Trên đời này không có cái gì kỳ lạ như thứ ấy, có thể xa tít mù khơi
đến nổi đọc hàng trăm tư liệu, xem hàng ngàn con số vẫn lần không ra…
Nhưng cũng rất gần như vũng nước trước nhà sau cơn mưa… Đó là thứ ai đi
mượn, ai đã cầm cũng không ai biết… Song mỗi người trong quốc gia ấy đều
có nghĩa vụ phải trả. Hắn định xù thì con hắn phải trả, con hắn bỏ trốn
thì cháu hắn phải è cổ ra mà trả… Đó là nợ công ở Việt Nam.
Nợ công với Việt Nam
Đối với một quốc gia, vấn đề nợ công tác động đến các chính sách tài
khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, tỷ giá… Nợ công là nợ sinh ra từ khu vực
công. Khu vực công gồm: khu vực nhà nước (trung ương, địa phương), khu
vực kinh tế công (có sự góp vốn, góp mặt của nhà nước)… Phải kể lể dài
dòng ra như vậy để thấy rằng có nhiều công ty quốc doanh trở thành công
ty trách nhiệm hữu hạn, nhưng khi công ty bị phá sản, nhà nước không thể
phủi tay về trách nhiệm nợ của các công ty ấy. Do đó ở Việt Nam, nợ
công là một “đặc sản” của Việt Nam – không thể tìm thấy ở Thái Lan,
Philippin… và rất nhiều nước trên thế giới. Nghĩa là vấn đề nợ công ở
Việt Nam trục trặc ngay từ khâu đầu tiên, định nghĩa thế nào là nợ công.
Đây là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ nợ/GDP trong năm 2009
giữa Việt Nam công bố là 41% với Ngân hàng Thế giới (WB) là 47%, mấy năm
trước cũng vậy và năm nay vẫn chưa khác.
Một thực tế bí và mật
Khủng hoảng tài chính của Hy Lạp là một ca nghiên cứu kinh điển của
nhiều chuyên gia kinh tế, lý giải quá trình hình thành và các diễn biến
ca khủng hoảng này tốn rất nhiều công sức. Tỷ lệ nợ công/GDP của Hy Lạp
có khoảng 113% – không quá lớn so với nhiều quốc gia khác – tại sao lâm
vào khủng hoảng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: chính các hành vi dối trá
trong thống kê của Hy Lạp đã làm giới đầu tư quốc tế mất niềm tin, dân
chúng trong nước bất hợp tác đã đẩy Hy Lạp rơi vào vòng xoáy bất ổn kinh
tế. Mức thâm hụt ngân sách năm 2008 được Hy Lạp công bố là 5%, nhưng
đến nay phát hiện lên đến 14%. Bi kịch Hy Lạp là bài học nhỡn tiền của
chủ trương đặt tham vọng chính trị lên trên thực lực kinh tế. Tổng cục
Thống kê Việt Nam thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng công tác thống kê
tài chính lại hoàn toàn do Bộ Tài chính làm. Bên cạnh những con số thuộc
loại “bí” vì chưa bao giờ được tính toán ra, lại có quá nhiều con số
thuộc loại “ mật” nên chẳng giải trình công khai được. Thực tế bí và mật
đã dẫn đến chuyện các công chức hữu trách cũng chẳng biết nước ngoài
lấy đâu ra các số liệu về kinh tế Việt Nam, “chuyện trong nhà chưa tỏ,
ngoài ngõ đã hay” ở trường hợp này thể hiện rất chí lý. Cụ thể hơn về
thực tế bí và mật, tháng 5/2011 Tổng cục Thống kê họp báo tuyên bố về
việc áp dụng Hệ thống chỉ tiêu quốc gia mới bao gồm 350 chỉ tiêu và nhóm
chỉ tiêu. Đồng thời, Tổng cục này cũng công bố luôn là sẽ chỉ trình bày
297 chỉ tiêu ngay trong năm 2011 và toàn bộ các chỉ tiêu thì đợi đến…
đến năm 2015. Đề cập đến vấn đề số liệu như vậy để có một cái nhìn chính
xác hơn về con số nợ của Việt Nam.
