Các vấn đề được thảo luận tại diễn đàn xoay quanh hợp tác giữa hai nước về giáo dục, đào tạo nghề; phát triển công nghệ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nông nghiệp và năng lượng tái tạo. Bộ trưởng Philipp Roesler nhấn mạnh Đức sẵn sàng hợp tác với Việt Nam phát triển các lĩnh vực này và luôn ủng hộ việc thiết lập Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, mục tiêu năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ chiếm 6 - 10% tổng cung năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của nước ngoài thì việc hoàn thành mục tiêu này của Việt Nam là rất khó khăn. “Chúng tôi mong muốn các DN Đức có sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Bộ trưởng Philipp Roesler (phải) và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tại Diễn đàn Kinh tế Đức - Việt Nam - Ảnh: D.Đ.Minh |
Trả lời Thanh Niên về cơ hội của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Đức, Bộ trưởng Philipp Roesler cho biết: “Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã phát triển rất mạnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa nền kinh tế. Vì vậy, cơ hội của hàng hóa Việt Nam trong cạnh tranh toàn cầu cũng được gia tăng. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai”. Đánh giá về quan hệ kinh tế song phương trong tương lai sắp tới giữa hai quốc gia sau chuyến đi, Bộ trưởng Philipp Roesler nhận định: “Hai nền kinh tế Đức và Việt Nam đã có truyền thống hợp tác tin cậy lâu dài. Nhiều đại diện DN Đức tới Việt Nam cùng tôi lần này đã biết Việt Nam từ nhiều năm và liên tục phát triển hợp tác. Chuyến thăm của bà Thủ tướng Đức hồi năm ngoái và chuyến thăm lần này của tôi cho thấy khu vực châu Á và đặc biệt là Việt Nam quan trọng như thế nào đối với chúng tôi trong hợp tác kinh tế đối tác. Với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong thẩm quyền của mình về xúc tiến kinh tế đối ngoại và tạo điều kiện khung tốt cho việc hợp tác kinh tế, cũng như sẽ nỗ lực trong khuôn khổ EU để việc đàm phán về Hiệp định Tự do thương mại với Việt Nam được thực hiện nhanh chóng”.
Hiện nay có 240 DN Đức đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam với 184 dự án, tổng vốn 904 triệu USD. Về hợp tác thương mại, năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt 5,6 tỉ USD, tăng 30% so với 2010. Đáng chú ý, Việt Nam đã xuất siêu vào Đức hơn 1 tỉ USD. Trong mục tiêu ngắn hạn, kim ngạch hai chiều dự kiến sẽ đạt 7 tỉ USD.
Ngày 19.9, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ Đức P.Roesler đã tham dự lễ khai trương Trường Phổ thông quốc tế Đức tại TP.HCM. Ông cho biết, trường học Đức là dự án được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Việc xây dựng một trường phổ thông giao lưu Đức - Việt đã trao sự sống cho quan hệ đối tác chiến lược mà chính phủ hai nước đã thỏa thuận. “Tôi mong muốn các học sinh của trường hãy tận dụng cầu nối này, phát triển lớn hơn, mạnh mẽ hơn và chắc chắn hơn. Một ngày nào đó các em sẽ mang những kinh nghiệm học tập và làm việc của mình tới các nước khác cũng như mang kinh nghiệm từ những nơi xa về đất nước mình”, ông nói. Cũng trong ngày 19.9, tiến sĩ P.Roesler đã tham dự lễ ký kết hợp tác đào tạo Việt - Đức tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. (Đăng Nguyên)
|
N.Trần Tâm