Ổn định kinh tế vĩ mô, đi đôi với tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục là thông điệp chính được người đứng đầu Chính phủ chuyển tới cộng đồng các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Hội nghị CG năm nay. |
Thủ tướng cho biết lạm phát 2012 của Việt Nam có thể được kiểm soát ở mức 9%. Ảnh: Nhật Minh |
Về ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết các biện pháp thắt chặt tài khóa, tiền tệ trong năm 2011 đã giúp Việt Nam kiểm soát dần lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng đã có xu hướng giảm trong những tháng gần đây. "Theo kết quả này, chúng tôi cho rằng, năm 2012, Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức 9%", Thủ tướng nhận định.
Cũng với cơ sở của 2011, Thủ tướng cho nhập siêu năm tới sẽ ở mức 10-12%. Nợ công trong ngưỡng an toàn, bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8%. Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ đảm bảo các cân đối khác như năng lượng, lương thực, thực phẩm… trong năm tới nhằm góp phần kiểm soát giá cả.
Riêng về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cho biết mức tăng GDP 2011 là 5,8-6% trong khi mục tiêu của 2012 là 6%. "Duy trì mức tăng trưởng này sẽ giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam không chọn tăng trưởng cao trong giai đoạn hiện nay", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Song song với ổn định kinh tế, Thủ tướng khẳng định sẽ chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào cải cách đầu tư, hệ thống tài chính - ngân hàng và khu vực doanh nghiệp. "Việt Nam sẽ tiến hành cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước với mục tiêu chủ yếu là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh", Thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh những mục tiêu vĩ mô nói trên, đại diện Chính phủ cũng khẳng định sẽ tiếp tục đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cho người dân. Theo Thủ tướng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở mức 1.200 USD một năm nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn ở mức cao. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ sẽ duy trì mục tiêu tạo 1,6 triệu việc làm trong năm 2012 nhằm giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Cùng với đó là giảm 2% số hộ nghèo trong cả nước.
Đánh giá cao phát biểu thẳng thắn của Thủ tướng cũng như những thành tựu đạt được trong thời gian qua nhưng hầu hết đại diện của các nhà tài trợ có mặt tại Hội nghị đều cho rằng giai đoạn phát triển tới của Việt Nam vẫn ẩn chứa nhiều thách thức, xuất phát từ bên ngoài cũng như nội tại nền kinh tế. Các nhà tài trợ thúc giục Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, ổn định vĩ mô, xóa đói giảm nghèo cũng như cải cách thể chế…
Ghi nhận những ý kiến này, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu một cách hợp lý đề xuất được các bên đưa ra, trong đó tập trung mạnh cho cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình giải ngân, sử dụng hiệu quả những sự trợ giúp từ bên ngoài, đặc biệt là ODA.
Nhật Minh