19/09/2012 15:30
Thuốc Zhuifeng Tougu Wan do Trung Quốc sản xuất - Ảnh: Health Canada |
CƠ QUAN Y TẾ CANADA NGÀY 18.9 TUYÊN BỐ THU HỒI MỘT LOẠI THUỐC ĐÔNG DƯỢC NGUY HIỂM XUẤT XỨ TỪ TRUNG QUỐC DO MỨC THỦY NGÂN, CHÌ VÀ THẠCH TÍN TRONG THUỐC QUÁ CAO.
Theo hãng tin UPI, cơ quan trên cho biết thuốc Zhuifeng Tougu Wan, vốn không được phép lưu hành, được bán tại Vancouver và Toronto cũng như các khu vực xung quanh hai thành phố này.
Cơ quan Y tế Canada khuyến cáo những người đã mua thuốc Zhuifeng Tougu Wan nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Loại thuốc trên được thu hồi “sau khi quá trình xét nghiệm cho thấy mức thủy ngân vượt xa giới hạn cho phép”, cơ quan trên cho biết.
“Ngoài ra, sản phẩm cũng chứa một lượng chì cao hơn bốn lần so với mức cho phép và lượng thạch tín cao gần hai lần số lượng cho phép”.
Thông tin in trên sản phẩm nói rằng loại thuốc này chỉ nên được uống với sự theo dõi của một bác sĩ đông y Trung Quốc.
Nhãn bằng tiếng Anh cho biết thuốc trị trong trường hợp người bị trúng phong, cảm và giảm đau.
Độc dược Lishou
05/04/2012 11:13
(TNTS) Mới đây lực lượng liên ngành tại Hà Nội đã phát hiện, thu giữ và tiêu hủy số lượng lớn thực phẩm chức năng nhãn hiệu Lishou có hoạt chất Sibutramine.
Trước đó, hồi năm 2011, một dược phẩm chứa hoạt chất trên cũng đã bị Cục Quản lý dược VN ra quyết định thu hồi, buộc ngưng sử dụng vì tác dụng xấu đối với tim mạch và rất nguy hại với người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Chi cục QLTT Hà Nội, chia sẻ: "Khó khăn trong xử lý loại hàng này là tính chất kinh doanh trái phép theo hình thức nhỏ lẻ, dàn trải trên nhiều địa bàn. Khi bắt giữ trên hệ thống phân phối thì số lượng ít, hàm lượng hoạt chất có trong từng lô hàng lại khác nhau. Bản thân cơ quan chức năng phải bám sát căn cứ pháp lý cũng như xuất phát điểm sai phạm để có được thông tin cụ thể mà xử lý".
Cơ quan chức năng Hà Nội cũng cảnh báo, có rất nhiều sản phẩm giảm béo không được kiểm soát chất lượng, quảng cáo có công dụng giảm cân siêu tốc; có loại “ăn theo” các sản phẩm được lưu hành hợp pháp, chẳng hạn như loại Lishou (lọ 40 viên) chứa chất Sibutramine có tên và nhãn hàng tương tự với loại New Lishou (đóng gói 120 viên) - là sản phẩm được phép lưu hành. Do vậy người sử dụng có nguy cơ mua và sử dụng phải sản phẩm nguy hại cho sức khỏe mà không hay.
Bác sĩ Yên Lâm Phúc, Học viện Quân Y, phân tích: Sibutramine là dược chất trong thuốc giảm béo, nó có công dụng ức chế cảm giác thèm ăn của người sử dụng, khiến người sử dụng chán ăn, nên giảm cân. Khi dùng quá liều hoặc lạm dụng có thể gây ra tác hại với sức khỏe. Sibutramine được báo cáo là làm tăng nhịp tim trên những bệnh nhân rối loạn nhịp, làm nặng thêm tình trạng rối loạn tâm thu, có thể nguy hiểm tính mạng. Chất này cũng có thể gây tăng huyết áp do tác dụng phụ trên hệ thần kinh giao cảm, huyết áp người sử dụng sẽ bị tăng lên và trở nên mất kiểm soát. Vì thế không sử dụng Sibutramine với những người có tăng huyết áp kháng trị, tăng huyết áp kịch phát hoặc không ổn định. Người có tiền sử tim mạch có nguy cơ cao bị đột qụy não và nhồi máu cơ tim khi dùng Sibutramine.
Theo TS Trần Nhân Thắng, Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nếu dùng phải sản phẩm chất lượng không được kiểm soát có chứa chất tác động đến chuyển hóa "hướng nạc" giảm mỡ - tương tự như chất "siêu nạc" bị cấm sử dụng trong chăn nuôi sẽ rất nguy hại. Chất tạo nạc sẽ làm mất cân bằng chuyển hóa tự nhiên của cơ thể và kéo theo các tác hại tim mạch huyết áp.
Mỹ cảnh báo về thuốc giảm béo do Trung Quốc phân phối
04/04/2012 18:37
Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) vừa ra khuyến cáo không sử dụng một số loại thuốc giảm béo cấp tốc do bị nghi chứa chất sinh ung thư.
