Trao đổi với VnExpress, đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám
đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng, công tác cứu hộ vụ sập nhà ở
phường Bách Khoa kéo dài là do địa hình phức tạp và cả sự lúng túng của
lực lượng cảnh sát.
> 'Có thể cứu hộ 2 bé nhanh hơn nếu được trang bị đầy đủ'/ Sập nhà vì nổ khí gas, 2 cháu nhỏ chết thảm
- Ông nhìn nhận thế nào về công tác cứu hộ cứu nạn trong vụ nổ khí gas ở phường Bách Khoa ngày 3/11?
- Lúc xảy ra sự cố sập nhà ở phường Bách Khoa (quận
Hai Bà Trưng), có 3 xe đến nhưng vì ngõ nhỏ sâu, xe không vào được. Việc
cứu hộ, cứu nạn gần như chỉ bằng tay. Hơn nữa, nhà đang trong tình
trạng sập, có người ở trong, việc lúng túng trong khâu cứu người trong
sự cố này không phải là không có. Nhưng cái chính do là nhà xây tạm,
không có khung nên khi sử dụng biện pháp cứu hộ phải lựa chọn các biện
pháp tối ưu nhất trong điều kiện cho phép để cứu người nên tốn thời
gian.
Trong quá trình thao tác ở thực địa, khi dùng kích
thủy lực thì có dấu hiệu sập tiếp của sàn ở dưới. Do nhà xây tạm bợ, nếu
mạnh tay sẽ sụt xuống tiếp. Khi cắt tấm bê tông, do không thể xác định
chính xác vị trí của người bị nạn nằm ở đâu trên sàn nên phải làm rất
rón rén. Đến khi tách được phần kích hở với sàn sập mà vẫn chưa thấy
người, cứu hộ phải tiếp tục đục từng đoạn, không dám làm mạnh vì sợ mũi
dùi trúng vào nạn nhân.
Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Tô Xuân Thiều. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Một số người có mặt ở hiện trường cho rằng việc phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu hộ chưa ăn ý. Ông giải thích thế nào?
- Thao tác của cán bộ chiến sĩ tương đối đáp ứng được
yêu cầu nhưng để thành thạo chưa thì tôi cho rằng cần tổ chức huấn luyện
thêm. Hôm đó, tôi thấy các chiến sĩ trên xe cứu hộ có phương tiện gì
thì gần như mang vào hiện trường hết. Nếu như thành thạo, có kinh nghiệm
thì nhận định tình hình cần cái gì mới mang cái đấy chứ không mang hết
vào.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ cứu nạn, cảnh sát PCCC của thành phố?
- Lực lượng cảnh sát PCCC của thành phố hiện có hơn
1.200 người, 40% trong số này được đào tạo chuyên nghiệp, còn 60% là
công dân phục vụ có thời hạn và một số người được điều chuyển từ các cơ
quan khác sang khi thành lập Sở (tháng 7 vừa qua). Số này cần phải tổ
chức tốt hơn mới đảm đương được nhiệm vụ.
Hiện, Sở Cảnh sát PCCC thành phố chưa phủ hết các
quận, huyện mà mới chỉ có 10 phòng, ở mỗi phòng có một đội cứu hộ cứu
nạn. Cả thành phố hiện chỉ có 3 xe cứu hộ chuyên dụng song phương tiện
trên xe cũng còn khá đơn giản như cưa, cắt nhưng cắt gỗ là chính chứ cắt
bê tông không có; hoặc là kìm, banh cặp thủy lực đơn giản chứ không có
hiện đại. Lực lượng còn thiếu những trang bị thiết yếu như hệ thống
thống cẩu, xe cẩu, xe nâng, máy cào, xúc.
Cả thành phố hiện có 52 xe cứu hỏa song chỉ khoảng 30
xe còn hoạt động, có xe từ những năm 1960. Lực lượng cũng còn quá mỏng,
theo quy chuẩn mỗi đơn vị phụ trách 3-5 km2 song hiện có đơn vị đang
phải phụ trách địa bàn tới 60 km2...
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường sập nhà khiến hai em nhỏ thiệt mạng sáng 3/11. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Theo ông, bài học gì cần rút ra cho công tác cứu hộ cứu nạn sau sự cố này?
- Sau này với các sự cố, khi điều lực lượng cần chính
xác, cụ thể hơn. Cán bộ chiến sĩ sử dụng các thiết bị cần thiết chứ
không mang nhiều quá. Ngoài ra, cần có quan hệ với các cơ sở, doanh
nghiệp có phương tiện giúp việc được cho công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn
để phối hợp khi cần thiết.
Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ đề nghị ĐH PCCC mở lớp
huấn luyện cho lực lượng cứu nạn cứu hộ để tác nghiệp thành thạo, chuyên
nghiệp. Sở cũng đề nghị UBND thành phố mua thêm xe cộ cứu hộ cứu nạn,
thiết bị dò tìm như camera hồng ngoại kiểu thọc sâu, loa cách âm đặt
xuống đất nghe tiếng động để tìm kiếm nạn nhân trong sự cố...
Ở Hà Nội, những căn nhà dạng như nhà vừa sập không
phải là ít. Vì thế, các gia đình cần học cách sử dụng bình gas, khí hóa
lỏng đúng cách, học cách xử lý sự cố. Ví dụ như khi ngửi thấy mùi khí
gas, đầu tiên cần khóa van bình gas, sau đó mở cửa sổ. Tuyệt đối không
bật các công tắc điện (dù là công tắc của quạt) hoặc làm bất cứ điều gì
để phát ra tia lửa điện. Ngay cả tra chìa khóa vào ổ khóa nếu làm mạnh
gây va chạm cũng có thể phát ra tia lửa điện dẫn đến nổ khí gas.
Chúng tôi cũng sẽ có văn bản gửi UBND thành phố, chỉ
đạo các ngành, sở xây dựng, phòng xây dựng các quận, huyện tăng cường
kiểm tra khuyến cáo với những người ở trong các nhà tạm, nhà xây trái
phép cần lưu ý việc chịu lực. Bình thường, nổ khí gas với nhà kiên cố,
có khung chịu lực thì chỉ bung cửa chứ không sập nhà.
Nguyễn Hưng thực hiện