Lê Thiên (Danlambao) - Vào thời Hội nghị Paris (1968-1973), mỗi lần rời Hà Nội đi Paris, cả Lê Đức Thọ lẫn các quan chức CSVN cao cấp khác đều đi bằng máy bay Liên Xô, phải ghé Bắc Kinh, và phải dừng chân ở Mạc Tư Khoa để nhận chỉ thị của Trung Cộng và Liên Xô trước. Họ phải tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của hai anh cả vĩ đại CS quốc tế này. Trên thực tế, các vấn đề ở Hội nghị Paris không do Bắc Việt hay công cụ của họ ở Miền Nam quyết định mà do Trung Cộng lẫn Liên Xô trao đổi và đồng ý với Mỹ trước trong những cuộc “có qua có lại” giữa họ với Mỹ mà Henry Kissinger con thoi.
Sự lệ thuộc của CSVN đối với Nga-Tàu như vậy đã rõ. Thế nên, chúng ta không ai ngạc nhiên khi nghe Lê Duẩn (Tổng Bí Thư Đảng CSVN) công khai tuyên bố: “Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!” mà chính cựu Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Mạnh Cầm xác nhận nguyên văn trong khi trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam vào tháng đầu năm 2013 này. (BBC trích dẫn ngày 24/01/2013).
Đỉnh cao của nền ngoại giao?
Trước lời thú nhận của Lê Duẩn như trên cũng như việc làm của Phạm Văn Đồng qua Công hàm năm 1958, lẽ ra với quốc dân Việt Nam, CSVN phải cúi đầu nhận tội bán nước, nhưng ngược lại đến nay bộ máy tuyên truyền của CSVN vẫn huênh hoang về thành tích “bách chiến bách thắng”, về “đỉnh cao trí tuệ” của đảng ta. Bài viết của VnExpress ngày 5/1/2013 với nhan đề“Hiệp định Paris, đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam” là bằng chứng.
Đỉnh cao ấy là gì? Truyền thông không phò đảng trong nước mấy hôm nay đã thẳng thắn chỉ ra những lời lẽ tâng bốc tô hồng láo xược của tập đoàn CS Hà Nội. Đến cả người trong cuộc, như cựu Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Mạnh Cầm, khi trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam (thuộc hệ thống Vietnamnet), cũng phát biểu toạc móng heo rằng: "Tâm thức nô dịch và bá quyền, chinh phục và triều cống nhiều khi vẫn lấn lướt, tư duy 'một mất một còn' vẫn nổi trội trong các mối bang giao".
Nguyễn Mạnh Cầm có lẽ ngại vạch mặt chỉ tên ai nô dịch ai, ai triều cống ai, ai bá quyền, aikẻ chinh phục! nhưng toàn thể nhân dân Việt Nam đều chắc chắn cái tâm thức “nô dịch” và “triều cống” ấy đích thị là của CSVN chứ không là của ai khác: “Nô dịch” đối với “bá quyền”Trung Quốc và “triều cống kẻ chinh phục” là Hán triều, giặc xâm lăng từ phương bắc. Có khác là khác ở chỗ ngày xưa vua nước ta nếu có phải triều cống thì chỉ triều cống ít vàng bạc hay ít món ngà voi, ngọc trai, còn ngày nay CSVN triều cống cả đất liền, hải đảo và mặt biển.
Chuyện tiếu lâm đỉnh cao Lê Đức Thọ
Trở lại chuyện đỉnh cao. Chưa bàn đến những “đỉnh cao” của trí tuệ cộng sản mà CSVN luôn khoe khoang là kỳ vĩ nhất, chỉ xin nêu ra một chuyện tiếu lâm nhỏ về những cái bắt tay giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ mà người CSVN cũng hãnh diện cho đó cái “đỉnh cao của nền ngoại giao” CSVN.
Suốt thời gian diễn ra “hòa đàm” Paris (1968-1973), Kissinger và Lê Đức Thọ có nhiều cuộc đi đêm, và đương nhiên cũng không có ít những cái bắt tay mà ai cũng biết là những cái bắt tay... ngoại giao. Ấy vậy mà sau khi CSVN cướp đoạt Miền Nam VN bằng thủ đoạn gian trá vi phạm Hiệp định Paris, hàng hàng lớp lớp cán bộ CSVN từ miền Bắc được tung rải vào khắp hang cùng ngõ hẻm Miền Nam để tuyên truyền “đỉnh cao nghệ thuật ngoại giao của thiên tài ngoại giao đảng ta”.