Xuất phát từ cơ sở số liệu hỗn độn, thị trường Việt Nam hay phát ra
những tín hiệu đối với giới tài chính quốc tế là bất thường, dễ lẫn lộn
và lạ lùng. Tuy nhiên họ cũng hiểu rằng các yếu tố tâm lý tác động rất
nhiều đến thị trường Việt Nam, vấn đề ở đây không phải là tâm lý đám
đông mà là niềm tin – niềm tin của người dân vào đồng nội tệ. Vì mất
lòng tin vào tiền đồng nên người dân đã chuyển tiết kiệm sang các tài
sản khác an toàn hơn như vàng và bất động sản. Can thiệp bằng các biện
pháp hành chính chỉ làm cho tình hình tồi tệ thêm; chẳng hạn như “tin
đồn” cấm kinh doanh vàng trong thời gian vừa qua. Qua bài học Hy Lạp,
giới đầu tư và thế giới tỏ ra rất nhạy cảm với lối cư xử thiếu minh bạch
của chính quyền đi vay. Kiểu tính toán không đúng, không đủ có hệ thống
luôn ẩn chứa sự khuất tất, thiếu thiện chí trong chi trả. Khi đã mất uy
tín thì các khoản nợ dài hạn sẽ nhanh chóng chuyển thành ngắn hạn, các
chủ nợ sẵn sàng lấy ngay 100 triệu USD thay vì 1 tỷ USD mà phải đợi 40
năm.
Nợ công và nợ nước ngoài
Những số liệu khập khiễng được công bố trong nước chỉ dẫn đến bế tắc,
vô giá trị trong việc tái dựng toàn cảnh thực trạng nợ công Việt Nam.
Ứng dụng các số liệu bên ngoài là cách bất đắc dĩ khi bàn chuyện nội
tình, song tính đến thời điểm hiện nay, đó là phương cách ứng dụng khả
tín nhất.
Theo tạp chí kinh tế The Economist, tính tới thời điểm 8h10’ ngày 1/9/2011 theo giờ Việt Nam, có các số liệu sau:
- Tổng nợ công của Việt Nam: 44,795 tỷ USD (2009), 50,294 tỷ USD (2010), 56,061 tỷ USD (2011).
- Nợ công tính trên bình quân mỗi người Việt Nam: 516,62 USD (2009), 574,28 USD (2010) và 633,95 USD (2011).
- Nợ công/GDP: 50,7% (2009), 51,7% (2010) và 50,9% GDP (2011) (1).
Đối chiếu với Factbook của CIA, ghi nhận về Việt Nam như sau:
- Nợ công/GDP: 49,8 % (2009). Năm 2010, tỷ lệ nợ công/GDP: 57,10%, Việt Nam đứng hạng thứ 41/133 quốc gia và lãnh thổ (2).
Nợ nước ngoài chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ công ở Việt
Nam. Theo số liệu không chính thức từ WB năm 2010, bao trùm lên 42,2%
GDP nợ nước ngoài là khoản nợ công của Việt Nam chiếm 56,6% GDP. Căn cứ
theo số liệu về nợ nước ngoài của Bộ Tài chính Việt Nam công bố trong
bản tin số 7, có thể tính ra nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2010:
khoảng 59,1 tỷ USD.
Vấn đề nợ công ở Việt Nam đang trong tình trạng một mê hồn trận, bởi
đến nay không hề có một chiến lược tổng thể về vay nợ và trả nợ được
công bố ở mức sơ đẳng nhất: bản dự thảo. Khi trả lời về gánh nặng ngân
sách sẽ tăng lên theo nghĩa vụ nợ, một quan chức có thẩm quyền phát
biểu: “năm nay chúng ta trả nợ 1,5 tỷ USD tương đương với 15% thu ngân
sách chẳng hạn. Năm sau chúng ta trả nợ 2 tỷ USD cũng tương đương 15%
thu ngân sách… Tức là khi quy mô nền kinh tế chúng ta lớn thêm, thu ngân
sách chúng ta to lên thì việc tăng mức trả nợ sẽ không có áp lực hay
vấn đề gì cả” (3). Nghe thì thật sướng tai giống như… ông ấy đã nói rất
sướng miệng. Chẳng hiểu ông ấy bói đâu ra quan điểm này, một khi thực tế
là tốc độ tăng trưởng đang giảm, hệ số ICOR của Việt Nam đang cao ngất
ngưỡng.
Riêng về nợ nước ngoài, đối chiếu với Factbook của CIA, thấy ghi nhận về Việt Nam như sau:
- Nợ nước ngoài: 28,67 tỷ USD (2009). Năm 2010, nợ nước ngoài là: 32,81 tỷ USD. Việt Nam đứng hạng thứ 63 trên thế giới (4).
