Chỉ có 100 giường, nhưng khoa Sản Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi - nơi vừa xảy ra vụ trao nhầm 2 trẻ mới chào đời - có khi lên đến hơn 350 người cả sản phụ lẫn bé sơ sinh. Tình trạng 2-3 sản phụ cùng chừng ấy em bé mới đẻ chia nhau một giường là chuyện bình thường.
> Nhầm bé sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi/ Chuyện kể của hai người mẹ bị trao nhầm con sơ sinh
Bất kể ngày mưa hay tháng nắng, ở trước khu vực phòng
sinh của khoa Sản cũng đông nghẹt người. Nhiều người thân sản phụ trải
chiếu dưới nền gạch nằm la liệt bên cạnh cầu thang máy. Dọc hành lang
trước phòng sinh, những ông chồng đưa vợ đi đẻ tỏ ra căng thẳng tột độ.
Anh Nguyễn Văn Hiệp ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, nói: "Vợ tôi mới
sinh chiều hôm qua, lo cho vợ con vào được phòng hậu sản xong là quý
rồi, còn người nhà phải trải chiếu ngủ ở hành lang".
Khu vực trước phòng sinh khoa Sản Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi lúc nào cũng đông người chờ, ngồi trên ghế, trải chiếu nằm la liệt dưới đất. Ảnh: Trí Tín |
Trong khu vực phòng hậu sản, các sản phụ cùng bé sơ
sinh nằm chen chúc, chật chội trên những chiếc giường kê san sát lại với
nhau. Mỗi phòng có 4 giường, nhưng lúc nào cũng từ 8 đến 10 sản phụ
cùng trẻ sơ sinh nằm ngược, nằm xuôi, nằm nép nghiêng mình mới đủ chỗ.
Trung bình mỗi giường có 2 đến 3 sản phụ cùng thêm từng ấy trẻ sơ sinh
nằm chen nhau. Nếu các chiếc giường không kê sát lại với nhau thì khó
thể đủ chỗ nằm cho cả từng ấy mẹ và con.
Trong khi đó khu vực điều trị theo yêu cầu (có khu vệ
sinh riêng trong phòng) thì số giường có hạn, khó thể đáp ứng nổi nhu
cầu các sản phụ sau sinh.
Một nữ hộ sinh lý giải: "Đối với khoa Sản, nói sản phụ
nằm đơn có nghĩa là nằm đôi mẹ và con. Nếu nằm đôi thì phải hình dung
là nằm tư, cả sản phụ lẫn trẻ sơ sinh trong không gian chật hẹp"
Khốn khổ nhất đối với sản phụ sau sinh nằm ở khu vực
hậu sản là chuyện đi vệ sinh. Sản phụ Nguyễn Thị Hà quê ở huyện Bình Sơn
đỏ mặt nói: "Chỉ có hai phòng vệ sinh công cộng bên ngoài nên mỗi lần
tôi đi ngoài, người nhà dìu đi chờ đợi đến lượt rất cực. Ai phải mổ bắt
con thì còn đau đớn hơn".
Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Thanh, Trưởng khoa sản, chỉ
tiêu giường bệnh thì chỉ có 100, thế nhưng lúc nào khoa cũng quá tải, số
sản phụ cùng trẻ sơ sinh có khi lên đến 250 đến 350 người. Trong đó,
nguyên nhân chủ yếu là sản phụ thiếu tin tưởng vào các trung tâm y tế
tuyến huyện nên cứ đổ dồn về bệnh viện đa khoa tỉnh.
Giải thích quyết định đưa cô con gái út đến Bệnh viện
đa khoa Quảng Ngãi đẻ, bà Nguyễn Thị Lan ở phường Quảng Phú nói "để cho
chắc ăn, an toàn". Ba năm trước, bà đưa con gái đầu đi sinh ở bệnh viện
thành phố, do sinh khó nên chuyển lên bệnh viện tỉnh cấp cứu.
Tình trạng quá tải được bác sĩ trưởng khoa Sản cho là
áp lực chính của khoa. Trung bình mỗi ngày có 50 sản phụ đẻ thường, đẻ
mổ, đồng nghĩa là cùng lúc 100 người cần được chăm sóc. Ngày cuối tuần
có khi số sản phụ lẫn trẻ sơ sinh ùn lại lên đến 350 người. Trong khi đó
một tua trực tại phòng sinh chỉ có 2 bác sĩ và 4 nữ hộ sinh trực nên
không thể giám sát hết.
Sản phụ cùng trẻ sơ sinh phải nằm chung trên giường Có giường hai sản phụ nằm trở ngược đầu nhau hoặc kê giường sát để tận dụng không gian. Ảnh: Trí Tín |
Để giảm tải bệnh nhân, sau sự cố nhầm trẻ sơ sinh,
hiện tại khoa Sản áp dụng quy trình giải pháp tạm thời: Đối với sản phụ
đẻ thường, sau 24 giờ (thông thường sau 48 tiếng mới xuất viện) sức khỏe
ổn định đưa về Trung tâm y tế tuyến huyện tiếp tục chăm sóc. Đối với
trường hợp mổ đẻ, sau 4 ngày, khoa Sản đưa sản phụ cùng trẻ sơ sinh về
bệnh viện tuyến huyện chăm sóc.
"Có như vậy thì mới trống giường bệnh và bác sĩ mới có
thể đảm bảo sức khỏe tiếp tục đón nhận sản phụ mới nhập viện sinh nở",
đại diện khoa Sản Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi giải thích.
Đầu tháng 12, nữ hộ sinh khoa Sản Bệnh viện đa khoa
Quảng Ngãi trao nhầm 2 em bé sơ sinh khác giới tính cho 2 bà mẹ khác
nhau. May mắn là sự nhầm lẫn này đã được phát hiện kịp thời ngay khi mẹ
và bé xuất viện.
Trí Tín