>> Mưa ngập nhiều khu dân cư
>> Miền Trung ngập nặng
>> Xem tin video
Hà Tĩnh: Gần 2.900 hộ dân bị cô lập
Mưa kéo dài mấy ngày qua tại Hà Tĩnh, thượng nguồn các con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố mực nước dâng cao khiến các huyện miền như Hương Khê, Vũ Quang và nhiều tuyến đường bị chia cắt, hàng ngàn hộ dân bị cô lập.
Tại huyện Vũ Quang có 6 xã bị cô lập gồm: Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương, Hương Thọ, Ân Phú, Đức Giang với gần 2.900 hộ dân. Hiện đã có hai hộ dân tại thị trấn huyện này đã được di dời về nơi an toàn, do nhà nằm sát bờ sông, tường bị nứt rạn.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện: "Các tuyến đường huyết mạch của huyện bị ngập như: tuyến liên huyện Ân Phú, Cửa Rào; nước lũ cũng chia cắt khiến nhiều đoạn đường liên xã ngập sâu hơn 1m như: Cầu Tràn (Ân Phú), cầu Giồng (Đức Giang) và tại thôn Mỹ Ngọc (xã Đức Lĩnh), cầu Cố Tiến (Đức Bồng).
Đoạn đường hơn 300m nối hai xã Đức Hòa với Mỹ Ngọc bị ngập hơn 1m mấy ngày qua - Ảnh Trương Hoa
Gần 5km đường liên xã Đức Lĩnh, Đức Hương, Đức Bồng bị nước lũ chia cắt hoàn toàn - Ảnh Trương Hoa Nhiều hộ dân tại xã Đức Bồng nước vào nhà - Ảnh Trương Hoa Đoạn đường từ cầu Treo (chợ Bộng) vào hai xã Đức Giang, Ân Phú bị ngập nặng - Ảnh Trương Hoa Phương tiện đi lại duy nhất của người dân là thuyền, bè - Ảnh Trương Hoa Đoàn cứu trợ của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh với các Doanh nghiệp trẻ tại Bản Rào Tre, xã Hương Liên đã phải lội nước qua cầu Tràn để đưa hàng tới người dân - Ảnh Trương Hoa |
Tại bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê cầu Tràn nối bản với đường liên xã bị ngập nước gần 1m. Nước trên thượng nguồn đổ về mạnh khiến người dân, học sinh không dám đi lại. Mọi sinh hoạt của dân bản đều bị cô lập với bên ngoài.
Cũng theo lãnh đạo địa phương tại hai huyện Vũ Quang, Hương Khê nếu mưa tiếp tục lớn vào những ngày kế tiếp, khả năng UBND huyện, Phòng giáo dục sẽ cho học sinh nghỉ học để chạy lũ. (Trương Hoa)
Sơ tán hàng chục nghìn hộ dân
Tại Quảng Bình, ông Trương Thanh Tâm (28 tuổi, trú thôn 4, xã Tân Hóa, H.Minh Hóa, Quảng Bình) trên đường đi phòng chống lụt bão bị điện giật chết lúc 16 giờ 30 phút chiều 16.10; ông Hà Văn Hảo (45 tuổi, trú xã Vĩnh Ninh, H.Quảng Ninh) mất tích và 4 người khác bị thương.
Anh Trương Công Minh (17 tuổi, trú xã Hải Sơn, H.Hải Lăng, Quảng Trị) cũng bị nước cuốn trôi và tìm thấy thi thể vào chiều 16.10.
Người dân xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng chạy lụt - Ảnh: Nguyễn Tú |
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã di dời 5.000 hộ dân, kịp thời ứng cứu 12 người dân (trong đó có 9 người ngoại tỉnh) bị cô lập đến nơi an toàn, đồng thời chuẩn bị 24.000 thùng mì ăn liền, 54 tấn gạo tẻ, 18.000 chai nước lọc, 19.000 lít xăng, 19.000 lít dầu sẵn sàng cung ứng.