Chẳng hạn, tuyên truyền về tài nghệ ngoại giao “xuất chúng” của Lê Đức Thọ khi đối diện với Henry Kissinger, loa tuyên truyền rêu rao rằng mỗi lần gặp Kissinger, vì “nhu cầu chính trị” Lê Đức Thọ không thể không bắt tay “thằng đế quốc Mỹ dơ bẩn” này khi hắn “chủ động chìa tay ra trước”. Thế nhưng có lần “đồng chí cố vấn tối cao của đảng ta tại Hội nghị Paris” đã tỏ rõ thiên tài nghệ thuật ngoại giao đỉnh cao trí tuệ của mình: Vừa bắt tay Kissinger xong, đồng chí cố vấn Lê Đức Thọ đã “nhanh trí rút ra chiếc khăn tay từ túi quần, lau sạch bàn tay, rồi thản nhiên nhét chiếc khăn tay vào túi quần trước mũi Kissinger”.
Vào thời đó, cán bộ CSVN nói năng quàng xiên thế nào cũng mặc, dân Miền Nam ai mở miệng phản đối hay nói ngược lại ắt không khỏi bị chụp mũ phản động và bị tống vào tù “cải tạo mút mùa” thậm chí có thể bị cho đi “mò tôm”. Vậy mà một hôm, giữa buổi học tập chính sách ở một địa phương, có một cậu thanh niên miền Nam xem ra khá ngổ ngáo, coi trời bằng cái vung, đã nhanh miệng lên tiếng: “Xin lỗi, dường như ông cán bộ nghe nói hay đọc báo mới chỉ hai phần ba câu chuyện, chưa đọc hay nghe hết đoạn kết”.
Tên cán bộ tuyên truyền: “Sao mà anh đần thế? Câu chuyện tới đó ai cũng hiểu đã nói lên cái gì rồi!” Cậu thanh niên nhẹ nhàng: “Cái thằng Mỹ Kissinger nó ngốc lắm, đâu có hiểu thấu cái thâm của ông Lê Đức Thọ! Trước mấy chục ống kính quay phim chụp hình, Kissinger im lặng, rút ra cái khăn tay mới toanh từ túi quần y, lau đi lau lại bàn tay phải của y, rồi vứt mẹ cái khăn tay ấy vào thùng rác gần đó”!
Tên cán bộ tuyên truyền sượng chín mặt trong khi dân chúng thì vỗ tay tán thưởng. Nhưng cậu thanh niên chưa chịu ngừng. Anh hỏi tên cán bộ: “Cán bộ có thấy người đàn bà đứng gần đó là ai không? Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam tức Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam ấy. Bà ta nhìn theo cái khăn trong thùng rác có vẻ thèm thuồng rồi lầm bầm gì đó chẳng ai nghe, nhưng ai cũng biết là bà từ trong bưng (rừng) mới ra! Bà ấy tiếc hùi hụi cái khăn tay ấy”. Không ai biết số phận cậu thanh niên sau đó ra sao, chỉ biết là từ đó dân Miền Nam không còn nghe câu chuyện tiếu lâm ấy nữa!
Đỉnh cao nghệ thuật vừa đánh vừa đàm
Liên quan tới Hiệp định Paris, truyền thông CSVN và báo chí phò đảng đồng ca bài ca đỉnh cao trí tuệ vừa đánh vừa đàm. Tạp chí Cộng sản Điện tử (TCCSĐT) ngày 26/1/2013 khoe thành tích “vừa đánh, vừa đàm”: “‘Vừa đánh, vừa đàm’ là một phương pháp cách mạng, một biện pháp chiến lược đầy sáng tạo... kết hợp chặt chẽ đấu tranh, quân sự, chính trị, ngoại giao, vừa kiên quyết, vừa khôn khéo...”
