trên núi An Khê đổ xuống, cuốn trôi đất cát đổ ập xuống nhà máy. May mắn, tất cả công nhân trực nhà máy đã kịp thoát lên tầng trên nên không có thiệt hại về người” - ông Cương kể.
Bùn cát theo nước lũ đổ tràn từ bên ngoài vào trong nhà máy gây ngập cả 2 tổ máy đặt dưới tầng 1. Theo ông Cương, sau lưng nhà máy là vách núi cao dễ xảy ra tình trạng sạt lở. Khi nhà máy lắp đặt thiết bị năm 2009 đã xảy ra tình trạng sạt lở núi nhưng không nghiêm trọng. Công ty đã phải xây 4 kè đá chặn nước trên sườn núi nhưng đợt lũ vừa qua đã cuốn phăng cả 4 kè này, đổ cả xuống nhà máy.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cử đoàn công tác cùng các chuyên gia vào nhà máy tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, hiện trường vẫn đang ngổn ngang. Hai tổ máy phát điện vẫn trong quá trình tháo gỡ để rửa và sấy khô vì bùn cát lấp đầy.
“Hiện chúng tôi chưa thể tính được thiệt hại bao nhiêu. Chúng tôi đang tập trung khắc phục, sớm nhất phải 1 tháng nữa mới xong” - ông Cương nói.
Xả lũ bất ngờ
Sau khi gặp sự cố, do không thể chạy máy, Nhà máy Thủy điện An Khê đã cho đóng các cửa nhận nước. Nước lũ về hồ ồ ạt trong khi xả nước chạy máy không được, thủy điện này đã cho xả lũ ở cả 2 hồ chứa là An Khê và Ka Nak (thuộc tỉnh Gia Lai, phục vụ cho việc chạy máy phát điện của thủy điện An Khê) với lưu lượng lớn. Lưu lượng xả lũ của nhà máy vào trưa 15-11 đạt trên 1.500 m3/giây. Đến chiều cùng ngày, mức xả lũ nâng lên trên 2.800 m3/giây.
Mưa lớn cùng với thủy điện xả lũ đã gây ngập nặng tại thị xã An Khê, huyện Kbang và huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Hai cô giáo ở huyện Kbang bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi dạy trong ngày này. Tại thị xã An Khê, lần đầu tiên trong lịch sử, nước ngập qua cầu Sông Ba đến 1 m. Ông Nguyễn Minh Vương, ở phường An Phước, vừa thuê mảnh đất sau nhà để làm trang trại nuôi 1.000 con gà. Trong đợt lũ vừa qua, không chỉ tất cả số gà và chuồng trại bị cuốn trôi mà cả căn nhà ở cũng sập, ông trắng tay.
“Năm nay tôi 76 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở đây, tôi chưa bao giờ thấy trận lũ nào kinh hoàng như thế. Lũ vừa lớn vừa lên nhanh. Nếu thủy điện không xả lũ thì đâu nên nỗi. Nhưng tôi ức nhất là họ xả lũ mà không thông báo làm người dân không kịp trở tay” - bà Văn Thị Kim Long, sống cạnh nhà ông Vương, bức xúc.
Ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, gọi trận lũ vừa qua là trận lũ lịch sử mà nguyên nhân chính là thủy điện An Khê xả nước. Đã có trên 150 ngôi nhà ở thị xã An Khê bị ngập sâu trong nước, hàng đàn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi vì người dân không kịp trở tay. Theo quy trình xả lũ, thủy điện phải thông báo trước 2 giờ và dự báo lưu lượng xả nhưng do UBND xã chỉ nhận được điện thoại trước mấy phút nên cả chính quyền lẫn người dân đều bị động. Chủ tịch thị xã An Khê khẳng định ông chỉ biết thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn nhất là 2.400 m3/giây chứ không phải ở mức 2.800 m3/giây như ông Cương nói.
Đến chiều 18-11, hồ An Khê vẫn tiếp tục xả lũ với lưu lượng 120 m3/giây.
Bưng bít thông tin
Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở gây vùi lấp thủy điện An Khê. Nhân viên bảo vệ nhà máy này chặn ngay bất cứ người lạ nào ra vào từ xa. Thuyết phục không xong, chúng tôi đành “vượt rào” nhưng cũng phải dừng lại ở cửa ra vào nhà máy. Nhân viên ở đây một mực ngăn cản với lý do “an toàn thiết bị”.
Dù Nhà máy Thủy điện An Khê chịu thiệt hại nặng do sạt lở núi nhưng trong tất cả báo cáo về thiệt hại do cơn lũ vừa qua từ ngày 15 đến 18-11 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định lại không hề đề cập. Ông Nguyễn Văn Cương cho biết: “Chúng tôi không muốn thông tin về sự cố này”.
 
Bài và ảnh: HỒNG ÁNH