Thời gian vừa qua, có hàng loạt thông tin đưa ra hai con số: 42,2%
GDP và 32,5 tỷ USD về số nợ nước ngoài của Việt Nam. Sẽ là sai lầm nếu
cho rằng: nợ nước ngoài của Việt Nam là: 32,5 tỷ USD; con số đó phải là:
44,1 tỷ USD ! Đây là con số tổng nợ nước ngoài bao gồm: nợ khu vực công
(nợ của chính phủ + chính phủ bảo lãnh) + nợ thương mại của các doanh
nghiệp trong nước. Trong tổng nợ này, riêng nợ nước ngoài của khu vực
công là: 32,5 tỷ USD. Tất nhiên, đây chỉ là một con số tổng nợ nước
ngoài đặc sản kiểu Việt Nam.
Căn cứ Bản tin nợ nước ngoài số 7, về các chủ nợ tính đến 2010: trong
nhóm chủ nợ song phương, nước cho Việt Nam vay nhiều nhất là Nhật với
9,547 tỷ USD, thứ hai là Pháp với 1,167 tỷ USD, thứ ba là Nga với 568
triệu USD, thứ tư là Trung Quốc với 551 triệu USD. Trong nhóm chủ nợ đa
phương: đứng đầu là IDA (Hiệp hội Phát triển Quốc tế) với 6,930 tỷ USD,
kế tiếp là ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) với 4,174 tỷ USD (5).
Đặc biệt là tất cả các tài liệu trong cũng như ngoài nước, hoàn toàn
không thấy nơi nào ghi đích danh con nợ. Tại website của The Economist ở
trang ghi nhận số liệu nợ công các quốc gia, bên dưới thấy loáng thoáng
vài dòng giải thích: “chính phủ nợ tiền với công dân của chính họ, chớ
không phải với người sao Hỏa”. Và “khi nợ tăng nhanh hơn sản lượng kinh
tế thì có nghĩa: sự can thiệp của nhà nước vào nên kinh tế sẽ nhiều hơn
và thuế trong tương lai sẽ cao hơn” (6). Tất cả những công dân trong
quốc gia đó chính là con nợ của các khoản vay nợ công. Nguồn trả chính
tiền thuế của người dân và tài nguyên quốc gia.
Lo lắng về nợ công là một cảm xúc chính đáng, bởi phải biết rằng giải
quyết dứt điểm nợ công là ý kiến không tưởng. Trong khi đó lãi suất
trung bình nợ nước ngoài của chính phủ lại có xu hướng tăng nhanh, từ
1,54%/năm (2006), lên 1,9%/năm (2009) và đến 2,9%/năm (2010). Một khi lỗ
hổng thâm hụt ngân sách nứt toác ra thì nguy cơ vỡ nợ liền xuất hiện.
Thực tế cho thấy chỉ có thể làm cho giá trị nợ công trở nên “nhẹ” hơn
khi xét trong tỷ lệ với GDP bằng cách đẩy GDP tăng lên. Đó là trường hợp
của nước Mỹ giai đoạn 1946 – 1956, tỷ lệ nợ công so với GDP giảm xuống
còn một nửa trong vòng 10 năm. Và đây là câu chuyện ngày xưa từ thế kỷ
trước…
Các vấn đề liên quan nợ công
So sánh tổng nợ nước ngoài với GDP là nhằm so sánh nợ với những gì
một quốc gia làm ra, để xác định khả năng trả nợ của quốc gia đó. Trong
nợ công còn có phần quỹ hưu trí – đây là cách tính nợ công tiêu chuẩn
của Liên Hiệp Quốc, vấn đề này hiện nay bị bỏ lơ khi tính nợ công ở Việt
Nam. Chắc chắn câu chuyện này sẽ nóng vào năm 2017: thời điểm Việt Nam
thành quốc gia có dân số già, tức 10% dân số ở độ tuổi từ 60 trở lên.
Cách tính khác biệt này lý giải tại sao có nhiều nước phát triển có tỷ
lệ nợ công/GDP đến 80 – 90%/GDP, trong khi rất nhiều nước khác như: Ấn
Độ, Thái Lan, Trung Quốc… và Việt Nam có tỷ lệ nợ công/GDP xoay quanh
mức 50% – mà WB lại khuyến cáo.
Cần phải khẳng định rõ vay nợ nước ngoài không phải là điều gì xấu.
