21/01/2012 13:22:23 - Theo dõi báo chí, các luật sư đều chung quan điểm, dù nạn nhân tử vong vì ngạt hay do bệnh lý đều phải xử lý trách nhiệm nhà xe và làm rõ nguyên nhân. Liên quan tới vụ việc cháu bé tử vong trên xe bị nhà xe đưa xuống đường, sau nhiều cố gắng, trưa 21/1 PV Bee.net.vn đã liên hệ được với ông Đồng Văn Sáng - Đội Phó Cảnh sát tội phạm về Trật tự xã hội (Công an huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ông Sáng cho biết: Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. "Đã có báo cáo bước đầu rồi nhưng phải chờ kết luận rõ ràng mới cung cấp cho báo chí" - ông Sáng nói rồi vội tắt máy. Trong khi đó ông Bùi Văn Hà vẫn tái khẳng định với PV: Sau khi cháu Huấn tử vong, nhà xe đã bắt buộc bố con ông xuống xe rồi nhanh chóng bỏ đi. Còn theo TS. Nguyễn Quốc Hải, Giám định viên Công an TP Hà Nội, nếu chưa mổ tử thi thì không thể làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu bé. Khi chưa kiểm tra pháp y thì không thể phát ngôn bất cứ điều gì liên quan đến nguyên nhân cái chết của cháu bé.
Luật sư Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Doanh nghiệp K và Cộng sự: Nhà xe phải báo ngay cho cơ quan chức năng đến giải quyết Theo nguyên tắc, khi hành khách lên xe phải có bảo hiểm (bảo vệ tính mạng cho hành khách). Trường hợp này được hiểu theo nghĩa tính mạng của hành khách đang cần "cứu giúp" mà nhà xe lại bỏ xác xuống đường là vi phạm. Dù cháu bé có bị bệnh lý gì đi nữa thì nhà xe cũng cần thể hiện trách nhiệm ở đây là: đưa cháu đến trạm y tế, bệnh viện hoặc một trung tâm sơ cứu nào gần nhất để cứu cháu bé. Khi cháu đã chết, lái xe, phụ xe và nhà xe phải có trách nhiệm lo hậu sự, báo ngay cho cơ quan chức năng đến tìm hiểu nguyên nhân, giải quyết sự việc chứ không thể bỏ đi. Hành vi này có thể được xem có dấu hiệu hình sự khi trốn tránh trách nhiệm với những hành khách của nhà xe. Bởi thứ nhất, họ đang kinh doanh (vận tải chở người) để lấy tiền thì buộc phải có trách nhiệm. Thứ hai, theo lời bố cháu bé kể lại thì xe chở quá đông khách như thế là vi phạm. Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Văn phòng Luật sư Hoàng Phát: Có dấu hiệu "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm" Trước hết xét trên góc độ đạo đức người Việt Nam thì nhà xe hoàn toàn sai. Điều trước tiên tất cả mọi người đều nhận thấy thái độ vô trách nhiệm của nhà xe Chiến Thắng vì "nghĩa tử là nghĩa tận" luôn là truyền thống của người Việt Nam. Xét trên góc độ Luật pháp: Giả sử cháu bé chết không phải bị ngạt thì trách nhiệm của nhà xe vẫn phải "cứu giúp" hành khách khi đang có sự "nguy kịch" về sức khoẻ. Hành vi của tài xế và phụ xe được xem có dấu hiệu vi phạm điều 102 Bộ Luật hình sự Việt Nam: "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm". Luật kinh doanh vận tải cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của người kinh doanh xe khách. Khi cháu bé đã chết nhà xe cần có trách nhiệm: Gọi cho cơ quan chức năng thông báo sự việc, không được bỏ nạn nhân ở lại như thế. Thứ hai, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết rõ ràng và có sự cho phép thì nhà xe mới được lưu hành tiếp. Luật sư Trần Sỹ Tiến - Giám đốc Công ty luật Hà Nội VDT: Đưa xác nạn nhân qua cửa sổ có thể sẽ là một tình tiết tăng nặng Khi có bất cứ người nào bị nguy kịch trên xe, nhà xe bắt buộc phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu. Trong vụ việc này, nếu cháu bé đã chết trên xe, nhà xe phải cử người đại diện ở lại hiện trường phối hợp với công an giải quyết vụ việc. Những hành khách ở trên xe, gần hiện trường nhất cũng có trách nhiệm ở lại làm nhân chứng cho vụ việc. Việc đưa người chết qua cửa sổ xe nếu trong trường hợp bất khả kháng vẫn có thể chấp nhận tùy vào hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên nếu như lái xe có thể giải tán hành khách để đưa xác cháu bé qua cửa chính đàng hoàng mà không làm rồi vẫn đưa qua cửa sổ thì sẽ là một tình tiết tăng nặng tội cho lái xe.
Ngọc Liên - Kim Thái |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog