Việt Hà, phóng viên RFA
2013-01-30
Một thông báo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dịch sốt xuất huyết là dịch bệnh lây lan nhanh nhất hiện nay trên thế giới và có khả năng trở thành dịch bệnh trên toàn thế giới.
Dịch sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào? Làm thế nào để phòng tránh bệnh? Mời quý vị cùng tìm hiểu chủ đề này trong trang tạp chí sức khỏe đời sống do Việt Hà phụ trách.
Lan rộng lặng lẽ
Trong thông báo vào ngày 16 tháng giêng năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất trên thế giới và là một đe dọa dịch bệnh toàn cầu. Ước tính của WHO cho thấy có từ 50 triệu đến 100 triệu người trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Số ca tử vong do sốt xuất huyết mỗi năm vào khoảng 20 ngàn người. Nhưng điều đáng chú ý là dịch bệnh đã lan ra hầu khắp các châu lục.
Bác sĩ Raman Velayudhan, chuyên gia về kiểm soát dịch bệnh nhiệt đới của WHO nói với đài Á châu Tự do:
Sốt xuất huyết đang gõ cửa từng châu lục. Ngay cả ở châu Phi, người dân cũng đã bắt đầu mắc bệnh. Bệnh đang lan rộng một cách lặng lẽ trên thế giới mà nguồn lực thì giới hạn.
Bùng phát sốt xuất huyết được ghi nhận trên thế giới lần đầu tiên vào khoảng những năm 1950 tại Philippines và Thái Lan. Lúc đó căn bệnh được coi là bệnh của các nước nhiệt đới khu vực Đông Nam Á. Sau đó bệnh đã lan rộng sang vùng tiểu Ấn Độ. Đến nay, sốt xuất huyết đã lan rộng sang các châu lục khác như châu Âu, Nam Mỹ và Caribe. Thông báo mới của WHO cho biết năm 2012, sốt xuất huyết được xếp vào một trong các bệnh lây lan nhanh nhất với khả năng phát triển thành đại dịch. Số ca mắc bệnh đã tăng 30 lần so với 50 năm trước.
Vào cuối năm ngoái, châu Âu cũng đã phát hiện các ca bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết kể từ năm 1920, với 2000 người mắc bệnh tại đảo Madeira của Bồ Đào Nha. Năm 2010, Pháp và Croatia cũng báo cáo những ca bùng phát sốt xuất huyết ở các nước này.
Sốt xuất huyết lây từ người sang người qua muỗi Aedes. Theo bác sĩ Valayudhan, muỗi Aedes đã xuất hiện tại hơn 150 quốc gia gây ra một đe dọa về dịch bệnh cho thế giới. Nói về nguyên nhân lây lan thầm lặng của dịch bệnh này, bác sĩ Valayudhan giải thích:
Việc lan rộng dịch sốt xuất huyết trên thế giới xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là việc đô thị hóa, dân cư đông đúc. Sốt xuất huyết truyền qua muỗi nhưng không phải cùng loại muỗi truyền sốt rét. Nó chủ yếu đốt vào ban ngày và có khả năng thích ứng rất cao với môi trường sống đô thị. Vì thế sốt xuất huyết chủ yếu là căn bệnh của thành phố nhưng cũng đang dần lan ra các khu vực nông thôn. Khi dân cư tại các thành phố tăng lên dần thì căn bệnh cũng từ từ lan ra nhiều nước. về cơ bản, dịch sốt xuất huyết lan rộng là do sự di chuyển của con người. Con người mang trong mình virut, con muỗi chỉ có nhiệm vụ chuyển virut đó từ người này sang người khác. Nguyên nhân thứ hai là sự di chuyển của hàng hóa. Một số loại hàng hóa có thể tạo điều kiện cho muỗi sinh nở.
Những yếu tố gián tiếp khác như thay đổi khí hậu, hạn hán và lũ lụt cũng được coi là những nhân tố tạo điều kiện cho sự sinh sôi của muỗi, dẫn đến sự lan rộng của sốt xuất huyết.
Hiện có 3 điểm nóng chính về sốt xuất huyết trên thế giới được WHO lưu ý là khu vực Đông Nam Á, tiểu vùng Ấn Độ với các nước Srilanka, Bangladesh, Pakistan, và khu vực Nam Mỹ, Caribe.
Dễ bị coi thường
Với các dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết cũng gần giống với cảm cúm nên nhiều khi người bệnh chỉ uống thuốc hạ sốt, nghỉ ngơi và hết bệnh. Điều này làm nhiều người chủ quan, không nghĩ là mình đã bị bệnh sốt xuất huyết. Cũng bởi khởi phát của bệnh nhẹ nên có nhiều trường hợp người bệnh nhập viện khi tình trạng đã nặng.
