Người tiêu dùng đã cẩn trọng hơn trong việc mua rau quả - Ảnh: H.V |
Sức mua giảm
Nói đến trái cây Trung Quốc, anh L.T, ngụ ở Q.5 (TP.HCM) giãy nảy: “Bản thân tôi từ lâu đã không muốn và không mua những thực phẩm mà tôi biết là do nhập lậu từ Trung Quốc vì những thực phẩm đó không hề có lợi cho sức khỏe. Không ai dại gì bỏ tiền ra để mua thuốc độc cho mình”.
Chị Lan - tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, nói: “Người tiêu dùng bây giờ khôn lắm, họ nghe nói hàng Trung Quốc là không mua, khi ghé sạp là hỏi hàng nào hàng Việt Nam, hàng nào hàng Trung Quốc, hàng Việt giá đắt họ vẫn mua, còn hàng Trung Quốc thì họ sợ. Tuy vậy, đó chỉ là đối với những người mua về gia đình ăn. Còn người bán quán ăn, nhà hàng thì họ không quan tâm hàng trong nước hay hàng Trung Quốc, chỉ cần giá rẻ là mua, như vậy mới có lời”.
Ghi nhận tại các chợ, như chợ Hoàng Hoa Thám, Phạm Văn Hai, Thái Bình..., vẫn rất nhiều loại rau củ quả Trung Quốc bày bán nhưng sức mua rất yếu. Theo một tiểu thương ở chợ Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, các sạp quanh chợ rất nhiều trái cây Trung Quốc, thậm chí có sạp đến 90% là trái cây Trung Quốc nhưng một số người bán nói là hàng Indonesia để dễ bán.
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết: “Mỗi đêm tổng lượng hàng về chợ đạt 2.800 tấn, trong 1.450 tấn rau củ thì hàng Trung Quốc chiếm 280 tấn, khoảng 20%. Trái cây Trung Quốc cũng chiếm tới 1/3 trái cây ngoại tại chợ này, tương đương 100 tấn. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng nghe nói hàng rau, củ, quả Trung Quốc là không mua.
Hiện nay phát hiện thêm hàng Trung Quốc chứa các chất gây ảnh hưởng tim, gan, thận thì chắc chắn hàng Trung Quốc sẽ càng ế ẩm. Đến nay số người bán hàng rau củ Trung Quốc chỉ lèo tèo, một số sạp lấy hàng Trung Quốc cho đủ mặt hàng nhưng số lượng giảm mạnh. Trước đây, người bán thường giấu giếm nguồn gốc rau, củ, trái cây Trung Quốc nhưng nay họ đều công khai để người dân tùy lựa chọn”.
Thắt chặt kiểm soát
Xu hướng tiêu dùng đang trở về với trái cây, rau củ trong nước sau hàng loạt các vụ bê bối độc tố của hàng Trung Quốc. Theo báo cáo của hệ thống siêu thị Co.opmart, lượng chọn mua trái cây tại hệ thống này đang tăng lên vì người tiêu dùng lo lắng mặt hàng trái cây bên ngoài đa phần không rõ xuất xứ.
Hiện nay siêu thị Co.opmart không kinh doanh trái cây Trung Quốc mà phân phối chủ yếu là các mặt hàng trái cây nội, tỷ trọng từ 90-95%. Bên cạnh đó, cũng phân phối một số loại trái cây ngoại nhập từ Mỹ, New Zealand, Úc... Những trái cây này đều có thông tin nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm ngoại nhập của cơ quan hải quan.
Theo thống kê, sức mua trái cây nội tại hệ thống siêu thị Co.opmart trong 2 tháng gần đây đã tăng 50% so với cùng kỳ. Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C - cho biết: “Trái cây trong nước ngày càng ổn định hơn về số lượng, chất lượng. Hiện hàng trong nước chiếm hơn 90% tổng lượng trái cây của Big C, hàng nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ còn hàng Trung Quốc rất ít, là những sản phẩm mà Việt Nam không có, đều phải tuân theo quy định hiện hành về vệ sinh an toàn thực phẩm".
Theo đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart, việc trái cây Trung Quốc bị phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật khiến người tiêu dùng lo ngại nên kinh doanh các loại rau, củ, trái cây có xuất xứ Trung Quốc tại siêu thị Lotte Mart bị sụt khoảng 50% so với trước đó. Siêu thị cũng đã gỡ bỏ tất cả hàng Trung Quốc có nghi ngờ chứa liều lượng cao thuốc trừ sâu ra khỏi kệ và không nhập tiếp vào siêu thị nữa. Đó là những mặt hàng như táo, lê, hành tây, tỏi, mận...
Bên cạnh đó, Lotte Mart cũng kiểm tra chặt chẽ đầu vào của những hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc (giấy tờ cần thiết liên quan); thay thế các sản phẩm rau, củ, quả, trái cây Trung Quốc bằng những sản phẩm khác như: tăng cường các sản phẩm Việt Nam, các sản phẩm tương đương nhập từ các nước Mỹ, New Zealand, Úc...
Quang Thuần - Hoàng Việt