Các nước đang phát triển và phát triển trên thế giới đều có vay nợ nước
ngoài. Vay nước nước ngoài chỉ trở nên đáng kinh tởm khi ai đó [?] lồng
chuyện công vào việc tư, đem nợ công xoay ra thành tài sản cá nhân nhà
mình. Thực chất tình trạng nợ công khiến người ta lo ngại vì chính quyền
đã bội chi nặng và vay mượn quá nhiều trong khi chưa hề có một luật
định minh bạch nào nhằm chấn chỉnh lối tiêu xài vô tội vạ này. Tình
trạng bội chi ngân sách đã diễn ra trong nhiều năm: 5% GDP (2005 –
2008), 6,9% (2009) và 5,6% (2010).
Nếu hiểu theo dạng quá trình tăng nợ là việc tích sản của nền kinh
tế, với đặc thù Việt Nam, có khoảng 30% nợ công đã không trở thành tài
sản mà đã trôi đi đâu đó… (7). Tỷ lệ thất thoát của các công trình đầu
tư nhà nước được thừa nhận chính thức (lẫn không chính thức) là từ 15%
đến 45%. Với số nợ nước ngoài công bố năm 2009 là 29 tỷ USD, có thể thấy
phần thất thoát là từ 4 tỷ USD đến khoảng 10 tỷ USD (8).
Chỉ số ICOR
Trong lãnh vực nợ công ở Việt Nam, cách hành xử công nợ là vấn đề
quan trọng nhất. Từ cách hành xử này nảy sinh định nghĩa về nợ của Việt
Nam “đặc thù” so với quốc tế, từ đây dẫn đến tương lai gần: nợ công trở
thành một rủi ro lớn của kinh tế Việt Nam. Chẳng có gì quá đáng khi cho
rằng rủi ro nợ công ở Việt Nam có thể vượt lạm phát và tỷ giá. Thể chế
chính trị được thu xếp cho mục đích tạo ra môi trường phát triển kinh
tế, không thể làm ngược lại: bảo hộ nền kinh tế theo hướng nuôi dưỡng
một thể chế chính trị. Chính những nền kinh tế được dung dưỡng từ các
thể chế chính trị độc tài luôn chứa đưng nguy cơ đổ vỡ hệ thống khi gặp
các cú shock kinh tế. Thực tế bí và mật về các số liệu nợ công là hành
vi ngạo mạn, trịch thượng của chính quyền hiện hành đối với nhân dân.
Bằng việc công bố trọn gói thiếu diễn giải các khoản nợ vay hàng vài
chục tỷ USD, chế độ muốn hợp pháp hóa các khoản biển thủ của công. Qua
vấn đề nợ công, người ta càng có dịp hiểu rõ thế nào là một chế độ cai
trị bằng hành vi trộm cắp, một chế độ kleptocracy.
Tự con số tuyệt đối nợ công không phản ánh hết được mức độ nghiêm
trọng, điều quan trọng hàng đầu trong vấn đề nợ công nằm chỗ: hiệu quả
xử dụng đồng vốn vay. Tức liên quan đến chỉ số ICOR (Incremental Capital
– Output Rate), đo lường hiệu quả đầu tư. ICOR càng cao thì chứng tỏ
hiệu quả đầu tư càng thấp. Chỉ số ICOR năm 2010 là là 6,9, nói đơn giản
là phải bỏ ra 6,9 đồng vốn đầu tư mới được 1 đồng tăng trưởng; trong khi
đó Trung Quốc là 4,1, Nhật là 3,2, Hàn Quốc là 3,2, Đài Loan là 2,7
(9). Chỉ số này cao hơn nhiều so với khuyến cáo của WB: đối với một nước
đang phát triển, chỉ số ICOR ở mức 3 là đầu tư có hiệu quả và nền kinh
tế phát triển theo hướng bền vững. So sánh với các nước trong khu vực,
ICOR của Việt Nam gần gấp đôi. Riêng năm 2008, chỉ số ICOR chung của nền
kinh tế Việt Nam là 8, thì ICOR của khu vực kinh tế nhà nước lên tới 12
– thuộc hạng cao nhất thế giới. Rồi sang sang 8 tháng đầu năm 2009,
tổng số vốn chi cho khu vực này tương đương với cả năm 2008. Phải nêu rõ
ra như vậy mới thấy hết được bản chất tiêu cực của mảng kinh tế quốc
doanh đang chiếm vai trò chủ đạo ở Việt Nam; cũng như địa chỉ các khoản
nợ công đến. Nên trong đời thường, nợ công như một bóng ma giữa ban ngày
chẳng có mấy ai thấy, nhất là những người dân bình thường. Bởi đơn giản
là cơn khát đầu tư của các cơ quan nhà nước và khu vực kinh tế công đã
uống mất các khoản nợ công này.