Tỉnh Quảng Bình cũng đã sơ tán 1.361 hộ dân cùng 5.444 người.
Người dân vùng thấp trũng di dời lên đồi cao ở thôn Phú Hòa 2, xã Hòa Nhơn - Ảnh: Nguyễn Tú |
Tính đến sáng 17.10, lũ lụt đã làm sập 13.572 ngôi nhà ở Quảng Bình và hơn 10.000 ngôi nhà ở Quảng Trị, 635 ha hoa màu bị hư hại cùng 390 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi.
Giao thông nhiều địa phương bị chia cắt. QL1A đoạn qua Quảng Trị bị ngập 3 đoạn và chia cắt tại cầu Lai Phước đến cầu Ái Tử do ngập sâu 0,5m hiện vẫn chưa thông xe, QL9 bị sạt lở khoảng 4.000m3 đất đá.
Cánh đồng Hòa Nhơn chìm trong biển nước - Ảnh: Nguyễn Tú |
Các tuyến đường QL12C, QL15, QL1A, đường Hồ Chí Minh, TL558, TL559, TL562 đoạn qua Quảng Bình ngập cục bộ.
Các tuyến đường nội thị, các tuyến giao thông QL1A, QL49B, TL1, TL2, TL3, TL4, TL6, TL8A, TL10A, TL10C, TL17 đoạn qua Thừa Thiên-Huế ngập sâu gần 1 mét.
Thủy điện xả lũ lưu lượng lớn
Trong khi đó, một số hồ chứa thủy điện miền Trung và Tây Nguyên đã đầy và tiếp tục xả lũ điều tiết như Hương Điền 728m3/giây; Bình Điền (Thừa Thiên-Huế); A Vương (Quảng Nam); Ialy (1.038m3/giây); Pleikrông 558m3/giây; Sê San 4 (1.267m3/giây); Sê San 4A 556m3/giây (Gia Lai); Buôn Kuốp 714m3/giây, Serepok 3 là 832m3/giây, Buôn Tua Srah 284m3/giây (Đắk Lắk), sông Ba Hạ tại Phú Yên xả 800m3/giây.
Các hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ khiến nước lũ các sông miền Trung - Tây Nguyên dâng cao - Ảnh: Nguyễn Tú |
Các hồ chứa thủy lợi đã qua tràn và xả lũ như hồ Cẩm Ly, An Mã, Tiên Lang, Vực Tròn, Vực Nồi (Quảng Bình), Bảo Đài, Nghĩa Huy (Quảng Trị), Truồi, Hòa Mỹ (Thừa Thiên-Huế), Khe Tân, Thạch Bàn (Quảng Nam), Diên Trường (Quảng Ngãi) Suối Trầu (Khánh Hòa).
Nước lũ lên nhanh
Từ đêm 16 đến sáng nay 17.10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được phổ biến từ 200-400 mm.
Lũ các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam đang lên, sông Kiến Giang có khả năng đạt đỉnh, các sông thuộc Quảng Trị, sông Bồ và sông Gianh đã đạt đỉnh và đang xuống chậm nhưng vẫn ở mức cao.
Miền Trung đón đợt mưa to trắng trời - Ảnh: Nguyễn Tú |
Mực nước lúc 4 giờ ngày 17.10: sông Gianh tại Mai Hóa: 4,9m, dưới BĐ2: 0,1m, sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 3,69m, trên BĐ3: 0,99m, sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 5,55m, trên BĐ3: 0,05m, sông Hiếu tại Đông Hà: 4,12m, trên BĐ3: 0,12m, sông Bồ tại Phú Ốc: 4,24m, dưới BĐ3: 0,26m, sông Hương tại Kim Long: 2,27m, trên BĐ2: 0,27m, sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 7,57m, dưới BĐ2: 0,43m; sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ: 0,88m, dưới BĐ1: 0,12m.
Nước sông Túy Loan lên nhanh làm ngập nhà dân ở Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn - Ảnh: Nguyễn Tú |
Tại TP Đà Nẵng, các khu dân cư nội ô tiếp tục ngập lụt nghiêm trọng bởi nước mưa không có chỗ thoát khi lũ các sông đang lên.