Khôn khéo lắm đến độ người thành cáo! Bản chất “khôn khéo” của chồn cáo theo như lời tự khoe CSVN rõ ràng là bằng chứng thiết thực cho thấy cái gian manh độc ác của Cộng sản không phải chỉ với kẻ thù của họ mà còn cả với thành phần thanh thiếu niên Miền Bắc do CS thống trị. Độc ác ở chỗ nào? Ở chỗ lùa đẩy thanh thiếu niên Miền Bắc xâm nhập vào Nam để chết cho Cộng sản sống, tiếp tục gây ác! Chứ không chỉ đơn thuần tiêu diệt tuổi trẻ Miền Nam mà thôi! Nhằm phục vụ bành trướng của mộng bá quyền Cộng sản Nga-Tàu!
Thành cổ Quảng Trị 1972 (1): Bằng chứng đỉnh cao.
Vụ lãnh đạo CSVN miền Bắc xua hàng vạn thanh thiếu niên Miền Bắc vào chết thay cho họ ở cổ thành Quảng Trị Mùa Hè Đỏ lửa 1972 là bằng chứng cụ thể.
Theo Huy Đức trong “Bên Thắng Cuộc” do BBC trích dẫn (2), thì “những người chỉ huy chiến dịch Quảng Trị chịu rất nhiều áp lực từ các cuộc Hội đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ.”
Một tướng CS Bắc Việt, tướng Lê Hữu Đức thừa nhận: “Cố đánh Quảng Trị là do nhu cầu đàm phán.”
Một tướng khác cũng của Bắc Việt, người chỉ huy chiến dịch Quảng Trị, tướng Lê Phi Long đã phải kêu lên: “Ông Lê Đức Thọ không hiểu bằng con đường nào, thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Kỳ quặc! Chúng tôi, cơ quan tham mưu, không đồng tình với cách làm này nhưng không biết than thở với ai”.
Cuộc tiến công đánh chiếm Quảng Trị của CS Bắc Việt đã đưa đến hậu quả là gây chết chóc cho ít nhất là 2 vạn sinh linh, đa số là người dân hiền lành chất phác chỉ biết lam lũ làm ăn sinh sống.
Còn binh lính phía Cộng sản thì sao? “Mỗi ngày, quân miền Bắc trung bình mất một đại đội. Đến đêm 16-9-1972, một bộ phận nhỏ còn lại buộc phải rút khỏi thành cổ, sau 81 ngày đêm khốc liệt,” Huy Đức ghi nhận.
Tướng Lê Phi Long kể: “Sáng 17-9, Cục Tác chiến mới nhận được điện báo ‘Thành Cổ mất tối hôm qua’. Trong khi đó thì trên phòng họp, Quân ủy Trung ương vẫn đang bàn về ‘phối hợp đấu tranh quân sự chính trị và ngoại giao’ thông qua mặt trận Quảng Trị. Dự họp có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu và các vị trong thường trực Quân ủy. Lúc này Lê Đức Thọ đã có mặt ở Paris để hội đàm với Kissinger.”
Tới đây, người viết không thể nào bỏ qua những lời tâm sự não nề của tướng CS Bắc Việt Lê Phi Long mà Huy Đức đã ghi lại trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2008, nói lên sự thật phũ phàng về sự tàn nhẫn cực độ của bọn chóp bu CSVN chẳng những đối với Miền Nam VN mà còn đối với cả những con người thuộc về phía họ:
“Lực lượng chiếm giữ Thành Cổ khi đó nói là có mấy tiểu đoàn nhưng trên thực tế chỉ còn phiên hiệu, mỗi tiểu đoàn chỉ còn ba bốn chục người. Việc bổ sung quân số tiếp tế qua sông hết sức khó khăn. Nhiều sinh viên đã phải rời giảng đường để nhập ngũ. Nhiều tân binh chưa gặp mặt người chỉ huy đã ngã xuống. Nhiều cán bộ chỉ huy ngày đêm vất vả, râu tóc mọc kín mặt mà không có thời gian cắt cạo. Trong hầm phẫu ở ngay dinh Tỉnh Trưởng cũ thường xuyên có trên dưới 200 thương binh, sặc mùi hôi thối. Các lực lượng trong Thành Cổ thì chiến đấu một cách tuyệt vọng, còn các đơn vị ở các hướng khác, tuy có cố gắng đánh vào cạnh sườn để hỗ trợ cho lực lượng ở trong Thành nhưng cũng không tạo được hiệu quả.”
“Chiến dịch Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, có thể nói là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần nghĩ lại tôi rất đau lòng. Ta đã tung hết lực lượng, đã kiệt quệ. Có lúc tôi đã phải điều học viên trường Lục Quân về gần thủ đô lập một lữ đoàn để bảo vệ Trung ương, vì hết cả quân.”
Đấy! Chiến thuật thí quân, chiến thuật biển người của Mao Trạch Đông!
Về việc ai phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đối với thất bại của chiến dịch Quảng Trị và hàng vạn cái chết vô nghĩa năm 1972, ông Long thắc mắc “Mãi đến bây giờ (2008), tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn chưa hiểu vì sao ta phải cố thủ thành cổ với một giá đắt như vậy, ai chủ trương, ai chịu trách nhiệm trước lịch sử? Có cán bộ cấp trên giải thích rằng do yêu cầu của đấu tranh ngoại giao, cần giữ vững thành cổ để phối hợp với cuộc đàm phán tại hội nghị Paris!!!”
Những “tâm sự” trên đây bạch hóa điều này là: Chẳng hề có một chiến binh hay du kích quân nào của cái gọi là MTDTGPMNVN hoặc một nhân vật nào dù là cấp thấp nhất của cái gọi là CPCMLT/CHMNVN có mặt trong các đơn vị đánh cướp cổ thành Quảng Trị! Và cũng chẳng có “nhân vật” nào trong cái cơ cấu mang hai danh xưng nêu trên được hân hạnh dự phần ở bất cứ đẳng cấp nào trong bất cứ giai đoạn nào của chiến dịch Quảng Trị!
Cuộc chiến tại Miền Nam Việt Nam vì vậy rõ ràng là cuộc chiến của Hà Nội, do Hà Nội phát động – theo lệnh của Nga Cộng, Tàu Cộng, để đáp ứng mục tiêu “Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!” như Tổng Bí Thư CSVN Lê Duẩn minh thị.
Cho nên, những Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng... đã là bù nhìn từ buổi đầu hình thành cái gọi là MTDTGPMNVN, rồi là bù nhìn của cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời CHMNVN, để cuối cùng tới thời CHXHCNVN, những bộ mặt ấy càng lộ rõ là bù nhìn chẳng làm nên trò trống gì hơn là ngồi làm cảnh tạm bợ trong bộ máy chính quyền CS Hà Nội!
Đỉnh cao thiên tài thi ca của lãnh tụ
Một đỉnh cao khác mà Tạp chí Cộng sản ra sức tuyên truyền nhân đề cập tới đỉnh cao vừa đánh vừa đàm cho Hiệp định Paris năm 1973, đó là đỉnh cao thơ ca của Hồ Chí Minh.
Trở lại bài báo “Vừa đánh, vừa đàm” ngày 26/01/2013, TCCSĐT khoe bài thơ chúc Tết ngày 01/01/1969 của Hồ Chí Minh, trong đó có câu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” mà tờ báo hết lời ca ngợi rằng đó là “một câu thơ cực kỳ giản dị, mộc mạc, dân dã, ít có câu thơ Việt Nam nào mà những từ ‘cút’ và ‘nhào’ được dùng đắt đến thế”. Đắt? Thế nào là đắt? Phải chăng đắt do tính chất sắt máu của nó, tỏ rõ tính khí cực kỳ hiếu chiến háo thắng của tác giả bài thơ? “Văn là người – Le style c’est l’homme”. Văn ông Hồ tố giác bản chất ông Hồ là vậy. Nó không “đắt” sao được?
Tuy nhiên chúng ta chẳng cần đào sâu làm gì vào cái văn và cái bản chất trong con người ông Hồ. Điều đáng nói là sự dối trá lừa lọc của Cộng sản lại bộc lộ ở đây. Từ trước 1972, sau 1975 và thời gian gần đây, CSVN không bao giờ ngừng cao giọng “hòa hợp, hòa giải, xóa bỏ hận thù”. Cái lối đạo đức giả này được lặp đi lặp lại liên tục, mà kẻ rộng miệng hô hào không hề biết ngượng. Họ bảo đối thủ của họ phải “hòa hợp, hòa giải” trong khi họ vẫn cay cú đay nghiến “bọn ngụy – ngụy quân, ngụy quyền”. CSVN ém cái nhóm từ ngữ hạ cấp này vào đầu óc dân gian mộc mạc, một cách hả hê nhưng chưa thật hài lòng. Họ luôn tìm dịp hâm nóng nhóm từ ngữ ấy lên, gây hận thù chia rẽ trong dân! Vẫn hằn học mạt sát, phản ánh cái tâm lý say máu:“Giết! Giết nữa! Bàn tay không phút nghỉ… Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng/Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Sít-ta-lin... bất diệt!” (Tố Hữu).
