Chồng phó giám đốc bệnh viện đa khoa, vợ giám đốc bệnh viện quận, không có điều kiện mở phòng mạch tư, lương chẳng đủ nuôi con, vợ chồng bác sĩ Phan Văn Nghiệm mở quán cóc bán cà phê, đào ao thả cá. |
Thu nhập thấp khiến không chỉ nhân viên điều dưỡng, hộ lý mà cả bác sĩ cũng gặp khó khăn trong cuộc sống. Ảnh minh họa: Phương Nghi |
Khẳng định mình không phải là trường hợp cá biệt, với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Sở Y tế TP HCM, bác sĩ Nghiệm cho biết, đến hơn 70% bác sĩ gặp khó khăn về kinh tế vì lương quá thấp. Tỷ lệ này còn cao hơn đối với cán bộ điều dưỡng và hộ lý.
Để thêm thu nhập đủ trang trải cuộc sống, hầu hết bác sĩ đều làm nghề tay trái như kinh doanh thêm, mở phòng khám, làm việc ngoài giờ ở các phòng khám tư, bệnh viện tư. Nghề tay trái từ đó lại trở thành thu nhập chính của bản thân họ.
Một bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất (Đồng Nai) không muốn nêu tên, là một bác sĩ giỏi với hơn 30 năm thâm niên, đến nay lương "cứng" 5 triệu đồng. Cứ vừa xong việc tại bệnh viện là bà bác sĩ 50 tuổi lại tất tả phóng xe về phòng mạch tư của mình để khám cho bệnh nhân đang đợi.
"Cũng mệt mỏi lắm, có ngày tôi làm việc ở bệnh viện 24/24 giờ không có thời gian ngủ. Về đến nhà lại phải ra phòng mạnh tiếp, nhưng không tranh thủ làm thêm thì lấy tiền đâu nuôi 2 đứa con đang học đại học", nữ bác sĩ tâm sự.
Còn cô giáo Tuyết, vợ của một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện ở quận 10, TP HCM, chia sẻ mang tiếng chồng là bác sĩ 17 năm trong nghề, song gia đình chị phải dè xẻn lắm mới đủ tiền lo cho hai con ăn học.
"Ai cũng bảo có chồng bác sĩ chắc tha hồ đếm tiền, thế nhưng thực tế nhà mình thế nào mình biết. Bác sĩ cũng có người theo khoa này, người theo khoa khác. Có khoa dễ mở phòng mạch tư, có khoa thì cực kỳ khó. Làm việc cho các bệnh viện tư nhân thấy vậy chứ không phải dễ vì không còn đủ thời gian", chị Tuyết nói.
Chồng chị nghe vợ kể chuyện, chỉ cười lặng lẽ.
Mẩu quảng cáo tìm việc của một bác sĩ trên mạng. Ảnh chụp màn hình. |
Khổ hơn cả vẫn là nhân viên điều dưỡng và hộ lý bởi lương căn bản của họ chỉ bằng nửa lương bác sĩ. Trừ những bệnh viện đông bệnh nhân, việc tự chủ tài chính khiến nhân viên có thêm ít thu nhập hằng tháng, còn lại đều phải sống trong cảnh túng thiếu.
5 năm làm điều dưỡng tại một bệnh viện, hiện thu nhập của chị Xuân cũng chỉ được gần 3 triệu một tháng. Sau nhiều lần chuyển việc, chị đang làm nhân viên điều dưỡng tại một phòng khám đa khoa quận Bình Thạnh. Thu nhập không đủ sống nên để tiết kiệm khoản chi thuê phòng trọ, chị xin ở lại luôn tại phòng khám.
"Lúc đầu tôi cũng xin vào bệnh viện lớn để truyền dịch, thay gạc ngoài giờ nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu mà mệt mỏi lắm, không có thời gian ngủ. Thế là nghỉ. Giờ làm ở phòng khám, chỉ cần cố gắng dậy sớm một chút phụ dọn dẹp phòng khám, một tháng cũng tiết kiệm được cả gần triệu đồng thuê phòng", nữ điều dưỡng bày tỏ.
Tình cảnh của các điều dưỡng, hộ lý tại các Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương cũng tương tự. Nếu muốn có thêm thu nhập để trang trải họ đều phải đi làm ngoài giờ từ thêu may, tắm trẻ, chăm sóc bệnh nhân, thậm chí phụ việc quán ăn, giúp việc nhà.
Không sống nổi từ lương, một số bác sĩ đã phải rao tìm việc trên mạng. Bác sĩ chuyên khoa nhi tên Trung đăng một mẩu tin: "Tôi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM, hiện đã có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện. Tôi mong muốn tìm việc làm thêm với cương vị là bác sĩ phòng khám đa khoa hoặc nội khoa tại TP HCM với mức lương từ 3 triệu đồng một tháng. Xin liên hệ với tôi qua email hoặc điện thoại". Bác sĩ Trung (27 tuổi), hiện làm bác sĩ chuyên khoa một bệnh viện nhi tại TP HCM.
Trao đối với VnExpress.net, bác sĩ Trung kể hồi mới tốt nghiệp đại học y với tấm bằng xếp loại giỏi, anh phấn khởi vì được một bệnh viện có tiếng trong thành phố "trải thảm" đón về. Song sau gần 2 năm làm việc tại đây, mức lương (cộng tất cả các khoản) mới được hơn 5 triệu đồng một tháng, trong khi chi phí ăn ở ngày càng đắt đỏ, bác sĩ trẻ đã phải lên mạng để đăng tin tìm việc làm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập.
"Tiền thuê nhà, phí sinh hoạt, xăng xe mỗi tháng cũng hết 2 triệu đồng rồi. Tháng nào lãnh lương xong, xài nhín một chút thì còn để được vài trăm, chứ bình thường tháng nào nhẵn túi tháng đó, không đi làm thêm thì sao đủ sống", bác sĩ Trung tâm sự. Hiện nay, sau 8 tiếng làm giờ hành chánh tại bệnh viện, bác sĩ trẻ này lại tất tả chạy về một phòng khám tư cách đó vài cây số để làm thêm. Anh nhận thù lao ngoài giờ 3 triệu đồng một tháng.
Để nhân viên y tế an tâm công tác, hầu hết thầy thuốc đều cho rằng, nhà nước cần xem lại chính sách lương. "Việc cân chỉnh mức lương phù hợp trong lúc vật giá leo thang sẽ giúp bác sĩ toàn tâm với công việc từ đó nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân", bác sĩ Nghiệm, phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn nói.
Trung Hào - Thi Ngoan