THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 November 2013

Lợi nhuận nhiều ngân hàng THÊ THẢM, nợ xấu tăng đột biến


Nhiều ngân hàng báo lợi nhuận sụt giảm mạnh, trong khi nợ xấu tăng mạnh trong 9 tháng.
Lợi nhuận nhiều ngân hàng “thê thảm”, nợ xấu tăng đột biến
Tỷ lệ nợ xấu đến 30/9/2013 theo báo cáo hợp nhất.

Lợi nhuận có phần đuối

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của 14 ngân hàng thương mại cổ phần được BizLIVE chọn so sánh, gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, ACB, Sacombank, Eximbank, MB, VPBank, DongABank, Techcombank, SaigonBank, Southern Bank, Oceanbank, tổng tài sản của 14 nhà băng này đạt 2,774 triệu tỷ đồng, chiếm 51,7% tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (5,367 triệu tỷ đồng – theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến 30/9/2013).
BIDV, Vietinbank và Vietcombank là ba ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong số 14 ngân hàng trên. Riêng SaigonBank có tài sản thấp nhất ở mức 14.702 tỷ đồng, nhưng hiệu quả kinh doanh lại khá tốt so với các nhà băng khác.


Tổng tài sản của các nhà băng (tỷ đồng) theo báo cáo tài chính hợp nhất.

Trong quý III/2013, tổng lợi nhuận trước thuế của 14 nhà băng này đạt 9.159,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đạt 25.910 tỷ đồng, thấp hơn mức 26.826 tỷ đồng của 9 tháng năm 2012 (không bao gồm mức lỗ 1.105 tỷ đồng của SHB).
Trong số 14 nhà băng nêu trên, SHB là ngân hàng có chuyển biến ngoạn mục khi có lãi 474 tỷ đồng, từ mức lỗ hơn 1.100 tỷ đồng của 9 tháng năm 2012. Các nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận gồm có BIDV, Vietinbank, ACB, Sacombank và Saingonbank.
Ngược lại, Vietcombank, Eximbank, VPBank, DongABank, MB, Techcombank, Southern Bank, Oceanbank thì lợi nhuận lại giảm, thậm chí giảm thê thảm như trường hợp của Techcombank.
Có thể thấy, lợi nhuận 9 tháng năm nay của nhiều ngân hàng tuy có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên con số chung vẫn tốt so với bối cảnh chung của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là không có ngân hàng nào báo lỗ.


Lợi nhuận trước thuế hợp nhất (tỷ đồng) quý III/2013, 9 tháng năm 2013 và 9 tháng năm 2012.

Nợ xấu tăng mạnh

Về nợ xấu, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng cuối tháng 9/2013 là 4,62%, giảm nhẹ so với mức 4,64% tính đến cuối tháng 8/2013 (tương đương 152.655 tỷ đồng nợ xấu).
Trong khi đó, số liệu đến 30/9/2013 của 14 ngân hàng trên (chiếm hơn 51% tổng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng) chỉ có 49.526 tỷ đồng nợ xấu. So với nợ xấu tại thời điểm 31/12/2012 của 14 ngân hàng mới chỉ 38.739 tỷ đồng, thì nợ xấu của họ 9 tháng đầu năm đã tăng thêm 10.787 tỷ đồng, tương đương 27,8% – một con số đáng báo động.
Như vậy, số liệu nợ xấu của 14 ngân hàng trên công bố chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng! Có lần Ngân hàng Nhà nước từng lý giải, con số nợ xấu do các tổ chức tín dụng công bố thường thấp hơn con số Ngân hàng Nhà nước đưa ra.


Tỷ lệ nợ xấu đến 30/9/2013 theo báo cáo hợp nhất.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng của 14 ngân hàng trên đa số đều thấp, chỉ có SHB, OceanBank, Techcombank, SaigonBank, Southern Bank công bố tỷ lệ nợ xấu khá cao, từ 3,72% đến 7,74%. Đây là những con số khiến các nhà băng này buộc phải bán nợ xấu cho công ty xử lý nợ xấu VAMC.
Mới đây, tờ VnEconomy dẫn nguồn từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu không thực hiện Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và không xử lý bằng dự phòng rủi ro trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, thì nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2013 lên tới 12,7%, chứ không phải con số 4,62% nữa.
Điều này cho thấy nợ xấu của nhiều ngân hàng hết sức phức tạp, nhất là tình trạng nợ xấu đang có xu hướng tăng ở nhiều ngân hàng.


Nợ xấu theo báo cáo hợp nhất của các ngân hàng.

Việc xác định đúng, đủ nợ xấu là điều quan trọng giúp bảng cân đối tài sản của các ngân hàng dần tốt lên. Còn nếu nhà băng nào tiếp tục “cơ cấu” nợ xấu, hay dùng thủ thuật kế toán để đưa ra con số nợ xấu không chính xác, thì về lâu dài sẽ khiến tình hình tài chính ở những ngân hàng không minh bạch sẽ tệ hại hơn.
THEO BIZLIVE