THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 February 2012

Vụ cưỡng chế Tiên Lãng: Phóng viên đã cải trang như thế nào?

Thứ ba 14/02/2012 07:27
(GDVN) - Chính những người nông dân Tiên Lãng này đã cho tôi mượn áo, cải trang thành ngư dân đi biển để có thể nhìn tận mắt và chụp lại hình ảnh 2 ngôi nhà đã bị đập phá, san phẳng.
Hơn 1 tháng vừa qua, cưỡng chế Hải Phòng với những yếu tố bất ngờ, kịch tính và mang tính xã hội sâu sắc luôn là đề tài nóng bỏng trên những trang báo. Ít ai ngờ rằng, đằng sau một vụ nổ súng chống người thi hành công vụ lại là câu chuyện dài và nhiều uẩn khúc như thế và cũng ít ai biết rằng đó cũng là phát súng mở đầu cho những câu chuyện tác nghiệp nhiều nguy nan của các phóng viên.

đối tượng chửi bới, dọa hành hung phóng viên
Có mặt tại Tiên Lãng vào ngày thứ 3 sau vụ nổ súng, tôi đến khu vực đê phòng hộ xã Vinh Quang vào một buổi sáng lạnh như cắt da cắt thịt. Từ trên đê nhìn xuống, toàn bộ khu đâm nuôi trồng thủy sản, nơi diễn ra vụ cưỡng chế chỉ thấy vắng ngắt và trống trơn. Phóng tầm mắt ra xa, nhìn khắp mọi phía, chẳng thấy ngôi nhà hoang tàn nào giống như tôi đã tưởng tượng. Ngay lúc đó, một đoàn nhà báo của Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiên Phong, Lao động, Pháp luật TP.HCM đi cùng một thành viên hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng cũng có mặt để chứng kiến cảnh này. Theo lời của vị hội viên trên thì ngôi nhà ông Vươn đã bị san phẳng. Các phóng viên đều ngạc nhiên, ai cũng cố phóng ống kính máy ảnh ra xa để chụp lại cảnh tượng ấy.
Nhưng chỉ chụp được vài kiểu thì phải dừng lại vì sự ngăn cản của một vài thanh niên mặt mày bặm chợn. Họ tự xưng là công an xã, rồi đi tới lăng mạ và toan giật máy ảnh của phóng viên Pháp luật TP.HCM. Ngay lúc này, gần chục thanh niên khác được huy động tới bao vây nhóm phóng viên, ngăn cản chụp ảnh, đẩy chúng tôi vào một tình thế “khó xử”.

Cũng may, sau vài câu nói mang tính “nắn gân” của một phóng viên, mấy tên lưu manh “nửa mùa” này cũng dừng lại và rút quân. Còn tôi, do tò mò muốn biết ngay sự thật mà họ đang che giấu, nên đã có một quyết định liều lĩnh là đi sâu vào khu dân cư phía trong nhờ người dân giúp đỡ.

Cảnh giằng co máy ảnh của phóng viên (ảnh: Thanh niên)
Tại đây, tôi đã được nghe rất nhiều những câu chuyện khác nhau về vụ cưỡng chế. Đó là chuyện ông Vươn lấn biển, làm ăn thế nào, chuyện người ta đã phá nhà ông Vươn, đã thu mấy ô tô tải cá tôm nhà ông ấy trong mấy ngày nay. Và điều quan trọng nhất là, chính những người nông dân Tiên Lãng này đã cho tôi mượn áo, cải trang thành ngư dân đi biển để có thể nhìn tận mắt và chụp lại hình ảnh 2 ngôi nhà đã bị đập phá, san phẳng. Khi đã có trong tay những hình ảnh này, trong đầu tôi vấn nghĩ rằng, mình có thể bị “tóm” bất kỳ lúc nào, chỉ khi qua được chiếc cầu khỉ dẫn qua con đập lớn dẫn lên khu dân cư, tôi mới biết mình an toàn.
Trong chuyến công tác này, tôi thực sự cảm kích trước tấm lòng ngay thẳng, trọng nghĩa của những người dân địa phương. Sau khi thay toàn bộ quần áo trên mình và được sự hướng dẫn của họ, tôi men theo con đường trong làng để trở về Thị trấn. 20km đường như dài ra nhiều lần bởi suy nghĩ mình rất có thể đang bị theo dõi luôn thường trực trong đầu óc tôi. Nhưng thật may mắn, sự thật là tôi đã qua mắt được tất cả đám lưu manh tập trung chốt tại khu vực đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn.

Hiện trường nhà ông Vươn bị san phẳng
Sau khi những hình ảnh đập phá này đã được công bố trên báo chí, mỗi lần trở về Vinh Quang là một lần tôi phải thay đổi hoàn toàn từ cách ăn mặc, phương tiện đi lại để giữ an toàn cho mình. Tuy nhiên, sau cuộc họp của Thành ủy Hải Phòng, cánh phóng viên chúng tôi không còn bị ngăn cản gắt gao như trước nữa. Nhưng lại bước sang một giai đoạn khá vất vả, cực nhọc.

Một vài người dân địa phương liên tục thông báo tới phóng viên, sau những “bài truyền thanh” từ trụ sở UBND xã về chuyện cấm người dân địa phương phát ngôn, trả lời nhà báo, phóng viên, thì việc thuyết phục một người dân Quang Vinh dám kể lại sự thật và dám công bố tên tuổi của mình trên báo chí là điều vô cùng khó khăn.
10/2, Kết luận của Thủ tướng về các vấn đề xung quanh vụ cưỡng chế mới thực sự là nút cởi cho những căng thẳng, hiểm nguy mà các phóng viên tham gia viết bài về sự việc này. Hôm đó, hơn 6 giờ tối, sau khi nghe xong kết luận của Thủ tướng, tôi cùng một vài đồng nghiệp mới bắt đầu công việc của mình. Dưới cái giá rét, mưa phùn, chúng tôi về Vinh Quang ghi nhận cảm xúc, suy nghĩ của gia đình Đoàn Văn Vươn và những thành viên hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng về Kết luận của Thủ tướng chính phủ.
Khi công việc đã hoàn tất, tất cả lại vượt 40 km về thành phố Hải Phòng trong tình trạng bụng đói meo, chân tay đã rã rời và xăng xe thì gần như đã cạn. Về tới trung tâm thành phố, đồng hồ đã điểm 1h sáng, tất cả mọi người ăn uống thật nhanh để viết bài cho kịp giờ xuất bản sáng hôm sau. 
Sáng hôm sau tỉnh dậy, tất cả các phóng viên lại tiếp tục căng ăng-ten để đón nhận các thông tin mới về việc những chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được thực hiện như thế nào.
P.T