Trừ một số ngành như toán, lý vật liệu thì cái gọi là "công trình khoa học" ở Việt Nam đều ở mức tầm tầm, ít có đóng góp khoa học, chưa phản ánh bản chất sự vật, quy luật vận động và phát triển của sự vật.
> Khoa học Việt ít bài đăng trên tạp chí quốc tế
Đó là ý kiến của độc giả Trantrang trong diễn đàn "Vì sao các nhà khoa học làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài":
Khoa học là lĩnh vực tri thức về bản chất, quy luật vận động và phát triển của sự vật (cả tự nhiên và xã hội). Nghiên cứu khoa học là nghiên cứu bản chất của sự vật, quy luật vận động và phát triển của sự vật ấy. Kết quả nghiên cứu khoa học là phát hiện ra bản chất của sự vật, quy luật vận động và phát triển của sự vật đó.
Với nội dung như vậy, thì các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học (cả tự nhiên và xã hội) ở Việt Nam liệu đã có các kết quả khoa học xứng tầm để công bố quốc tế chưa? Tôi thấy, trừ một số ngành như toán, lý vật liệu, sinh học, khảo cổ, thì các cái được gọi là "công trình khoa học" đều ở mức tầm tầm, ít có đóng góp khoa học, tức là không phản ánh tri thức về bản chất sự vật, quy luật vận động và phát triển của sự vật.
Những năm gần đây, hội chứng "tiến sĩ kinh tế" cho thấy sự tụt lùi về khoa học kinh tế ở Việt Nam. Ai cũng có thể trở thành “tiến sĩ kinh tế” ở Việt Nam mà chẳng có đóng góp gì về khoa học kinh tế cả.
Các luận án kinh tế đó quanh đi quẩn lại chỉ là mô tả thực trạng, kinh nghiệm thế giới, rồi đề ra vài cái kiến nghị sao chép, nhưng "hot", thế là có cái bằng "tiến sĩ kinh tế". Nhiều quan đương chức, chẳng nghiên cứu khoa học một ngày nào, chẳng có công trình hay đóng góp khoa học nào, nhờ cấp dưới viết hộ ba bài báo ít chất lượng, đăng trên các tập chí của bộ, ngành rồi đủ điểm "công trình" đi "bảo vệ luận án" mà trước đó đã có "nhời" xin các thầy hội đồng "thông cảm", đánh giá "nỗ lực nghiên cứu" của nghiên cứu sinh là chính, chứ đừng nhìn vào kết quả nghiên cứu mà phê phán, so đo.
Nhiều ngành khoa học xã hội khác cũng vậy thì lấy đâu ra kết quả khoa học khả dĩ mà công bố với các nước khác. Chuyện yếu về ngôn ngữ không hẳn là một rào cản để công bố nghiên cứu. Nếu có kết quả khoa học tốt, cản trở về ngôn ngữ không phải là ghê gớm.
Điều cốt yếu, Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu khoa học đúng nghĩa, còn trong khoa học xã hội thì mới chỉ là nghiên cứu kiểu "mô tả", chưa vạch được bản chất sự vật hay quy luật vận động và phát triển của sự vật đó. Do đó, cái gọi là kết quả nghiên cứu ấy chưa thể đủ tầm công bố quốc tế.
Trantrang