2011-09-09
Chỉ trong vòng hai tuần với các hoạt động “con thoi” của hai nhân vật Nguyễn Chí Vịnh và Đới Bỉnh Quốc, quan hệ Việt-Trung đã giảm nhiệt một cách khác thường.
Mặc dù giới lãnh đạo của hai bên nhìn nhận quan điểm về vấn đề Biển Đông còn khác biệt, nhưng khi Hà Nội đặt dấu chấm hết cho các cuộc biểu tình yêu nước phản đối Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam, cũng là lúc báo chí chính thống tràn ngập những bài báo tán dương quan hệ Việt-Trung.
Tôn trọng và tin cậy Trung Quốc?
Về mặt chính thức ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đến Hà Nội để cùng Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc từ ngày 6 đến 9/9. Bên cạnh chức vụ Ủy viên Quốc vụ tương đương chức Quốc Vụ Khanh bộ trưởng không bộ của phương tây, ông Đới Bỉnh Quốc còn giữ các chức vụ cao cấp ở Trung Ương Đảng Cộng sản về đối ngoại và an ninh quốc gia.
Báo chí trích bản tin Thông tấn xã nhà nước cho thấy Việt Nam mong muốn tìm giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, đây cũng là tựa bài của trang mạng chính thức Vietnam Plus. Theo tin này, Việt Nam-Trung Quốc cùng nhìn nhận còn khác biệt về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi đây là thực tế khách quan mặc dù qua trao đổi hai bên đã hiểu rõ lập trường của nhau.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam kêu gọi đối thoại dựa trên tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) để tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Việt-Trung đẩy nhanh đàm phán để sớm ký thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, tạo cơ sở để hai bên giải quyết các vấn đề cụ thể trên biển.
Ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc . Source Wikipedia
Theo TTXVN và Vietnam Plus, ông Đới Bỉnh Quốc đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vị khách Trung Quốc kêu gọi hai bên khẩn trương thảo luận để giải tỏa khác biệt về Biển Đông, mưu tìm những giải pháp mang tính cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được. Ông Đới Bỉnh Quốc còn nhấn mạnh tới “tinh thần vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Xem kỹ bản tin chính thức được phổ biến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc đều không đề cập đến bất cứ một chi tiết nào về sự khác biệt giữa hai bên trong vấn đề Biển Đông. Chẳng hạn như vấn đề quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc lấn chiếm của VNCH năm 1974, hay các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Hải quân Trung Quốc lấn chiếm từ tay người đồng chí và anh em Việt Nam năm 1988.
Liên quan tới sự kiện vừa nêu, trả lời Gia Minh Đài ACTD, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu nhận định:
- “Trung Quốc không bao giờ chịu đàm phán về Hoàng Sa, họ xem như đã chiếm xong, đã ‘ăn tươi, nuốt sống’ Hoàng Sa rồi, họ không bao giờ chịu bàn vấn đề Hòang Sa với chúng ta nữa đâu. Vấn đề bây giờ chỉ để lịch sử giải quyết, con cháu chúng ta giải quyết. Tôi đã có lần nói về điều này: vấn đề Hoàng Sa, Việt Nam dứt khoát không bao giờ từ bỏ lập trường. Đời tôi, đời con tôi, đời cháu tôi chưa lấy được thì đời chắt tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam phải đòi lại chủ quyền Hoàng Sa chứ không thể để Trung Quốc trắng trợn chiếm đóng như vậy được.”
Vẫn từ các nguồn thông tin chính thức, trước đó trong buổi sáng 7/9 tại Trụ sở Trung ương Đảng, ông Đới Bỉnh Quốc cũng đã có cuộc hội kiến với ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói thẳng là có khác biệt về vấn đề Biển Đông, thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ nói mong muốn thông qua đàm phán hòa bình, nỗ lực tìm ra giải pháp thỏa đáng. Ông Trọng đề nghị Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Trung thúc đẩy hợp tác trên mọi lãnh vực, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quan hệ, nâng hiệu quả hợp tác lên một tầm cao mới.