Khác với sốt rét, sốt xuất huyết không gây chết người nhiều, và điều này cũng làm nhiều người chủ quan. Bác sĩ Velayudhan giải thích:
Một điểm chú ý đối với sốt xuất huyết là con số người tử vong rất thấp, đó cũng là lý do bệnh dịch không gây nhiều chú ý như sốt rét, vì sốt rét thì có hàng triệu người chết mỗi năm còn sốt xuất huyết thì chỉ có 20 ngàn ca mỗi năm. Nhiều người khi bị sốt xuất huyết thường có triệu chứng như cúm. Họ uống tylanol và sau đó hết bệnh. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ từ 2 đến 5 % bị nặng thì phải được đưa vào bệnh viện để chăm sóc kịp thời. Nhìn chung thì số ca tử vong về sốt xuất huyết đã giảm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, người lớn thường có dấu hiệu xuất huyết nhiều hơn trẻ em. Vì vậy, sốt xuất huyết người lớn có nguy cơ tử vong nhanh hơn trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết nhiều người tại Việt Nam vẫn cho rằng người trưởng thành gần như miễn nhiễm với sốt xuất huyết nên rất chủ quan. Thống kê của bệnh viện nhiệt đới trong tháng 8 năm 2012 cho thấy có 120 ca sốt xuất huyết người lớn đang được điều trị tại bệnh viện mỗi ngày và có đến 40% các ca nhập viện muộn.
Cần gia tăng nỗ lực phòng chống
Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 loại virut có tên là virut sốt xuất huyết, 1, 2, 3 và 4. Tại những nước Đông Nam Á như Việt Nam, đã xuất hiện cả bốn loại vi rút này. Trong khi đó, một người khi đã bị nhiễm virut 1 thì mặc dù đã miễn nhiễm với virut đó nhưng không có nghĩa đã miễn nhiễm với các virut còn lại. Nếu người đó bị nhiễm các virut sốt xuất huyết khác sau đó thì nguy cơ bệnh nặng sẽ cao hơn. Đây cũng là thách thức với Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Bác sĩ Velayudhan nói:
Những thách thức bây giờ đối với các nước như Việt Nam thì sốt xuất huyết gây ra bởi 4 loại virut, là 1, 2, 3, và 4. 4 virut này không có đề kháng chéo, tức là nếu bạn đã bị sốt xuất huyết bởi vi rut 1 thì không có nghĩa bạn sẽ miễn dịch với các virut còn lại. Nếu 2 năm sau đó bạn bị virut 2 thì có thể bạn sẽ bị nặng, bởi vì đôi khi nhiễm vi rút có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp. Cho nên các nước như Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức là họ có nhiều trường hợp bị nặng vì cả 4 loại virut đã xuất hiện tại đây. Và nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều người hơn, có những người sẽ bị sốt xuất huyết đến 2 lần. Điều này sẽ dẫn đến các trường hợp nặng và khó khăn trong việc điều trị.
Thống kê của Bộ Y tế Việt nam trong năm 2012 cho thấy cả nước đã có khoảng 48,000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 21% so với năm 2011. Theo thống kê giám sát của Cục Y tế dự phòng, các ca sốt xuất huyết nặng chiếm khoảng 7,6% và có xu hướng tăng cao ở người lớn. Số ca tử vong do sốt xuất huyết trên cả nước cũng tăng khoảng hơn 20% so với năm trước đó. Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng bộ Y tế đánh giá bệnh sốt xuất huyết sẽ vẫn là một vấn đề lớn của Việt Nam và các nước thuộc khu vực Tây Thái Bình dương, với dự báo những năm tới bệnh sốt xuất huyết còn tăng mạnh về số ca mắc lẫn tử vong.
WHO đánh giá cao khả năng đối phó bệnh dịch sốt xuất huyết của Việt Nam trong các năm qua. Tuy nhiên người đại diện của WHO cũng khuyến cáo Việt Nam nên kiểm soát chặt chẽ hơn sự sinh sôi của muỗi, và giám sát kịp thời xu hướng của virut theo thời gian để giảm số lượng các ca mắc bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Velayudhan, mặc dù sốt xuất huyết không gây tử vong cao nhưng nhìn chung các nước trên thế giới vẫn cần phải chú ý đến bệnh dịch này nếu không muốn có những hậu quả sau này.
Nếu không gia tăng các nỗ lực, hậu quả là chúng ta sẽ tiếp tục phát hiện các ca bùng phát lớn dịch bệnh sốt xuất huyết. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đối với các cơ sở y tế, có những nơi khi dịch bệnh bùng phát, bệnh viện quá tải, và đó là bối cảnh rất khó khăn cho nhiều nước. Vì vậy các nước cần phải làm tốt hơn việc kiểm soát bệnh dịch, kiểm soát muỗi, đảm bảo tình trạng không vượt quá tầm kiểm soát.
Hiện tại thế giới cũng chưa tìm ra các vaccine hữu hiệu để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, dù đã có nhiều nỗ lực. Loại vaccine mạnh nhất mới được thử nghiệm hồi năm ngoái chỉ cho thấy 30% hiệu quả. Dự báo sớm nhất đến 2015, thế giới mới có thể có được vaccine phòng sốt xuất huyết được cấp phép.
WHO khuyến cáo người dân khi đi du lịch đến các vùng có nguy cơ bị sốt xuất huyết cao, nên tránh để bị muỗi cắn. Nên sử dụng kem chống muỗi khi đến các vùng này. Với nhà ở, người dân cần đảm bảo các cửa sổ và cửa ra vào trong nhà được che lưới kỹ, tránh các vùng nước đọng trong nhà có thể tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nẩy nở.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại emailvietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa