Được tan học sớm một tiếng, học sinh THPT ở thủ đô đã không còn quá mệt mỏi và có thể kịp về ăn bữa tối cùng gia đình. Tuy nhiên, do các em đổ ra đường khi mật độ phương tiện đang cao nên làm gia tăng ùn ứ. |
*Clip: Sau đổi giờ, nhiều tuyến đường ùn ứ |
Khoảng 17h, các trường dọc đường Xuân Thủy, Cầu Giấy như ĐH Sư phạm, ĐH Quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bắt đầu tan trường. Sinh viên ùa ra cùng với giờ tan tầm. Tại nút ngã tư cầu vượt Mai Dịch và Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy, mỗi điểm đều có 4 cảnh sát giao thông trực 4 góc để điều tiết, nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ.
Tại các trường học một ca như THPT Cầu Giấy, 17h chỉ còn một số phòng học sáng đèn. Bảo vệ trường cho biết, do sắp xếp học sinh học chính khóa vào buổi sáng, buổi chiều chỉ học phụ đạo nên các lớp đã tan từ 16h30.
Trên đường Nguyễn Văn Ngọc (Ba Đình), hàng chục phụ huynh đứng dưới ánh đèn cao áp trước cổng THPT Phạm Hồng Thái đợi con. Một phụ huynh tên Oanh chia sẻ, những hôm trước phải học đến 19h, chị đón con xong liền đưa ngay đến lớp học thêm.
"Dù chỉ có mấy ngày nhưng nghĩ lại vẫn thấy các cháu khổ. Cơm nấu ở nhà chẳng được ăn, chỉ dám ăn qua quýt rồi lại phải đi học tiếp", phụ huynh này nói và cho hay, dù trời vẫn tối nhưng sớm hơn được một tiếng là con chị có thể về nhà ăn cơm trước khi đến lớp học thêm.
Nhiều học sinh cho rằng tan học lúc 18h. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Đúng 18h, tiếng trống báo tan học vang lên, hàng trăm học sinh ùa ra khỏi cổng trường. Nguyễn Hữu Thái Luân (lớp 10D1, THPT Phạm Hồng Thái) cho biết, hôm nay tan sớm hơn những ngày trước nên cảm thấy đỡ mệt. Đi bộ về nhà, Luân có thể tắm rửa, ăn cơm rồi ngồi vào bàn học.
Còn Nguyễn Hải Linh (11A3) thì hớn hở: "Mấy hôm trước em đói meo nhưng hôm nay chỉ hơi đói thôi". Nam sinh cho biết, những hôm tan 19h, em về nhà tắm, ăn cơm xong là lên giường đi ngủ luôn vì quá mệt. Có những hôm ngủ quên đến 12h trưa hôm sau mới dậy ăn cơm rồi đi học luôn.
"Vì thay đổi giờ học nên có lẽ những ngày đầu nhịp sinh học của em chưa kịp thích nghi. Giờ tan sớm hơn một tiếng, em thấy đỡ mệt hơn nhưng nhiều bạn cách trường gần chục cây số, đạp xe về đến nhà thì cũng không còn sớm nữa", Linh nói.
Hiện, THPT Phạm Hồng Thái vào học lúc 13h và tan lúc 18h, giữa mỗi tiết học được nghỉ 10 phút. Linh tâm sự: "Giá như được quay về giờ học cũ, từ 12h30 đến 5h như trước thì tốt".
Theo ghi nhận của VnExpress, học sinh tan học sau 18h cùng lúc với mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường đang cao nên nhiều điểm xảy ra ùn ứ, như tại đường Trường Trinh, Đại La, Kim Mã, các giao cắt Đào Tấn - Bưởi, Láng Hạ - Lê Văn Lương... Nhưng ùn tắc nghiêm trọng đã không xảy ra. Theo một số cảnh sát giao thông vẫn chưa đủ thời gian để khẳng định việc điều chỉnh giờ có thể giảm ùn tắc bởi thời điểm này nhiều người ngoại tỉnh vẫn chưa trở lại Hà Nội làm việc.
Đường Kim Mã ùn tắc. Ảnh: Bá Đô. |
Nằm ở huyện ngoại thành, nhưng theo quy định của thành phố, THPT Thượng Cát (Từ Liêm) vẫn phải cho học sinh tan lúc 18h. Trường ở gần cánh đồng, muốn ra đường cái phải đi khoảng 4 km nên đa số học sinh vội vã dắt xe ra về sau tiếng trống. Một giáo viên của trường cho biết, do 70% học sinh ở các quận nội thành, chỉ có 30% ở địa phương nên việc tan học muộn ảnh hưởng rất nhiều đến các em.
Quãng đường 4 km từ trường ra đường có thể đi theo hai hướng, hoặc là đường liên xã có nhiều bụi rậm, hoặc đường đê vắng vẻ. Nhóm học sinh của trường cho hay, đã có một em bị cướp giật khi đi qua đê và một giáo viên bị ngã gãy chân khi đi dạy về không nhìn rõ đường vì không có đèn điện.
"Tan 18h thì mùa đông trời cũng đã tối, chúng em đi lại rất vất vả và nguy hiểm. Em mong trường được đổi lại giờ học như ngày xưa", một nữ sinh bày tỏ.
Một số giáo viên của trường cũng cho rằng, nếu có thể để học sinh tan lúc 17h là tốt nhất. Qua một thời gian ngắn tan muộn, thầy cô thấy các em tiếp thu không hiệu quả vào những tiết cuối, có tâm trạng chán học, uể oải.
"Các em đói nên không tập trung tiếp thu bài. Hơn nữa, vấn đề đi lại buổi tối cũng sẽ an toàn hơn khi trời còn sáng", một giáo viên cho hay.
Sau một tuần điều chỉnh giờ tan buổi chiều của khối ĐH, CĐ, THPT... muộn nhất là 19h không hiệu quả và gặp nhiều phản đối, UBND TP Hà Nội đã quyết định lùi giờ tan học buổi chiều của khối THPT sớm hơn một tiếng, còn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS điều chỉnh giờ học theo quy định một cách linh hoạt với mục tiêu giãn mật độ giao thông trong giờ cao điểm.
Hoàng Thùy