Chịu hậu quả nặng nề nhất là các xã thuộc H.Hòa Vang ven sông Túy Loan do lũ về đột ngột, hàng nghìn nhà dân bị ngập sâu hơn 2 mét.
Càng vào sâu, thôn Phước Thái, Hòa Nhơn càng ngập nặng - Ảnh: Nguyễn Tú |
Nước lũ tràn bờ khiến toàn bộ khu vực dân cư thôn Phú Hòa 2, Thạch Nham Tây, Phước Thái, Thái Lai cùng với toàn bộ diện tích lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản hư hại.
Xã Hòa Phong, Hòa Khương gần đó cũng ngập nặng nề. Theo nhiều người dân, nước lũ bắt đầu dâng cao từ 4 giờ sáng nay 17.10 nhưng tốc độ nước lên quá nhanh khiến mọi người không kịp trở tay.
Thôn Thái Lai ngập toàn bộ nhà dân - Ảnh: Nguyễn Tú |
Đa số phải dùng ghe thuyền để sơ tán, bỏ lại toàn bộ tài sản ngập sâu trong nước. Theo kinh nghiệm của người dân, nước lũ sẽ tiếp tục dâng cao do mưa lớn và nước đầu nguồn xã Hòa Phú, Hòa Bắc đổ về.
Nước lũ mỗi lúc mỗi lên cao nếu không sơ tán dân kịp thời sẽ rất nguy hiểm - Ảnh: N.Tú |
Quốc lộ 14B đoạn qua thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang bị chia cắt nhiều đoạn.
Giao thông rối loạn từ Dốc Võng đến thôn Thạch Nham Đông do các phương tiện tràn lên lề đường để tránh dòng nước chảy xiết theo độ dốc.
Ôtô chết máy tại các đoạn ngập sâu trên quốc lộ 14B - Ảnh: Nguyễn Tú |
Trong khi đó hoàn toàn không thấy sự xuất hiện của lực lượng cảnh sát giao thông để hướng dẫn lưu thông, đảm bảo an toàn cho người đi đường.
Tai nạn đã xảy ra giữa hai xe gắn máy BKS 43X5-5901 và 92F8-5928 lưu thông ngược chiều trên cùng làn đường trên Quốc lộ 14B khiến 2 người bị thương nặng. (Nguyễn Tú)
Hơn 23.000 học sinh H.Hòa Vang nghỉ học
Sáng 17.10, những cơn mưa lớn gây ngập tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Đà Nẵng. Đặc biệt, khu vực hồ Đồng Xanh - Đồng Nghệ (Hòa Vang) từ 6 giờ sáng buộc phải xả lũ.
Theo ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang, tốc độ xả lũ của hồ là 100m3/giây. "Việc xả lũ của đập được xác định chưa cao nên chưa gây ảnh hưởng đến khu dân cư khu vực xung quanh hồ. Nhưng nếu trường hợp xả mạnh để cứu hồ thì chúng tôi sẽ tiến hành di dời dân", ông Hành cho biết.
Tuy vậy, để đảm bảo an toàn cho toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện, Phòng Giáo dục H.Hòa Vang quyết định cho 23.000 học sinh trên toàn địa bàn được nghỉ học để đảm bảo an toàn cho các em.
H.Hòa Vang cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, trường học làm nơi tập trung người sơ tán - Ảnh: Nguyễn Tú |
"Hiện các trường báo về nước chưa tràn vào lớp, nhưng các tuyến đường trên địa bàn huyện đã xảy ra tình trạng ngập úng nặng. Để đảm bảo an toàn cho các em, lãnh đạo phòng quyết định cho các em nghỉ học hôm nay, 17.10", ông Lê Văn Phước, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hòa Vang cho hay.
Phòng giáo dục huyện cũng yêu cầu các trường tập trung cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường trực bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, đề phòng nước lũ dâng cao.