Những diễn biến phức tạp về nợ công có thể tạo ra những hiệu ứng
không lường trước. Chẳng hạn xu hướng mất giá của đồng nội tệ đang diễn
ra liên tục và ngày càng nghiêm trọng cũng khiến khoản nợ nước ngoài
không ngừng phình ra. Đầu tháng 8/2011, hãng đánh giá tín dụng toàn cầu
Fitch Ratings nói nợ bằng tiền đồng và ngoại tệ của Việt Nam có mức khả
tín B+. Đây là mức ngang với Mông Cổ và Venezuela nhưng thua Philippines
và Indonesia (10). Fitch còn cho rằng, nợ công Việt Nam vượt ngưỡng 50%
GDP là cao hơn mức trung bình 37% đối với hạng B (11). Ngày 19/8/2011,
hãng định mức tín nhiệm Standar & Poor’s hạ một bậc điểm tín nhiệm
nợ công Việt Nam từ BB xuống BB-, mức thấp nhất so với các nước Đông Nam
Á, chỉ ngang bằng với Bangladesh và Mông Cổ. Khi niềm tin mất, mọi thứ
sẽ sụp đổ rất nhanh. Kiểu điều hành vĩ mô của chế độ đã khiến các nhà
đầu tư hoang mang, họ không hiểu chính quyền Việt Nam muốn cái gì giữa
duy trì tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
Thời gian qua có quá nhiều bình luận xung quanh vấn đề nợ của Mỹ,
khiến cho cả Tổng thống Mỹ cũng liên tục “phân bua” về việc này. Cuối
cùng hãng S&P làm thêm cú knok out quá hớp, hạ điểm tín dụng Hoa Kỳ…
Nhưng những nước như Trung Quốc và Việt Nam thì thở phào nhẹ nhõm, chắc
chắn rằng sẽ không hề có những cuộc tranh cãi rất ư là “linh tinh” như
trên. Việt Nam cứ bình tĩnh đi vay, những doanh nghiệp được nhà nước đỡ
đầu càng thoải mái hơn – bởi trong hệ thống luật không hề có bất kỳ một
quy định nào về mức nợ tối đa mà chính quyền có thể đi vay. Như Trung
Quốc hiện đang nổi danh là quốc gia chủ nợ của Mỹ. Song mức nợ thực sự
của Trung Quốc là bao nhiêu thì ngay cả chính quyền Trung Quốc cũng khó
đưa ra được con số chính xác về lãnh vực này. Việt Nam cũng vậy, cách
đối phó đơn giản nhất về tình trạng nợ công là cứ giấu biến đi các khoản
nợ. Khi tỷ lệ nợ/GDP lên hơn 40% là đồng nghĩa chính sách tỷ giá bị
thắt họng lại. Trong việc chi trả nợ công, đồng nội tệ đóng vai trò cực
kỳ quan trọng. Với lượng dự trữ ngoại tệ thấp (tương đương tối đa 2
tháng nhập khẩu), ngân hàng (NH) Nhà nước không đủ khả năng hỗ trợ cho
đồng nội tệ. NH Nhà nước đã dùng các mệnh lệnh hành chính đẩy cái “nhiệm
vụ bất khả thi” này xuống các NH thương mại cổ phần, mức lãi suất cho
vay tương đương tỷ lệ lạm phát thể hiện động thái đẩy cây này. Các mệnh
lệnh hành chính mới nhất dễ chừng tạo nên một trong các kịch bản nhiều
ảo giác như sau: tình trạng lạm phát đã nguội nên lãi suất giảm trong
tháng 9 rồi mọi chuyện quay trở lại như cũ – thậm chí lạm phát sẽ mạnh
hơn – trong tháng 10/2011. Sự nhảy múa điên đảo của chính sách tiền tệ
không thể che giấu được những khuất tất trong chính sách tài khóa.
