Mưa lũ bất ngờ, miền Trung thiệt hại nặng
Do
ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, miền Trung đang mưa lớn khiến 16.000
ngôi nhà bị ngập, nhiều chuyến bay tại Huế và Đà Nẵng không thể cất hạ
cánh. Cơ quan chức năng đã ghi nhận những thiệt hại đầu tiên về người.
Chiều
16/10, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung - Trung Bộ cho biết,
trong 24 giờ qua khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to. Mực
nước tại nhiều sông đã vượt mức báo động III.
Tại Thừa Thiên – Huế,
đến tối 16/10, lượng mưa phổ biến 100-150mm. Riêng vùng núi Tà Lương,
huyện miền núi A Lưới, lượng mưa lên đến 230 mm. Mực nước trên các
sông đều đang vượt mức báo động 2, riêng sông Ô Lâu vượt mức báo động
III là 0,55m và có nguy cơ lên nhanh trong đêm.
Mưa
lớn đã gây ngập úng cục bộ tại các phường thuộc nội thành thành phố
Huế như Lê Hồng Phong, Đống Đa, Bến Nghé, Hùng Vương..., có nơi nước
dâng cao lên đến 1 m. Một số vùng ven sông Bồ, sông Ô Lâu và vùng đầm
phá Tam Giang ngập 0,4-0,7 m. Nhiều xã của huyện Quảng Điền như Quảng
An, Quảng Thành... bị cô lập do nước lũ chia cắt các tuyến đường giao
thông.
Hệ
thống đường tỉnh lộ ngập rải rác một số đoạn, trong đó quốc lộ 49B
một số đoạn qua xã Phong Bình, Phong Hòa (huyện Phong Điền) bị ngập
0,2–0,6m.
Ban
Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các địa
phương triển khai các phương án đối phó với mưa lũ. Các huyện vùng đầm
phá Tam Giang - Cầu Hai, vùng sạt lở ven biển đã sẵn sàng nhân lực
phương tiện để di dời dân.
|
Nhiều nhà dân ở thành phố Huế nước đã mấp mé vỉa hè. Ảnh: Nguyễn Đông |
Tại Hà Tĩnh,
những đợt mưa liên tiếp đổ xuống trong nhiều ngày qua làm mực nước
sông Ngàn Sâu chảy qua địa phận huyện Hương Khê dâng cao gây ngập lụt
cục bộ ở các xã Phương Điền, Hương Đô, Hòa Hải…
Đặc
biệt, tại xã Phương Mỹ (nơi được coi là rốn lũ của Hà Tĩnh) lũ đã lên
mức trên báo động II, gần tương đương với đỉnh lũ lịch sử năm 2010,
làm cô lập hoàn toàn gần 640 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu ở đây với
bên ngoài. Các phương tiện cứu hộ chỉ hoạt động được theo đường sông,
nhưng nước lũ ở đây lại chảy rất xiết, có nhiều chỗ xoáy. Hơn 800 học
sinh mầm non và các cấp phổ thông phải nghỉ học.
Trước
tình hình đó, chính quyền địa phương đã cắt cầu phao qua sông Ngàn
Sâu, huy động hơn 230 thuyền ba ván, 167 chiếc bè làm bằng phi nhựa và 5
chiếc xuồng máy chủ động chở người đi sơ tán và vận chuyển gạo và các
nhu yếu phẩm khác để phục vụ dân.
|
Một số cầu phao qua sông Ngàn Sâu bị cắt đứt bởi lũ. Ảnh: Ngọc Vượng. |
Còn tại tỉnh Quảng Trị,
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh này cho biết trận mưa liên tiếp
kéo dài từ đêm 15/10 đến sáng 16/10 khiến hơn 10.000 ngôi nhà đã bị
ngập trong nước lũ. Các vùng bị ngập nặng tập trung tại các vùng thấp
trũng ven sông của huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh. Mực nước
tại các sông đang lên nhanh, trong đó, sông Hiếu đang trên mức báo
động III gần 30 cm.
Ban
chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các địa phương
triển khai phương án đối phó với lũ, sơ tán dân vùng thấp lên cao và
rất có thể phải sơ tán dân trong đêm. Một số hồ chứa ở Quảng Trị như
Bào Đài, La Ngà... đang xả lũ để điều tiết.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình
cho biết đến 18h ngày 16/10, toàn tỉnh đã có gần 6.800 ngôi nhà bị
ngập, tập trung tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và huyện miền núi Minh
Hóa. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, người dân phải dùng thuyền để đi
lại.
Tại
huyện Minh Hóa, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện nhiều
đoạn bị ngập sâu. Ông Hồ Bá Bình (Bí thư xã Tân Hóa - nơi rốn lũ của
tỉnh Quảng Bình hồi đầu tháng 10) cho biết, hơn 500 nhà dân trong xã bị
ngập, có nơi nước ngập vào nhà hơn 1m. Tuyến đường độc đạo vào xã đã
bị chia cắt, người dân phải dùng ghe, ca nô làm phương tiện đi lại.
Một số trường hợp phải chuyển đồ đạc lên nóc nhà, bè nổi sống tạm. Nếu
nguy cơ nước lũ lên nhanh trong đêm, người dân nơi đây phải chuyển
lên lèn đá tránh lũ.
Mực
nước trên các sông ở Quảng Bình đang lên nhanh. Mực nước tại sông
Kiến Giang lúc 18h ngày 16/10 vượt mức báo động 3 là 0,45m.
|
Học sinh cấp THPT phải nghỉ học trở về giúp gia đình chống lũ. Ảnh: Ngọc Văn |
Mưa lũ đã làm 2 người ở Quảng Bình chết và mất tích.
Cụ thể, cháu Dương Ngọc Quân, 3 tuổi, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch
bị chết đuối và ông Hà Văn Hảo, 45 tuổi, xã Vĩnh Linh, huyện Quảng
Ninh bị nước lũ cuốn trôi, mất tích. Hai người khác bị thương nặng
phải nhập viện điều trị.
Theo
báo cáo của Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây
Nguyên, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đã thông báo cho gần 35.500
tàu thuyền đánh cá trên biển vào bờ trú ẩn. Hiện chưa có trường hợp
nào bị mất tích.
Do
ảnh hưởng của thời tiết, nhiều chuyến bay tại Huế và thành phố Đà
Nẵng không thể cất hạ cánh. Gần 1.000 hành khách bị kẹt tại sân bay Đà
Nẵng. Ông Lê Minh Trung, phụ trách khai thác mặt đất hãng hàng không
JetStar Pacific cho biết cả ngày hôm nay, các chuyến bay từ TP HCM và
Hà Nội của hãng không thể hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng được, làm trễ
dây chuyền các chuyến bay đi từ Đà Nẵng. Trong đó có một chuyến với
168 hành khách bay tuyến Đà Nẵng - Hà Nội và ba chuyến bay từ Đà Nẵng -
TP HCM với trên 500 hành khách bị hủy.
Nhiều
chuyến bay của hãng tới Huế, Gia Lai và ngược lại cũng bị hủy do thời
tiết quá xấu. Ông Trung cho biết máy bay không cất hạ cánh được là do
thời tiết không thuận lợi nên việc đền bù cho hành khách sẽ không
được hãng thực hiện vì đây là lý do khách quan.
Nguyễn Đông - Ngọc Vượng
( http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/10/mua-lu-bat-ngo-mien-trung-thiet-hai-nang/ )