Gần một nửa trong số các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm xếp loại thấp nhất trong tháng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số chi cục thú y đã bán giấy chứng nhận kiểm dịch, bán niêm phong kẹp chì để tạo điều kiện cho thực phẩm "bẩn" lưu thông. |
Hàng trăm cơ sở giết mổ trên cả nước không đạt tiêu chuẩn trong đợt kiểm tra tháng 11. Ảnh: N.H. |
Trong khi đó, theo Cục trưởng Thú y Phạm Văn Đông, trong tháng 11, cả nước đã có 33 trên 63 tỉnh, thành đánh giá, phân loại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Qua kiểm tra hơn 450 cơ sở thì có trên 200 cơ sở xếp loại C, loại thấp nhất về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc gia cầm.
Cũng theo Cục Thú y, gần đây tại một số chi cục thú y địa phương phát hiện việc bán giấy chứng nhận kiểm dịch, bán niêm phong kẹp chì, tạo điều kiện cho thực phẩm "bẩn" lưu thông. Sau khi phát hiện tại Đồng Nai, Cục đã yêu cầu chi cục thú y tỉnh này cách chức trạm trưởng Trạm thú y huyện Cân Mỹ.
Ở vùng biên giới phía Bắc, nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai đã phát hiện và bắt giữ trên 350.000 gia súc gia cầm, 73 tấn nội tạng động vật, hơn 400 kg thịt lợn nhập lậu.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Việt Nam đã cấm nhập khẩu các mặt hàng lòng, mề, tràng gia súc gia cầm (chỉ cho nhập tim, gan đỏ), song nội tạng "bẩn" vẫn tràn lan về nội địa bằng nhiều cách khác nhau. Ông Phát nhận định, nhiều khả năng, nội tạng "bẩn" theo con đường tạm nhập tái xuất để tuồn vào Việt Nam và đề nghị các Cục, vụ liên quan làm việc với Bộ Công Thương, tìm hiểu lại hình thức tạm nhập tái xuất. Nếu có thể, nên cấm hoặc siết chặt hơn.
Đối với tình trạng thực phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh tràn lan, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết dù đã đi kiểm tra rất nhiều, phát hiện nhiều điểm giết mổ không đạt chuẩn nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm được. Ông Phát yêu cầu, tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cơ sở nào bị phát hiện không đảm bảo sẽ phải đóng cửa, kiên quyết không để tình trạng giết mổ thiếu vệ sinh tiếp diễn, đặc biệt khi thời điểm Tết đến gần.
"Các cơ sở vi phạm sẽ bị công khai. Càng ngày sẽ phải càng mạnh tay để chấn chỉnh toàn diện an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản, đến khi nào đạt được yêu cầu thì thôi", ông Phát nói.
Ngoài ra, rau quả cũng được Bộ đưa vào mục tiêu kiểm tra kiểm soát chất lượng. Sắp tới sẽ có hơn 100 đợt thanh, kiểm tra đồng loạt tại 10 tỉnh, thành trọng điểm trong sản xuất và lưu thông rau củ quả, thực phẩm. Trong tháng 12, Bộ sẽ thanh tra công tác thú y, trọng tâm ở vùng biên giới, những điểm bức xúc về thực phẩm "bẩn".
Nguyễn Hưng