Bộ ba thuốc giảm béo do công ty Xiushengtang phân phối có thể đe dọa sức khỏe người dùng - Ảnh: AFP |
FDA ngày 3.4 thông báo người tiêu dùng nên ngưng ngay việc uống thuốc có tên là “Japan Rapid Weight Loss Diet Pills” (tức thuốc giảm béo cấp tốc của Nhật).
Đây là sản phẩm do Công ty Xiushentang, trụ sở tại Quảng Châu, phân phối thông qua nhiều website, trong đó có Amazon.com.
Người tiêu dùng được khuyên nên từ bỏ ngay những loại thuốc này, được đóng gói theo ba màu xanh lá, xanh dương và vàng. FDA cảnh báo nên gặp bác sĩ tư vấn nếu người tiêu dùng phát hiện cơ thể có vấn đề.
Kết quả phân tích do FDA thực hiện đã xác nhận thuốc giảm béo màu xanh lá, tên tiếng Anh là “Japan Rapid Weight Loss Diet Pills Green”, chứa phenolphthalein, thường dùng trong các thí nghiệm hóa học. Đây cũng là chất bị liệt vào dạng sinh ung thư và bị cấm bán tại Mỹ.
Theo nội dung khuyến cáo được AFP dẫn lại, FDA cho biết phenolphthalein có thể hủy hoại và thậm chí gây đột biến ADN ở con người.
Một thông báo tương tự cũng được áp dụng cho thuốc “Japan Rapid Weight Loss Diet Pills Yellow”, vì nó chứa cả phenolphthalein và sibutramine, chất gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Sản phẩm thứ ba “Japan Weight Loss Blue” chứa sibutramine và ephedrine alkaloids. Sản phẩm chứa hợp chất gốc ephedra bị cấm vì có thể nâng huyết áp lên mức nguy hiểm.
thuốc giảm béo
05/04/2012 11:02
(TNTS) Không riêng “tử dược” Mediator, hầu hết các loại thuốc giảm béo đều có tác dụng phụ rất đáng ngại đối với sức khỏe.
Hồi tuần trước, cơ quan chức năng của Nga đã tịch thu hơn nửa tấn thuốc giảm béo xuất xứ từ Trung Quốc và bắt giữ các nghi can phân phối thuốc người Moldova. Số dược phẩm bất hợp pháp nói trên giấu trong ga ra xe tư nhân và được bán cho khách hàng qua mạng internet. Hoạt chất giảm béo của những thuốc bị tịch thu là sibutramine vốn bị cấm sử dụng tại nhiều nước trên thế giới do tác dụng phụ có thể gây nên các bệnh về tim mạch. Vụ việc một lần nữa khẳng định thị trường dược phẩm chống béo phì, thừa cân, không chỉ cực kỳ hấp dẫn đối với các hãng dược chính thống mà còn là mảnh đất béo bở của các cơ sở sản xuất trôi nổi.
Tiềm năng 624 tỉ USD
Một nghiên cứu đăng tải trên chuyên san The Lancet vào năm 2011 cho thấy số lượng người béo phì trên thế giới đã lên đến hơn 500 triệu người, tăng gần gấp đôi trong 30 năm qua. Đáng lo ngại hơn, căn bệnh thời đại này không còn là “độc quyền” của những nước Âu Mỹ mà đã lan sang các quốc gia đang phát triển.
Những năm gần đây, số người khổ sở vì cholesterol trong máu cao không ngừng tăng lên ở Đông Á, Đông Nam Á và khu vực Nam Thái Bình Dương. Thừa cân, béo phì làm tăng cao nguy cơ các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và được xem là nguyên nhân làm 3 triệu người tử vong hằng năm.
|
Thực tế này là điều kiện lý tưởng để các loại thuốc giảm béo mặc sức tung hoành. Hãng Marketsand Markets Research đánh giá từ mức 62 tỉ USD vào năm 2008, ước tính đến năm 2014, thị trường dành cho các loại sản phẩm chống béo phì, thừa cân sẽ đạt 624 tỉ USD.
Tuy nhiên, Viện Sức khỏe cộng đồng Québec (Canada) cảnh báo nhiều loại thuốc giảm béo có thể khiến tăng nguy cơ bệnh gan, thận, tim mạch, tiêu hóa... Bên cạnh đó, các trường hợp bị phản ứng phụ thường được phát hiện rất trễ do người sử dụng không muốn thừa nhận đã sử dụng các loại dược phẩm này. Vụ bê bối của hãng Servier và “tử dược” Mediator chính là hồi chuông cảnh báo về tác hại của thuốc giảm béo.
Lợi bất cập hại
Theo báo Le Figaro, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu cẩn thận hơn trước khi cấp phép lưu hành cho những loại thuốc giảm béo vì hầu như tất cả dược phẩm giúp cơ thể “thon thả” sau một thời gian được phép bán ra thị trường đều bị thu hồi, cấm hoặc nhẹ nhất là đưa vào danh sách cảnh báo.
