Nghe đồn uống rượu huyết của chim trời, đặc biệt là
chim sẻ sẽ cường dương, tăng sinh lực, dân nhậu xứ Nghệ đang đổ đi săn
lùng thức uống này, góp tay tận diệt các loài chim.
> Mùa tận diệt chim trời
Hằng năm, sau mùa gặt, trên các cánh đồng của Nghệ An,
Hà Tĩnh lại chi chít bẫy chim, bẫy cò. Người dân nông nhàn tranh thủ ra
đồng để tận diệt chim trời, bán cho các nhà hàng, quán nhậu kiếm thêm
thu nhập.
Ảnh: Chim trời biến thành mồi nhậu |
Nếu như trước đây, khi đánh được chim trời, người dân
phải vặt lông, nướng chín rồi mới đưa đến nhập cho các nhà hàng hoặc
mang ra chợ, thì nay chim sống được đưa ngay đi tiêu thụ mà không cần
phải qua sơ chế.
Bước vào cổng một quán nhậu trên nằm ven thị trấn Xuân
An, nhiều thực khách choáng ngợp bởi những chiếc lồng sắt được làm bằng
lưới mắt cáo. Trong mỗi ngăn là các loại chim sẻ đồng, cu gáy, cuốc...
đang nhảy nhót. Có khách yêu cầu rượu huyết chim. Ông chủ quán nhậu thò
tay vào lồng bắt hơn chục con chim sẻ, lần lượt dùng lưỡi dao lam chích
vào cổ từng con để máu chảy vào cốc rượu. Khi cốc rượu chuyển sang màu
đỏ tươi cũng là lúc nó được dân nhậu chia đều thưởng thức.
Những chủ chim sẻ được nuôi nhốt trong các lồng sắt để phục vụ các thực khách. Ảnh: N. K |
"Của này hiếm lắm, uống vào là biết 'lễ độ' ngay",
thực khách rôm rả bàn luận về công dụng cường dương, bổ dưỡng, tăng
cường sinh lực... của thứ đồ uống này.
Ông chủ quán cho hay, ban đầu dân nhậu chỉ thích huyết
chim sẻ khiến giá loài này tăng gấp đôi, gấp ba bình thường. Sau đó,
tin đồn rượu huyết tốt với cả các loại khác như cu gáy, cu gù, cuốc, gà
nước, diệc... khiến các loài này dần cũng thuộc danh sách bị săn lùng.
Từ ngày có tin đồn nói trên, các hàng quán dọc huyện
Nghi Xuân (Hà Tĩnh), ven đê Tả Lam thuộc huyện Hưng Nguyên, ven thành
phố Vinh, Yên Thành, Quỳnh Lưu đều đông khách đến săn loại rượu này.
"Những ngày cuối tuần, quán của tôi đông lên gấp 3, 4
lần ngày thường, chủ yếu là dân thành phố Vinh đánh ôtô xịn vào uống
rượu huyết, ăn thịt chim. Trước đây giỏi lắm chỉ bán được vài chục con
chim mỗi ngày nhưng nay nhà hàng nhập hàng trăm con vẫn không đủ bán",
một chủ quán chia sẻ.
Ông chủ này cũng cho biết chim sẻ trước đây có giá 2-4
nghìn đồng mỗi con thì nay đã lên 8-10 nghìn, chim cuốc 25-30 nghìn, cu
gáy gần 100 nghìn.
Không chỉ tìm đến các
nhà hàng, quán nhậu, nhiều người ở xứ Nghệ còn tự sắm đồ nghề cho mình
để thưởng thức huyết chim trời ngay... ngoài đồng. Những
ngày này, trên các cánh đồng lúa của huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô
Lương, Nghi Lộc có rất nhiều nhóm săn chim. Mỗi nhóm đều mang theo đồ
nghề cắt huyết như can rượu, lưỡi dao lam, đá lạnh... Săn được chim là
cả nhóm túm tụm lại cắt huyết ngay trên đồng.
"Cắt huyết uống trực tiếp như thế này mới chắc chắn,
chứ giờ trong quán nhậu khách khứa đông như thế chả biết có được uống đồ
thật không", một thợ săn chim tay cầm cốc rượu, mặt đỏ phừng phừng cho
biết.
Một con chim cuốc đang bị cắt huyết. Ảnh: N.K. |
Nhu cầu về chim sống ồ ạt cũng khiến giới săn chim
thay đổi cách "hành nghề". Trước đây, họ chủ yếu dùng nhựa cây, keo dính
chuột hoặc các loại bẫy, chim thu được đã chết hoặc rất yếu, phải bán
giá rẻ thì nay, họ mua sắm loại máy phát tiếng kêu để dụ chim vào lưới,
vào lồng rồi bắt gọn cả đàn.
"Dù chi phí có tăng nhưng săn được bao nhiêu thì các
chủ nhà hàng, quán nhậu đến để thu mua hết bấy nhiêu. Nhờ chim đắt giá
mà ngày may mắn chúng tôi cũng kiếm được bạc triệu", anh Nguyễn Văn Đức,
một thợ săn chim ở huyện Hưng Nguyên cho biết.
Nói về tin đồn uống rượu huyết chim có tác dụng cường
dương, một bác sĩ ở Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An cho biết, thực tế
có một số loài chim có tác dụng chữa một số bệnh như hen suyễn, còi cọc
đã được đông y dùng lâu đời. Tuy nhiên việc uống rượu huyết các loại chim sẻ, cuốc đồng, cu gáy... để tăng cường dương thì đúng là tin đồn nhảm, hiện chưa có công trình khoa học nào nói về công dụng từ huyết các loại chim này.
"Các loại tiết chim khi uống sống với rượu thường rất
dễ ngộ độc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên thực khách cần
phải hết sức cẩn trọng", bác sĩ chia sẻ.
Một cán bộ chuyên ngành động vật học, Trường Đại học Vinh (Nghệ An) cho biết, việc
đánh bắt chim trời một cách tràn lan kiểu tận diệt để làm mồi nhậu ảnh
hưởng rất lớn đến vấn đề môi sinh, môi trường, làm mất cân bằng sinh
thái trầm trọng.
"Các loài chim như sẻ đồng, chim sâu, cuốc đều là
thiên địch của nhiều loài sâu bọ, côn trùng có hại. Việc đánh bắt tràn
lan như vậy sẽ khiến những loài này nhanh chóng bị tiêu giảm thậm chí là
biến mất, gây nên hiện tượng mất cân bằng sinh thái, dẫn đến các loại
dịch bệnh như cào cào, châu chấu, sâu bọ, ảnh hưởng trực tiếp đến sản
xuất của con người", chuyên gia này cho biết.
Mặt khác, trong số hàng nghìn con chim bị giết thịt
mỗi ngày, có rất nhiều loài nằm trong danh mục sách đỏ cấm săn bắt, buôn
bán thương mại, được pháp luật bảo vệ. Vô hình chung những người săn
bắt và cả người ăn nhậu đã tiếp tay cho sự tuyệt chủng nhanh hơn của các
loài chim quý hiếm.
Hà Nguyên Khoa