Bảo Thắng nằm cách quốc lộ 7 gần 30 km, cứ mỗi lần ghé thăm ngôi trường, lòng chúng tôi lại thêm một lần day dứt.
Đói và rét
Trường học nằm bên con dốc, là dãy nhà lá. Cách trường vài trăm thước là những cái chòi dựng bằng thân cây nứa, lợp tranh, nằm chênh vênh bên triền dốc. Gọi là “nhà” nhưng đó là những cái chòi. Mỗi cái chòi chỉ độ 6 - 7 m2, thấp lè tè, bên trong trống hoác. Giường là những thân cây nứa chẻ đôi rồi giã bẹp ra, phía trên là manh chiếu mỏng. Cạnh đó là bếp củi với vài ba cái nồi nho nhỏ.
Trường học ở Bảo Thắng gộp chung cả 2 cấp tiểu học và THCS làm một. Năm học này có 507 em, trong đó có 280 em thuộc các bản xa về học phải ở lại trường. Bản xa nhất cách trường 14 km đường rừng, học sinh phải đi bộ mất 8 tiếng đồng hồ mới đến trường. Mỗi tuần, sáng chủ nhật các em mang theo vài ba ký gạo lầm lũi lội suối, trèo dốc, khi mặt trời đã khuất sau núi thì đến được trường. Đến cuối tuần, nếu gia đình không ra tiếp tế thì các em lại về nhà lấy gạo.
Nhiều năm gắn bó, kinh qua chức vụ quản lý ở vài ba trường nơi miền heo hút này, nhưng thầy Hiệu trưởng Trần Văn Sơn nói chưa thấy học sinh nơi nào khổ như nơi đây. Bảo Thắng hầu hết là dân tộc Khơ Mú, cứ qua mùa gặt vài tháng là hết gạo.
Bữa ăn của học sinh ở đây là cơm với muối trắng, măng rừng và uống nước lạnh. Thầy Sơn nói quanh năm suốt tháng các em ăn uống như thế, thịt, cá, trứng là thứ xa xỉ, các em không dám mơ tới. Vào mùa giáp hạt thì nhiều em gạo cũng hết. Nhìn những cái nồi trống hoác, những cái ruột tượng của học sinh đựng gạo trong chòi xẹp lép thì thầy cô ruột gan như xát muối.
Bảo Thắng chưa có điện lưới nên đêm ở đây cứ mịt mùng, tăm tối. Học sinh muốn học bài cũng không thể. Màn không có để treo mà ngủ, về đêm, các em còn phải chống chọi với đám muỗi rừng.
Sợ nhất là mùa đông đến, khi các em phải đối mặt với cái lạnh tê buốt. Trong những cái chòi thốc gió, những thân hình còm nhom vì thiếu ăn của các em không thể trụ được với giá rét, da thịt cứ tím tái, xanh xao. Nhiều bữa trời rét quá, học sinh không ngủ được phải rủ nhau dậy đốt lửa lên ngồi quanh cho ấm.
Ước mơ một căn nhà
Hiện Trường Bảo Thắng còn hơn 200 em vẫn phải sống chui lủi trong những cái chòi lụp xụp. Khi mưa gió, không thể ở được trong chòi dột nát ngoài dốc rừng thì nhiều em phải kéo vào trường ngồi tạm. Không có giường, các em trải chiếu ra nền đất nằm.
Thầy Sơn nói nếu có điều ước, thầy sẽ ước có một ngôi nhà đàng hoàng, kín đáo, chống chọi được với mưa gió cho các em ở, có được cái giường cho các em nằm, cái màn cho các em chống muỗi và thi thoảng có vài cân thịt cho các em ăn. Để ước mơ của thầy trò nơi đây thành sự thật, cần khoảng 500 triệu đồng là đủ nhưng đó cũng chỉ là mơ ước từ lâu và rất xa xôi của cả thầy giáo và gần 300 học sinh nơi đây.
Xin bạn đọc và cả cộng đồng hãy giúp, để ước mơ của các em nhanh chóng thành sự thật.
Năm 2010, Báo Thanh Niên đã mang 300 tấm chăn và 200 áo ấm đến với học sinh Bảo Thắng. Những tấm áo, những cái chăn năm trước giờ đã rách. Năm học mới này, các em vẫn tiếp tục phải đối mặt với trăm ngàn thiếu thốn. |
Khánh Hoan