Đến nay các dự báo về tương lai kinh tế thế giới tỏ ra không mấy lạc
quan: trải dài từ cung bậc “có thể xảy ra đợt suy giảm không quá nghiêm
trọng” đến “đã bước chân vào một vòng suy thoái mới”. Kinh tế cả 3 khối
Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều trì trệ, đồng nghĩa với việc xuất khẩu sẽ
càng vất vả hơn. Còn về mặt định lượng: xác suất xảy ra khủng hoảng toàn
cầu lần này là trên 50%. Quan điểm lạc quan nhất thì cho rằng cuộc hồi
phục kinh tế thế giới sau khủng hoảng 2008 – 2009 có thể sẽ mang hình
chữ W thay vì chữ V.
Kết luận
Trong bối cảnh dân chúng không tin đồng nội tệ, nhà đầu tư quốc tế
nghi ngờ chính sách quốc gia thì công nợ nền kinh tế ấy đã rất cận kề
bất ổn. Thực chất những vấn nạn như thâm hụt cán cân thương mại, hệ
thống ngân hàng kém bền vững, lượng dự trữ ngoại tệ yếu… kể cả lạm phát
cũng chỉ là những “rủi ro nhất thời” – đều có thể vượt qua – so với quốc
nạn mất niềm tin. Bởi xét đến cùng, lạm phát chỉ là một biểu hiện của
khủng hoảng kinh tế; còn tai họa mất niềm tin lại là biểu hiện của một
khủng hoảng lớn hơn: khủng hoảng xã hội – cái không gian chứa đựng những
vận hành của nền kinh tế ấy. Bơi ra biển lớn để bắt cá lớn là một khẩu
hiệu tích cực, bởi chẳng ai có thể ép hoặc dụ khị mình phải bơi ra biển
lớn; hoặc chẳng ai viết tiếp phần còn lại của khẩu hiệu khả dĩ “tích
cực” kia: bơi ra biển lớn để bắt cá lớn, nhưng nếu chưa biết bơi thì sẽ…
chết lớn!
Nếu xét mức nợ công bình quân đầu người trong vòng 8 năm (2001
-2009), sẽ thấy mức nợ này đã tăng gần 4 lần, tức trung bình hơn
18%/năm; trong khi tốc độ tăng GDP bình quân đầu người của cùng thời kỳ
chỉ là 6%/năm. Đứng về phương diện quốc gia đối với các khoản nợ nước
ngoài, ngày nào đa số còn xem đó là nợ của anh Ba, chú Tư hoặc của người
sao Hỏa… thì nhân dân Việt Nam sẽ còn trả nợ dài dài. Rồi mấy đời con
cháu mình vẫn chưa trả hết nợ, một khi, chúng ta không giải quyết xong
cục nợ đang ngồi chồm hỗm ở Ba Đình kia.
Bangkok, Ngày 2/9/2011
© Nguyễn Việt
© Đàn Chim Việt
———————————————-
Chú thích:
(1), (6) http://www.economist.com/content/global_debt_clock
(2), (4)
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/vm.html
(3) Ông Nguyễn Thành Đô – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối
ngoại (Bộ Tài chính). Vị này cũng là Trưởng Ban Biên tập Bản tin Nợ nước
ngoài.
http://vneconomy.vn/20110817112939199P0C5/ca-phe-cuoi-tuan-nong-chuyen-vay-nuoc-ngoai.htm
(5) Biểu số 4.04, Bản tin nợ nước ngoài số 7.
(7)http://vneconomy.vn/20110829050653953P0C6/rui-ro-no-cong-co-the-vuot-lam-phat-va-ty-gia.htm
(8)http://vneconomy.vn/20101211021246386p0c9920/no-cong-vay-va-tra.htm
(9) Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam.
http://www.sgtt.com.vn/Kinh-te/126489/Chi-so-ICOR-VIET-NAM-dan-dau.html
Con số này tương đương với một nguồn từ Ngân hàng Nhà nước: chỉ số ICOR năm 2010 là 6,2. http://sbv.gov.vn
(10)http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2011/08/110809_vietnam_rating.shtml
(11)http://vneconomy.vn/2011081111112859p0c6/fitch-khuyen-nghi-viet-nam-tiep-tuc-that-chat-tien-te.htm
———————————————–
Tham khảo:
- Dainamax Magazine
http://www.dainamax.org/
- Economist Intelligence Unit. Các báo cáo: Country Forecast Vietnam
Aug 2011 (16 p.), Country Risk Service Vietnam Aug 2011 (23 p.), Country
Report Vietnam Aug 2011 (24 p.).
- ACB, Asian Development Outlook 2011: South-South Economic.
- Bản tin nợ nước ngoài số 7, Bộ Tài chính, tháng 7/2011, 36 trang.