THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 December 2011

Bộ trưởng Bộ Y tế: Chỉ quá tải ở những bệnh viện có “thương hiệu”!

(Dân trí) - Ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi “thị sát” một số TT Y tế xã, huyện, bệnh viện của Hà Nội. Bộ trưởng nhận định: Cả Hà Nội và TPHCM đều là hai điểm nóng nhưng chỉ quá tải ở những bệnh viện có “thương hiệu”.
 
Người dân chờ tới lượt khám tại bệnh viện Xanh Pôn. Dù xếp hàng từ sớm nhưng nhiều người phải chờ đợi đến chiều mới đến lượt. Ảnh: H.Hải
 
Nơi quá tải, nơi không có bệnh nhân

Sáng 14/2, tại trạm y tế thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) khi đoàn công tác của Bộ Y tế và Hà Nội tới, nơi đây vắng hoe, không có bệnh nhân nào khám hay điều trị. Điều đáng nói, Trung tâm này được trang bị máy móc khá đầy đủ, thậm chí còn có cả một số máy móc hiện đại. Đặc biệt, hệ thống nhân lực cũng rất toàn diện, ngoài các y tá, nữ hộ sinh còn có cả một bác sĩ chuyên khoa 1 nhưng vẫn không thu hút được người dân quanh đây tới khám.

Bác sĩ Đặng Thị Lan, Trưởng Trạm y tế thị trấn Cầu Diễn, cho rằng, với trang thiết bị, nguồn nhân lực hiện có, Trạm hoàn toàn có khả năng đáp ứng được việc khám chữa bệnh và điều trị ban đầu cho các bệnh nhân. Trạm cũng được nhiều bệnh nhân đăng ký là nơi khám chữa bệnh ban đầu nhưng thực tế, hầu như chẳng ai tới khám mà thường vượt tuyến. Vì thế, trong cả năm qua, cả trạm mới chỉ phục vụ khám chữa bệnh cho khoảng 4.000 bệnh nhân. Trong đó, chủ yếu là chăm sóc sức khoẻ cho các bệnh nhân mãn tính, quản lý thai sản.

Đến 10h, khi đoàn công tác tới bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội thì cảnh đông đúc, chật trội đã thể hiện từ vòng gửi xe. Trước các cửa phòng khám vẫn hàng dài bệnh nhân ngồi chờ đợi. “Đi khám ở đây, tôi đi xếp hàng trước từ 5h sáng mà tới giờ vẫn chưa tới lượt”, bác N.X.Vĩnh (Thanh Xuân) chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, bệnh viện đa khoa hạng 1 của thành phố, cho biết, mỗi ngày có đến 1.700 - 2.000 trường hợp vào khám, điều trị, trong khi tại viện chỉ có 550 giường nên quá tải, nằm hành lang là đương nhiên. Các bệnh viện K TƯ, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi TƯ cũng ở tình cảnh tương tự.  

Gốc rễ của giảm tải là ở đâu?

Các lãnh đạo bệnh viện cho rằng, quá tải chỉ ở những bệnh viện có thương hiệu. Vì thế, theo kế hoạch, để giảm quá tải bệnh viện, thành phố Hà Nội đề xuất di chuyển 24 cơ sở y tế của Trung ương ra khỏi nội đô trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, một bài toán khác đã được nêu ra trong buổi làm việc này. Đó là nếu cơ sở 2 không đảm bảo chất lượng như cơ sở 1 thì dù xây khang trang cũng chẳng người dân nào đến khám, các sản phụ đi đẻ vẫn thích đổ xô về Phụ sản Hà Nội, Phụ sản TƯ, nằm ghép 3 - 4 người/giường...

“Việc quá tải tập trung chủ yếu ở các bệnh viện chuyên khoa giỏi, bệnh viện có thương hiệu. Vậy nên, nếu xây dựng thêm nhiều bệnh viện thì phải đạt tiêu chuẩn, có bác sĩ trình độ giỏi, có phương tiện máy móc...”, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, nói.

Chưa kể 1 thực tế khác là nhiều bệnh viện muốn quá tải để có thêm nguồn thu. Để giải quyết vấn đề này, theo đại diện Sở Y tế, cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập của bác sĩ, cùng với xây dựng mới nhiều bệnh viện chất lượng, thu hút người dân tới khám thì mới có thể giảm tải được cho các bệnh viện có thương hiệu.

“Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội để thực hiện chủ trương di dời các bệnh viện, trước mắt là các viện điều trị bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội đô và chuyển những bệnh viện ở nơi đông dân cư đến khu vực thích hợp. Đồng thời, các bệnh viện tuyến trung ương đang bị quá tải cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với thành phố để xây dựng bệnh viện cơ sở 2 và phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng như cơ sở 1 để thu hút người dân đến khám, có vậy mới thực sự giảm tải”, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
 
Bộ muốn xây mới, bệnh viện xin giữ lại đất cũ

Theo kế hoạch, để giảm quá tải bệnh viện, thành phố Hà Nội đề xuất di chuyển 24 cơ sở y tế của Trung ương ra khỏi nội đô trong 10 năm tới.

Trước đề xuất này, rất nhiều bệnh viện “xin” thành phố vừa cho xây dựng cơ sở hai, vừa giữ lại cơ sở cũ bởi mang tính “truyền thống”. Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai bày tỏ: “Bạch Mai rất quá tải vì là bệnh viện đa khoa hàng đầu toàn quốc, nhưng bệnh viện đã có truyền thống rất lâu đời tại cơ sở này, nên mong muốn thành phố cho giữ lại, mở rộng bằng cách xây thêm nhà mới ở các phần đất còn trống trong viện. Cơ sở 2 vẫn làm nhưng phải mất thêm 10 - 15 năm mới hy vọng hoàn thành. Với từng đó thời gian, người dân đến khám bệnh vẫn phải chịu khổ cực vì cảnh quá tải”. Bệnh viện K Hà Nội vừa được thành phố cấp đất xây dựng cơ sở 3 tại Tân Triều, tuy nhiên lãnh đạo bệnh viện K cũng bày tỏ mong muốn giữ lại cơ sở tại Quán Sứ, vì truyền thống lâu đời.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng: “Quá tải bệnh viện không phải vấn đề là giường bệnh mà là chỗ kê giường bệnh. Giường bệnh một lúc có thể mua cả vạn cái, nhưng kê ở đâu mới là vấn đề. Vì thế, thành phố mới phải tính đến chuyện xây dựng thêm các cơ sở mới ở ngoại thành. Nếu bệnh viện nào cũng xin giữ lại đất vì truyền thống, xây thêm tầng tại cơ sở mới thì chỉ khắc phục được tình trạng quá tải trước mắt nhưng lại mất đi chất lượng khám bệnh, chưa kể một loạt các vấn đề khác như quá tải giao thông… Vì thế, giải pháp phải tính đến cả trước mắt và lâu dài. Lâu dài phải đầu tư xây dựng các bệnh viện mới ra ngoài”.
 
Hồng Hải