Thứ Sáu, 09/09/2011 23:53
Muối ngoại đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất công nghiệp trong nước, giá lại “mềm” hơn nên các doanh nghiệp tranh thủ nhập. Khi nào nước ta có ngành sản xuất muối công nghiệp đúng nghĩa thì muối nội mới có đất sống
Trả
lời phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ Công Thương cho biết hạn ngạch
(quota) nhập khẩu muối năm 2011 là 102.000 tấn, gồm 100.000 tấn muối
công nghiệp cho sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho sản
xuất thuốc, sản phẩm y tế. Trong đó, đã phân giao hơn 50.000 tấn vào đầu
năm 2011 và hiện đang phân giao 50.000 tấn còn lại. Trong khi đó, tính
đến hết tháng 8 vừa qua, lượng muối tồn kho lên đến 217.000 tấn, cân đối
cả năm thì nguồn cung vượt cầu khoảng 100.000 tấn, đáp ứng được cho
tiêu dùng trong nước cũng như các ngành nghề khác. Vậy tại sao phải nhập
thêm 50.000 tấn?
Do không mua được muối trong nước (?!)
Bộ
Công Thương cho biết thêm: Để giải quyết khó khăn về nguyên liệu cho
sản xuất hóa chất, đồng thời bảo đảm việc hỗ trợ tiêu thụ muối cho diêm
dân, ngày 13-7, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức cuộc họp với Bộ
NN-PTNT, mời một số doanh nghiệp (DN) sản xuất muối và 3 DN sử dụng muối
công nghiệp để sản xuất hóa chất. Tuy nhiên, các DN sản xuất muối đã
không đến dự.
Sản xuất muối tại huyện Đông Hải - Bạc Liêu. Giá muối ở đây đang ở mức thấp. Ảnh: DUY NHÂN
Tại cuộc họp, các DN
sản xuất hóa chất phản ánh tình trạng không mua được muối trong nước có
chất lượng phù hợp mặc dù đã liên hệ với các DN sản xuất muối, đã gửi
công văn đề nghị nhưng các DN này hoặc không trả lời hoặc trả lời không
có khả năng cung ứng muối theo yêu cầu. Vì vậy, các DN sản xuất hóa chất
tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương xem xét phân giao hạn ngạch nhập khẩu
muối đợt 2 để bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất theo kế hoạch.
Tháng
8-2011, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức đoàn công tác
trực tiếp làm việc với các đơn vị sản xuất muối công nghiệp tại khu vực
miền Trung và các đơn vị có nhu cầu dùng muối công nghiệp phục vụ sản
xuất hóa chất. Sau đó, trong công văn trả lời Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT
nêu rõ: “… Hiện đã vào cuối vụ sản xuất muối năm 2011 nên các DN muối
công nghiệp không thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng của các DN
sản xuất hóa chất và đã có kế hoạch sản xuất muối phục vụ các ngành
khác”.
Vì
vậy, Bộ NN-PTNT thống nhất phân giao đợt 2 lượng hạn ngạch nhập khẩu
muối còn lại của năm 2011 cho các DN làm nguyên liệu sản xuất hóa chất.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương xem xét, tiến hành phân giao đúng đối
tượng là các DN trực tiếp sử dụng muối cho sản xuất hóa chất, không được
phép trao đổi kinh doanh thương mại và sử dụng cho các mục đích khác.
Chạy theo lợi ích cục bộ
Tuy
nhiên, theo lãnh đạo một DN muối tại miền Trung, vì giá muối nhập khẩu
“mềm” hơn giá trong nước, đồng thời được hưởng mức thuế suất 15% trong
hạn ngạch (ngoài hạn ngạch là 50%) nên các DN sản xuất hóa chất tranh
thủ nhập càng nhiều càng tốt! Ông Trần Quang Phụng, Chủ tịch HĐQT kiêm
Tổng Giám đốc Tập đoàn Muối miền Nam, cho rằng muối nào cũng là muối,
muối đưa vào sản xuất công nghiệp thì được đặt tên là muối công nghiệp,
nếu đưa vào chế biến thì được gọi là muối thực phẩm. “Cách định danh
chẳng qua là cái cớ để các DN sản xuất hóa chất đưa ra tiêu chuẩn này,
tiêu chuẩn nọ nhằm đề xuất cơ quan chức năng cấp hạn ngạch nhập khẩu
muối.