Tương tự, người tiêu dùng trước khi quyết định rút hầu bao cần xem xét cán cân lợi ích - tác hại của thuốc giảm béo. Có một nghịch lý là những người bị thừa cân, béo phì dùng những loại thuốc này với hy vọng ốm bớt để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Trong khi đó phần lớn các thuốc giảm béo bị thu hồi cũng vì tác dụng phụ có thể dẫn đến căn bệnh này.
Điển hình là “tử dược” Mediator (hoạt chất benfluorex gây chán ăn) của hãng Servier. Trong giai đoạn được lưu hành ở Pháp từ 1976-2009, loại thuốc dành cho bệnh nhân tiểu đường thừa cân này bị cáo buộc đã gây tử vong từ 500-2.000 người do tác dụng phụ nguy hại đến hệ tim mạch.
Hay như hoạt chất sibutramine bị tịch thu tại Nga vừa qua từng là sản phẩm đình đám được hãng Abbott tung ra từ năm 1997 với tên thương mại là Meridia (tại Mỹ, Canada) và Reductil, Sibutral (tại châu Âu). Sibutramine thay đổi một số amine ở não bộ, làm giảm sự thèm ăn và tạo cảm giác đã no. Hoạt chất này bị Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) xác nhận có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, tăng nhịp tim ở người sử dụng nên đã ra lệnh ngưng lưu hành từ tháng 1.2010.
Bên cạnh đó, những loại thuốc gây chán ăn đầu tiên được sử dụng là dẫn xuất của hoạt chất amphétamine (hiện đều bị cấm trên thế giới) còn có thể gây nghiện, rối loạn tâm lý, trầm cảm, theo trang tin y khoa Doctissimo.fr.
Gần đây nhất, vào tháng 9.2011, hoạt chất có tác dụng giảm béo duy nhất còn được lưu hành tại Pháp là orlistat với tên thương mại là Xenical (hãng Roche sản xuất, bán với đơn thuốc) và Alli (hãng GSK, không cần đơn thuốc) cũng bị Cơ quan An ninh sản phẩm y tế Pháp (Afssaps) cảnh báo: “Nhiều trường hợp bệnh nhân dùng chất orlistat bị tổn hại gan nghiêm trọng đã được ghi nhận”, theo Le Figaro.
Trước đó, orlistat được xem là một bước đột phá vì không gây chán ăn như các thuốc giảm béo khác mà hoạt động theo cơ chế ngăn không cho ruột hấp thụ và thải chất béo bằng đường tự nhiên. Hoạt chất này được kỳ vọng sẽ ít gây tác dụng phụ nhưng thực tế không phải vậy. Một nghiên cứu đăng trên chuyên san Archives of Internal Medicine còn cho thấy nguy cơ gây suy thận cấp tính của orlistat.
Thiên biến vạn hóa
Để Mediator được lưu hành tại Pháp đến tận năm 2009 trong khi các nước Âu Mỹ khác đã cấm từ nhiều năm trước, hãng Servier đã dùng không ít “chiêu” kinh doanh thiếu lành mạnh. Theo Ban Tổng thanh tra các vấn đề xã hội Pháp (Igas), trước khi hoạt chất benfluorex được đưa ra thị trường với tên Mediator, Servier biết rõ đây là một chất gây chán ăn rất mạnh. Hãng này đã tìm mọi cách để lấp liếm “nguồn gốc” gây chán ăn của Mediator.
Bản báo cáo của Igas ghi nhận “khi benfluorex (Mediator) được lưu hành năm 1976, Servier đã giới thiệu như một loại thuốc bổ trợ cho bệnh nhân tiểu đường type 2 qua việc tác động lên cơ chế chuyển hóa của đường và mỡ, chứ không phải thuốc gây chán ăn”. Thậm chí năm 1973, tập toàn dược hàng đầu nước Pháp này còn đề nghị đổi tên hoạt chất benfluorex của Mediator thành “benzaflumine” hay “benflurate” để tiện bề lấp liếm sự thật. Tiếp tố “orex” trong benfluorex được WHO ghi nhận dùng để chỉ các hoạt chất gây chán ăn.
Còn theo tờ Libération, có 3 bản kết quả kiểm định năm 1973 về Mediator đã bị lược bớt hoặc sửa lại những phần ghi nhận loại thuốc là dẫn xuất của amphétamine (gây chán ăn) để chuyển hướng thành “tác động lên cơ chế chuyển hóa” (đặc trưng của thuốc trị tiểu đường). Ngoài ra, Mediator còn là “bà con” của thuốc Pondéral (hoạt chất fenfluramine, một dẫn xuất khác của amphétamine) cũng của hãng Servier bị rút phép lưu hành từ năm 1997.
Servier không phải là hãng dược duy nhất “phù phép” các loại thuốc “có vấn đề” của mình để trụ lại trên thị trường dược phẩm, theo Libération. Công ty Warner-Lambert (nay là Pfizer) từng bị phạt 572 triệu USD vì đã bán thuốc trị đau đầu Neurontin, trên thực tế có tác dụng chống... động kinh. Hãng Eli Lilly bị cáo buộc giới thiệu thuốc chống loạn tâm thần Zyprexa cho trẻ em mắc chứng hiếu động thái quá.