Nước lũ tiếp tục lên nhanh, người dân chờ lực lượng sơ tán - Ảnh: Nguyễn Tú |
Đến trưa 17.10, tại các thôn Quan Nam 2, 5, 6 của xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng), các khu dân cư đều bị ngập sâu bình quân 1,5 - 2m.
Theo ông Đặng Phú Hành, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng, di dời hơn 100 hộ dân lên trú tạm tại UBND xã. Số còn lại di dời lên các nhà cao tầng để tránh lũ. (Diệu Hiền)
Thừa Thiên-Huế: Học sinh toàn tỉnh nghỉ học
Đến trưa nay 17.10, lượng mưa tại thành phố Huế và các vùng lân cận đã ngớt, nhưng mực nước trên các sông đang lên.
Tình hình ngập lụt ở Thừa Thiên-Huế vẫn nghiêm trọng. Tại H.Phong Điền, các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong An, nhiều khu dân cư ngập rất sâu từ 0,5 đến hơn 1m, nhiều tuyến đường bị cô lập phải đi bằng thuyền.
Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch UBND H.Quảng Điền cho biết, tình hình ngập lụt đã diễn ra trên toàn huyện. Từ đêm 16.10, đã di dân lên các điểm cao như trường học, UBND xã và các nhà cao tầng.
Một số vùng dân cư ven thành phố Huế nước lũ đang lên - Ảnh Gia Tân
|
Các đường liên xã dọc theo triền sông Bồ như: Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng Vinh, Quảng Phú… (H.Quảng Điền) ngập từ 0,3 - 0,7m; các xã Hương Toàn, Hương Văn, Hương Vinh, Hương Xuân… (H.Hương Trà) ngập từ 0,5 - 0,7m; QL1A tại km 829 (cầu vượt Thủy Dương) ngập 0,2 - 0,3m, đi lại khó khăn; QL49B một số đoạn qua xã Phong Bình, Phong Hòa, Điền Hương bị ngập nhiều đoạn, chỗ sâu nhất 1m.
491 hành khách đi các tỉnh phía Bắc mắc kẹt tại ga Huế được phục vụ ăn uống miễn phí - Ảnh Bùi Ngọc Long |
Tại TP Huế, các tuyến đường Tịnh Tâm, Thánh Gióng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Xuân Ôn, Trần Quốc Toản, Lê Đại Hành, Ngô Đức Kế, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Cư Trinh, Hùng Vương, Đống Đa, Bà Triệu... ngập nhiều đoạn từ 0,1 - 0,3m.
Nhiều học sinh đến trường mới biết nghỉ học, nên vẫn phải lội lụt trên đường về nhà rất nguy hiểm - Ảnh Minh Phương |
Đường Hồ Chí Minh: sạt lở một số vị trí nhỏ đoạn qua đèo PêKe xã Hồng Thủy; QL49A Huế lên A Lưới đoạn qua xã Hồng Hạ đến Bốt Đỏ bị sạt lở một số đoạn nhỏ. Các đơn vị giao thông đã huy động lực lượng và xe máy khắc phục sạt lở đến nay đã thông xe bình thường.
Sông Bồ đoạn qua thôn Phò Ninh, xã Phong An (H.Phong Điền) đã bị sạt lở, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Phong An tổ chức di dời các hộ dân sống dọc bờ sông đoạn bị sạt lở đến nơi an toàn.
Về 491 hành khách của tàu SE2 và SE4 mắc kẹt tại ga Huế, đến 10 giờ 50 phút ngày 17.10, ngành đường sắt đã chuyển 230 hành khách trên tàu SE4 sang SE2 để chờ tiếp tục đi Hà Nội.
Tàu SE4 (đi Hà Nội) đã đổi đầu máy thành SE3 chuyển hướng đi TP.HCM. Toàn bộ số hành khách mắc kẹt đều được phục vụ ăn miễn phí trên tàu.
Sáng 17.10, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên-Huế đã quyết định cho học sinh trên địa bàn của tỉnh nghỉ học. (Bùi Ngọc Long - Gia Tân - Minh Phương)