Tóm lại, tất cả những “đỉnh cao” của CSVN trước sau như một: Đỉnh cao phản bội dân tộc, đỉnh cao phản bội Tổ quốc! Một lòng thờ đảng, một lòng thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin! Những quan thầy này mới là bất diệt, chứ không phải dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam! Và nhân dân Việt Nam chỉ biết cúi đầu tuân theo lời đảng dạy: “Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô!” Chống Trung Quốc, chống Liên Xô là chống đảng! Phải trừng trị - nếu quần chúng tự phát không đập chí tử thì kẻ chống đảng cũng phải tống vào tù hoặc vào bệnh viện tâm thần... theo kiểu mẫu viện tâm thần thời Stalin ở Liên Xô và thời Mao Chủ tịch ở Trung Cộng.
Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng không ngượng mồm khoa trương: “Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết rất "đúng", rất "trúng"”. Hoặc: “Đảng đã bắt trúng bệnh và bốc đúng thuốc”. Và rồi ông ta tuyên bố chắc nịch: “Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn.”
Nghĩa là Việt Nam đã có đảng. Đảng là tối thượng, quyền đảng là tuyệt đối! Hiến pháp để làm gì? Sửa đổi Hiến pháp ư? Trò ảo thuật! Đấu tranh cho chủ quyền biển đảo ư? Đây, Nguyễn Phú Trọng phán: “Vấn đề biển Đông diễn ra phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách chống phá Đảng, Nhà nước, nhằm gây mất ổn định chính trị xã hội và đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia.” (3)
Rõ ràng, theo Nguyễn Phú Trọng, chủ quyền quốc gia bị đe dọa không do bá quyền xâm lược Trung Quốc mà do chính những người yêu thương đất nước mình! Những người này bị quy chụp là “thế lực thù địch” và dĩ nhiên sẽ bị ăn đòn đều đều và ngồi tù dài dài. Chỉ vì quê hương đất nước ta vẫn còn bị côn đồ và lưu manh đảng trị thống lĩnh bằng luật rừng và hiến pháp đểu!
______________________________________
Chú thích:
(1) Quảng Trị Mùa Hè đỏ lửa 1972 (Tóm tắt).
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 24-4-72, CS Bắc Việt bắn gần 3 vạn quả đạn pháo vào các đơn vị QLVNCH ở Đông Hà, Lai Phước, Ái Tử, La Vang. Chiều 28-4 Đông Hà, Lai Phước rơi vào tay CS Bắc Việt.
Ngày 2-5-1972, mất Quảng Trị. Nhưng sau hai đợt chiến đấu liên tục, bộ đội CS Bắc Việt trở thành những con mồi của QLVNCH. Một tuần sau, QLVNCH tái chiếm Hải Lăng và một phần quận Triệu Phong rồi áp sát thị xã Quảng Trị. Lực lượng CS Bắc Việt, tuy có năm sư đoàn nhưng quân số của mỗi đại đội chỉ còn từ 20 đến 30 người. Quân CS Bắc Việt hỗn loạn, kể từ 30/6, thay tướng liên tục: Văn Tiến Dũng về Hà Nội “vì lý do sức khỏe”. Ngày 20-7 tướng Trần Quý Hai thay Lê Trọng Tấn; Song Hào thay Lê Quang Đạo…
Từ ngày 9 đến 16-9-1972, trận chiến trở nên quyết liệt. Mỗi ngày, quân miền Bắc trung bình mất một đại đội. Đến đêm 16-9, nhóm nhỏ còn lại của quân CS Bắc Việt buộc phải rút khỏi thành cổ, sau 81 ngày đêm khốc liệt.
(2) Trước Paris 1973: 'Vừa đàm vừa đánh' Tư liệu từ cuốn 'Bên Thắng Cuộc', BBC 16 tháng 1, 2013.
(3) Tất cả các trích dẫn của đoạn kết trên đều từ bài phỏng vấn của TTXVN ngày 20/01/2013 có nhan đề “Tổng bí thư: ‘Dư luận băn khoăn”.