Việc
nhập khẩu muối không chỉ ảnh hưởng đến diêm dân mà còn ảnh hưởng đến DN
sản xuất, kinh doanh muối trong nước. Nhà nước cũng không nên áp dụng
hạn ngạch mà hãy để DN nào có nhu cầu nhập (với thuế suất 50%) thì cho
nhập, từ đó mới tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trong ngành” -
ông Phụng nói.
Đại
diện Hiệp hội Nghề muối phía Nam cho rằng việc cấp hạn ngạch nhập khẩu
muối chỉ làm lợi cho một số DN nhưng lại làm hại cả ngành muối trong
nước. Các bộ, ngành cần phải nghiên cứu, tìm ra chính sách ổn định giá
muối để gỡ khó cho diêm dân.
Lối ra: Muối công nghiệp
Vấn
đề cốt lõi khiến nghịch lý muối thừa mà vẫn nhập kéo dài những năm qua
là do ngành sản xuất muối công nghiệp của nước ta chậm phát triển. Theo
giới chuyên môn, muối công nghiệp khác muối ăn. Muối công nghiệp được
dùng nhiều trong ngành công nghiệp sản xuất hóa chất, dự báo sắp tới
tiếp tục xảy ra tình trạng cung không đủ cầu, tức là có thể sẽ xin mở
hạn ngạch để… mua thêm muối ngoại !
Chính
sách của Nhà nước là khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư nhà máy
để sản xuất, chế biến muối công nghiệp nhưng phần vì vốn đầu tư cao,
phần vì các DN chế biến thích “ăn xổi” nên năm nào cũng phải nhập khẩu
muối, làm cho diêm dân không ngóc đầu lên nổi. Vì vậy, trong mối quan hệ
Nhà nước - DN muối - diêm dân, rất cần một “tư lệnh” luôn sát cánh lèo
lái và vực dậy ngành muối cả nước vốn đang đuối sức.
Đừng để diêm dân tự “bơi”
Cách
đây 5 năm, khi nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ
- Quảng Ngãi) được đầu tư xây dựng ngay bên cạnh cánh đồng muối Sa
Huỳnh lớn nhất miền Trung với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỉ đồng, diêm dân
hớn hở, hy vọng từ đây đời sống sẽ khá hơn. Thế nhưng, chỉ sau một thời
gian hoạt động, nhà máy không thu mua muối do diêm dân địa phương sản
xuất mà chuyển sang mua muối từ các tỉnh bạn với lý do muối Sa Huỳnh làm
trên nền đất nên tạp chất quá nhiều. Vậy là diêm dân ở đây phải quay
trở lại bám mặt ruộng kiếm cơm qua ngày, nhiều hộ bỏ nghề. Theo UBND xã
Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, toàn xã có 867 hộ làm muối với tổng diện tích
112 ha, hiện tồn đọng hàng trăm tấn muối.
UBND
tỉnh Quảng Ngãi trước đây đã phê duyệt dự án quy hoạch đồng muối Sa
Huỳnh thành vùng sản xuất chuyên canh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế
nhưng dự án bị treo suốt mấy năm nay. Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận: “Thật tình mà nói, chất lượng
muối Sa Huỳnh hiện nay chỉ có thể dùng để ướp cá, làm mắm thôi. Nếu muốn
bán được, diêm dân cần phải tự đầu tư nền xi măng thay cho nền đất và
chú trọng chất lượng hơn là số lượng thì may ra có thể cạnh tranh được
với muối ngoại”.
N.Hà
|
NHÓM PHÓNG VIÊN