Mềm mỏng với Trung Quốc đến khó hiểu
Giới quan sát chính trị nhận định là, Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương được thành lập từ lâu với 4 lần họp trong những năm vừa qua. Ngoài vấn đề hợp tác buôn bán và những mặt hợp tác mang tính hình thức, không thấy Ủy ban này lên tiếng khi người dân Việt Nam sục sôi về sự kiện các tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, ngang nhiên phá hoại thiết bị thăm dò địa chất của tàu nghiên cứu dầu khí Việt Nam, hay những vụ tàu Trung Quốc bắt giữ tàu cá và trấn lột ngư dân Việt Nam tại các ngư trường ở Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Sự giảm nhiệt trong quan hệ Việt Trung có thể nhận thấy từ sau cuộc đối thoại quốc phòng Việt Trung lần thứ II vào cuối tháng 8. Tại Bắc Kinh trưởng đòan Việt Nam Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng đã có những phát biểu hết sức mềm mỏng và chắc là làm hài lòng phía Trung Quốc.
Tờ Đất Việt ngày 1/9 trích lời Tướng Vịnh, xin trích nguyên văn:
Tướng Vịnh gọi Trung Quốc là đồng chí cũng giống như lời lẽ ông Đới Bình Quốc gọi quan hệ Việt Trung trong tinh thần vừa là đồng chí vừa là anh em.
Tướng Vịnh còn có phát biểu gây nhiều tranh cãi, theo thông tấn xã Việt Nam Tướng Vịnh đã xác định với phía Trung Quốc là Việt Nam sẽ kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người và dứt khoát không để sự việc tái diễn.
Tuyên bố của tướng Vịnh về vấn đề biểu tình phản đối Trung Quốc đã làm những người yêu nước ở Việt Nam phẫn nộ. Ngày 6/9 luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã gởi thư ngỏ cho các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam yêu cầu làm sáng tỏ việc tướng Vịnh cam kết với phía Trung Quốc và việc này có phải là do chỉ đạo từ trên hay không.
Trả lời Phóng viên Thanh Trúc Đài ACTD, ông Lê Hiếu Đằng phát biểu từ Saigon:
- “Chúng tôi đấu tranh để dành độc lập tự do cho tổ quốc, bảo vệ danh dự, lòng tự tôn của dân tộc. Nhưng bây giờ một vị tướng lãnh mà lại đi tự cam kết với Trung Quốc rằng sẽ cấm biểu tình, hứa rằng không để tái diễn việc đó nữa thì tôi cho là không được. Tướng Vịnh hoàn toàn không có quyền phát biểu như vậy.”
Sự giảm căng thẳng trong quan hệ Việt Trung có thể là kết quả của những phép thử mà Trung Quốc đã áp dụng trong thời gian trước đó trên Biển Đông. Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc hành xử theo kiểu từ chỗ không có lãnh thổ thì chiếm lĩnh như trường hợp Hoàng Sa, hoặc từ chỗ chẳng có gì ở Trường Sa mà lại có thể hợp tác cùng chia sẻ khai thác tài nguyên như đề nghị với Philippines. Cho nên lúc này là lúc Bắc Kinh muốn hạ nhiệt trong quan hệ với Hà Nội và đây là điều đang diễn ra.
-----------------
Viettin: Cương quyết trấn áp người biểu tình chống Trung Quốc. Cương quyết tin tưởng vào những cam kết của TQ. Cương quyết phát huy tình hữu nghị với Trung Quốc. Cương quyết cùng với TQ chống lại mọi thế lực thù địch ....
Tại sao? Chuyện gì sắp xảy ra ?
Năm 1958, vì muốn "chống lại mọi thế lực thù địch", Đảng CSVN đã ra lệnh cho Phạm Văn Đồng ký công hàm "Công nhận chủ quyền của Trung Quốc". Chúng ta mất Hoàng Sa
Năm 2011: vì muốn "chống lại mọi thế lực thù địch", liệu Đảng CSVN có tuyên bố "Công nhận chủ quyền của Trung Quốc" trên toàn bộ biển Đông hay không? Liệu đường lưỡi bò sẽ là "chủ quyền của Trung Quốc", để rồi chúng ta lại mất Trường Sa?
Những gì Hồ Xuân Sơn, Nguyễn Chí Vịnh, Nguyễn Thiện Nhân, tuyên bố, là dấu hiệu cho thấy Đảng CSVN đang nằm trong qũy đạo của Trung Quốc trong việc chống lại thế lực của Hoa Kỳ trên biển Đông.