Vụ kiện Vinashin ra tòa ở London
Cập nhật: 11:51 GMT - thứ ba, 13 tháng 12, 2011
Vinashin thành biểu tượng của đại doanh nghiệp nhà nước thua lỗ
Vụ Elliott Advisors, một quỹ đầu tư rủi ro (hedge fund) có trụ sở ở Mỹ, kiện tập đoàn đóng tàu nhà nước Vinashin của Việt Nam lên Tòa Thượng thẩm London đã có thể chính thức bắt đầu.
Bên nguyên đơn, theo bản tin Reuters 13/12/2011, cho rằng Vinashin đã "vỡ nợ" với khoản tiền cho vay chung trị giá 600 triệu đôla Mỹ.
Theo văn bản tại tòa, nguyên đơn đòi Vinashin trả nợ 60 triệu đô la, đáo hạn vào tháng 12/2010, và một khoản tương tự, đáo hạn ngày 20/06/2011, chưa kể lãi suất.
Hiện Credit Suisse, bên dàn xếp để có khoản vay, vẫn là chủ nợ chính.
Các chủ nợ và cũng là nhà đầu tư khác gồm có Standard Chartered, Maybank và Depfa.
Cần lưu ý các chủ nợ khác đã từ chối tham gia đơn kiện của quỹ Elliott, mà theo báo Financial Times là để "tránh có kẻ thù ở Hà Nội".
Một phân tích hôm 12/12 của Financial Times, có thể khiến giới hoạch định chính sách ở Hà Nội tương đối an tâm, nói: "Giữa một thế giới tìm kiếm tăng trưởng - bất kỳ tăng trưởng kiểu gì - một quốc gia tăng trưởng 6% sẽ được tha thứ cho một lần vi phạm."
"Viễn cảnh cho người vay ở thị trường phát triển càng xấu bao nhiêu, kẻ vay ở thị trường đang phát triển lại càng có thể - và sẽ - cư xử xấu bấy nhiêu," Financial Times viết.
Bắt đầu vụ kiện
Theo tìm hiểu của BBC, hồi đầu tháng 11 năm nay, một đơn kiện đã được Tòa Thương mại, Chi nhánh Queen’s Bench thuộc Tòa Thượng thẩm ở London nhận hồ sơ.
Viên chức tòa khi đó cho BBC biết thêm nội dung đơn kiện đang ở dạng được giữ kín và sẽ được công bố chi tiết ngay khi bên bị đơn xác nhận việc bị khởi kiện.
Phần tóm lược đơn kiện số 11-1296 mà BBC Việt ngữ đọc được cho thấy bên nguyên đơn khởi kiện là công ty Elliott VIN (Hà Lan) B.V. và bị đơn gồm 22 công ty với Vinashin đứng đầu danh sách bên bị.
"Các bị đơn đã nhận được thông báo của tòa về vụ kiện hôm 16/11"
Viên chức Tòa Thượng thẩm London
Hàng loạt tổng công ty công nghiệp tàu thủy thuộc diện công ty con của Vinashin như Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng, Hạ Long, Dung Quất, Nha Trang... đều có tên trong đơn kiện.
Viên chức Tòa án tại London hôm nay 13 tháng 12 xác nhận với BBC rằng bên bị đơn, tức là các công ty của Vinashin đều đã nhận được thông báo của tòa hôm 16/11 vừa qua.
Như thế, theo luật Anh, vụ kiện được thụ lý hồ sơ và có thể bắt đầu và công chúng có thể đọc được đơn kiện công khai tại Tòa Thượng thẩm.
Vinashin gây ra thua lỗ 4,4 tỷ đô la cho nền kinh tế Việt Nam
Elliott chỉ kiện về khoản trị giá đầu tư của họ cùng các lãi suất chưa trả và lãi suất cho phần không thanh toán được (default interest), tổng cộng 13,2 triệu đôla Mỹ.
Tuy đây là khoản tiền không lớn so với tổng số tiền mắc nợ của Vinashin, vụ kiện được các chủ nợ khác và nhà đầu tư khác quan tâm theo dõi kỹ lưỡng.
Theo bình luận của Reuters, hiện chưa rõ vụ kiện sẽ có kết quả ra sao và Vinashin tuy có thư ủng hộ của chính phủ Việt Nam nhưng đấy không phải là một khoản đảm bảo.
Trái lại, Vinashin xem ra có các công ty nhà nước khác đứng ra bảo lãnh khoản nợ của họ.
Giới quan sát cho rằng đơn kiện liên quan tới khoản 600 triệu đôla Vinashin đi vay các chủ nợ nước ngoài qua trái phiếu, với khoản trả lần đầu 60 triệu đôla đã đáo hạn hồi tháng 12 năm ngoái mà Vinashin chưa thanh toán.
Mặc dù tài sản của Vinashin nằm tại Việt Nam, đơn kiện được gửi tới tòa tại Anh vì khoản cho vay được khống chế theo luật Anh.
Về phía mình, chính phủ Việt Nam đã có các động tác riêng để xử lý vụ Vinashin.
Một mặt chính quyền dùng ngân quỹ để trợ giúp tập đoàn này như ra quyết định năm 2010 cho hoãn thuế tới cuối năm 2011 để có tiền trả nợ.
Mặt khác, các biện pháp cứng rắn như một phần để trả lời dư luận cũng được tung ra, chủ yếu nhắm vào các cán bộ lãnh đạo Vinashin.
Truyền thông Việt Nam hôm 17/11 nói Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố chín bị can trong vụ án được mô tả là “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Vinashin.
Cáo trạng được đưa ra sau đúng hai tháng kể từ khi Công an Việt Nam Bấm đề nghị truy tố lãnh đạo tập đoàn.
Kết luận của cuộc điều tra lúc đó, cũng như kết luận của Thanh tra chính phủ hồi giữa năm nay và năm ngoái đều khẳng định điều họ gọi là Vinashin “đã làm trái chỉ đạo của Thủ tướng”.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được báo chí trong nước hôm 7 và 8/12 trích lời nói ông 'không ra quyết định nào sai' về Vinashin và chính Ban Cán sự Đảng của chính phủ quyết định việc bổ nhiệm cán bộ vào tập đoàn thua lỗ này.
Tiền nợ do làm ăn thua lỗ và thất thoát lên tới 4,4 tỷ đôla Mỹ của Vinashin đạt mức kỷ lục trong nền kinh tế do quốc doanh đóng vai tr̀o chủ đạo ở Việt Nam.